Vượt ngàn con chữ - Bài cuối

Những năm qua, huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực, trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Để có được sự thay đổi của Mường Tè ngày hôm nay không thể không nói tới sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của những con người bình dị là đội ngũ các thầy cô giáo. Họ đều có một trái tim nóng, một tinh thần nhiệt huyết không ngại khó, ngại khổ trong công tác, cống hiến công sức cho sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Yêu nghề, yêu trẻ

Cô giáo Trần Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Mù Cả, quê ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, học trung cấp mầm non ra trường, nghe bạn bè giới thiệu về Lai Châu hấp dẫn, đẹp lắm nên cô nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trúng tuyển, được phân về Trường mầm non xã Mù Cả, huyện Mường Tè, cô thấy mình đã chùn bước vì khó khăn, vất vả, ngoài sức tưởng tượng, mặc dù đã có sự chuẩn bị trước về tâm lý. Vào điểm bản nhận lớp, bà con không biết tiếng phổ thông, đi dạy phải leo núi, lội suối, lại thấy trường lớp tạm bợ thì cô giáo Phượng càng nản chí hơn. Nhưng về sau, được đồng nghiệp động viên, nhường phòng cho vợ chồng ở và ngày sau mọi người xắn tay cùng dân bản lấy gỗ, đánh gianh, dựng phòng tạm để lấy chỗ sinh hoạt. Người dân quan tâm sẻ chia mớ rau, bó củi, mớ cá suối, củ sắn… học sinh tối đến thì quây quần ở phòng cô giáo, đốt lửa hát hò để cô giáo đỡ buồn, không bỏ về. Tối trằn trọc, suy tính, chồng vỗ về, động viên vợ “các anh, các chị sống được thì mình cũng sẽ sống được”.

Ở Trường Mầm non xã Mù Cả, huyện Mường Tè, người dân quan tâm đến việc học của con cái nên đến góp sức nấu ăn, chăm sóc con cái cùng cô giáo.



Phượng thương các em học sinh, mến người dân, tình cảm sẻ chia của đồng nghiệp nên có động lực ở lại và gắn bó lâu dài với mảnh đất khó Mù Cả. Chồng Phượng cũng khăn gói lên với vợ, mở quán sửa chữa xe máy để vợ chồng được ở gần, quan tâm động viên nhau. Tám năm gắn bó, công tác, chứng kiến sự đổi thay của xã Mù Cả, cô giáo Trần Thị Phượng cho biết: “Mù Cả là xã biên giới, giờ đổi thay rất nhiều, hiện nay đã có đường vào tới trung tâm xã, đến các điểm bản, có sóng điện thoại, trường lớp được đầu tư xây dựng kiên cố khang trang, đời sống và nhận thức của người dân được nâng lên, phụ huynh dần quan tâm đến việc học của con cái. Nói đến Mù Cả, ai cũng nghĩ ở đây cái gì cũng mù hết như cái tên gọi của nó, đến rồi mới biết Mù Cả đã thay đổi, có chăng chỉ còn sương sớm mù mịt và giá lạnh thôi”.

Thầy Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã biên giới Pa Vệ Sử (Mường Tè) quê ở Hải Phòng, học ra trường một năm không xin được việc, có người nhà làm trên Lai Châu giới thiệu, bản thân muốn khám phá vùng đất mới, năm 2005 anh nộp đơn, tình nguyền vào Mường Tè công tác. Trước lúc xách ba lô về trường, Dũng nghĩ học sinh ở đâu cũng giống nhau nên xếp thêm bộ sách “Toán tuổi thơ” để bồi dưỡng cho các em. Lên nhận lớp, dạy học thì Dũng mới vỡ lẽ ra là mặt bằng học lực của học sinh quá thấp, vì vậy anh đành cất nguyên bộ sách ấy đến bây giờ. Công tác được hơn bốn năm, Dũng xác định ở lại, gắn bó lâu dài với Mường Tè nên quyết định xây dựng gia đình, ổn định đời sống. Năm 2007, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Loan, quê ở Yên Bái lên nhận công tác cùng trường, cùng điểm bản, hai người quan tâm, động viên vượt qua những khó khăn, hỗ trợ nhau trong công việc, rồi dành tình yêu thương cho nhau và hạnh phúc nở hoa.

Thầy Dũng cho biết, hè vừa rồi nhà trường phát động đợt tình nguyện trong giáo viên, thầy cô giáo ở lại tổ chức hỗ trợ kiến thức, sinh hoạt hè cho các em học sinh. Các em học sinh sẽ nắm chắc kiến thức để chuẩn bị tốt cho năm học mới và có cơ hội hòa đồng, gần gũi, thân thiết với giáo viên. Ngoài những giáo viên có việc phải về quê, còn lại ai cũng tham gia tự nguyện, hào hứng, vui vẻ và ý nghĩa. Trường Tiểu học Pa Vệ Sử có 66 em học sinh bán trú, không có nhân viên nuôi dưỡng, thầy cô giáo phải luân phiên phân công nấu ăn, trực bán trú, đảm bảo việc ăn, ở và học hành của các em. Thầy Dũng tâm sự: “Đến với vùng cao biên giới như huyện Mường Tè, ai mà nghĩ đến vật chất, nghĩ lợi ích riêng và lo vun vén cho bản thân mình thì không thể sống và hy sinh lâu dài cho nghề, không được anh em đồng nghiệp và bà con dân bản yêu mến, tôn trọng”.

Vượt khó

Điểm bản Suối Voi của Trường Tiểu học xã Kan Hồ (Mường Tè) là điểm xa nhất so với điểm trung tâm xã, bà con ở đây là dân tộc Mông, năm học này có bốn lớp và 65 học sinh. Vào bản Suối Voi rất khó khăn, đi xuồng qua sông Đà nguy hiểm, ngày thường mỗi lần qua sông một người phải mất 30.000 đồng, ngày mưa nước to thì bị thu 100 nghìn đồng. Qua được sông, đi xe máy 10 km, còn lại 10 km phải đi bộ, chính vì vậy điểm trường này chỉ có các thầy giáo xung phong vào đứng lớp. Thầy giáo Đăng Văn Quỳnh, quê ở Thái Bình, vào nghề được bốn năm thì mất gần ba năm ở điểm bản này. Nhà trường chuyển điểm bản thuận lợi cho Quỳnh nhưng anh không chịu, vì tuổi trẻ chưa vướng bận vợ con và thân quen với học sinh nên bỏ không đành. Cô giáo Bùi Thị Dung, Hiệu trường Trường Tiểu học Kan Hồ nói: học sinh ở điểm trường này học lực yếu nên năm học vừa rồi có bốn em ở lại lớp, các thầy không có hè mà ở lại phụ đạo để các em có đủ điều kiện lên lớp như các bạn khác. Kết quả rất tốt, cuối hè, trường kiểm tra và đánh giá lại thì các em đều đạt lên lớp.

Điểm trường tiểu học bản Nậm Xả, xã Bum Tở có năm lớp học, phòng xây kiên cố, ngặt nỗi nằm cách thị trấn huyện Mường Tè khoảng 16 km nhưng vẫn chưa có điện, mặc dù bóng điện và quạt trần đã mắc nhưng cũng chỉ để đó han rỉ. Bể nước, nhà vệ sinh tự hoại đã hỏng hóc không sử dụng được. Các cô giáo cắm bản sáng đi, trưa về và đầu giờ chiều lại lên để đứng lớp. Cô giáo Lò Thị Ngọc, phụ trách điểm bản cho biết: “Học sinh dân tộc La Hủ học lực kém, đầu năm đến nhận bút, sách nhưng đến mùa vụ là đồng loạt bỏ học, giáo viên về tận nhà để vận động nhưng các em bỏ lên nương cùng bố mẹ, việc duy trì tỷ lệ chuyên cần ở đây rất khó.

Đặc biệt, phụ huynh nhận thức thấp, đến lớp gặp cô giáo đòi tiền hỗ trợ 70.000 đồng trên tháng của con về uống rượu, không cho giáo viên cầm mua vở và bút viết cho con mình. Chúng tôi nhẹ nhàng khuyên nhủ và phân tích cho phụ huynh, dần dần rồi họ cũng hiểu, không đến gây khó nữa”. Rời điểm bản, tôi vẫn nghe cô giáo dặn dò các em học sinh khi tan lớp: “Các em về nhà tắm rửa sạch sẽ, trời nắng phải giặt quần áo bằng xà phòng cho thơm tho. Cô giáo sẽ kiểm tra, đầu em nào có con chấy sẽ bị phạt lao động…”.

Bài và ảnh: Việt Hoàng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN