Qua gần 3 tháng thực hiện, thầy và trò tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, triển khai nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn để thực hiện hiệu quả chương trình đổi mới giáo dục.
Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất
Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên có 292 học sinh khối lớp 3. Để triển khai tốt sách giáo khoa mới ở lớp 3, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, bố trí giáo viên tham gia tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo sách giáo khoa và các loại sách cần thiết khác cho giáo viên, học sinh. Cùng với đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên chuyển từ dạy học chú trọng phát triển kiến thức kỹ năng sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng để giúp học sinh tiếp thu kiến thức.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Bảo cho biết: Năm nay, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì môn Tiếng Anh và Tin học là 2 môn học bắt buộc, do đó nhà trường đã rà soát, đánh giá các điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, trước mắt tập trung nguồn lực ưu tiên cho lớp 3, bố trí lại thời lượng các môn học, đảm bảo đúng chương trình.
Tại Trường Trung học Phổ thông Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, để đáp ứng tốt nhất Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán, giàu kinh nghiệm, các thầy cô có sự tự điều chỉnh phương pháp giảng dạy; xây dựng các nhóm môn học đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, ưu tiên bố trí các phòng học có máy chiếu, thiết bị hỗ trợ kết nối internet để giáo viên có thể linh hoạt triển khai nội dung chương trình các môn học.
Thầy giáo Trần Văn Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Liễn Sơn, huyện Lập Thạch cho biết: Năm học này, nhà trường có 10 lớp 10 với 400 học sinh. Ngay từ đầu năm học, nhà trường yêu cầu các tổ chuyên môn tăng cường nghiên cứu, thảo luận để nắm sâu nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và căn cứ vào những yêu cầu đổi mới để linh hoạt điều chỉnh phương pháp giảng dạy nhằm thực hiện hiệu quả chương trình. Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, chủ động gần gũi các em để nắm bắt mức độ nhận thức của học sinh, từ đó kịp thời điều chỉnh, hỗ trợ, động viên các em học tập...
Linh hoạt tổ chức dạy và học
Trong quá trình giảng dạy, nhiều giáo viên chia sẻ, các bộ sách giáo khoa lớp 3,7,10 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc, kênh hình, kênh chữ đẹp, rõ ràng. Nội dung có sự phân hóa, sắp xếp theo trật tự chủ đề, dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, tổ chức dạy học để tạo hứng thú cho học sinh. Các bộ sách đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, phù hợp, cùng hướng tới mục đích cần đạt theo thông điệp của từng bộ sách. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như lượng kiến thức đưa vào các bài học còn nặng so với năng lực của học sinh.
Nhận xét về môn Tiếng Việt lớp 3, cô giáo Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Trường Tiểu học Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho biết: Qua thực tiễn gần 3 tháng dạy hoc, giáo viên nhận xét môn Tiếng Việt lớp 3 đã được giảm tải ở một số nội dung, kiến thức được trình bày rõ ràng hơn, học sinh học dễ hiểu hơn, nhất là ở phần luyện từ và câu. Tuy nhiên, phần tập làm văn thì có nhiều phần kiến thức hơi quá sức với học sinh. Một số nội dung tập làm văn có lượng kiến thức nhiều gấp 3 lần so với chương trình cũ.
Có cùng nhận xét, cô giáo Phạm Thị Hồng Huế, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cho rằng: Môn Ngữ Văn ở lớp 7 kiến thức hơi nặng so với chương trình sách giáo khoa cũ. Nhiều tác phẩm văn học ở lớp 8, lớp 9 trong chương trình sách giáo khu cũ được đưa xuống dạy ở lớp 7 trong chương trình sách giáo khoa mới, nên nhiều bài học sinh chưa tiếp thu được. Trong phần Tiếng Việt, trước có nội dung lý thuyết, nay trong chương trình mới không có mà để học sinh làm bài tập luôn, do đó nhiều em lúng túng trong việc hiểu để làm bài tập.
Cô giáo Phạm Thị Hồng Huế cho biết thêm: Để giúp học sinh nắm được kiến thức, nhà trường đã yêu cầu các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục cụ thể, giúp các giáo viên nắm bắt được nội dung dạy của từng tiết, tránh bị động, bỡ ngỡ. Trong những tuần đầu năm học, giáo viên tập trung hướng dẫn học sinh cách tiếp cận với kiến thức trong sách giáo khoa mới. Ban Giám hiệu nắm bắt tình hình của học sinh thông qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để điều chỉnh bài giảng phù hợp với điều kiện dạy học, mức độ tiếp nhận của học sinh.
Qua kinh nghiệm giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 và 2, cô giáo Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Trường Tiểu học Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: “Muốn học sinh tiếp thu và hiểu môn học, tôi chia thành nhóm, hướng dẫn và giao nhiệm vụ đọc bài trước ở nhà, soạn và trả lời những câu hỏi liên quan. Với hệ thống bài tập trong từng bài học, mỗi nhóm học sinh có thể được giao bài tập khác nhau, phù hợp với năng lực tiếp nhận và kỹ năng mà các em cần được rèn luyện. Chẳng hạn như nhóm học sinh giỏi sẽ làm bài tập ở mức độ vận dụng cao, học sinh trung bình sẽ hoàn thành những bài tập ở mức dễ hơn”.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở các khối lớp 3, 7, 10 trong năm học 2022-2023 tại Vĩnh Phúc vẫn còn những khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực, quyết tâm của các nhà trường, sự nhiệt huyết của mỗi cán bộ, giáo viên là những yếu tố tiên quyết để thực hiện hiệu quả chương trình đổi mới của ngành giáo dục, giúp học sinh nắm chắc kiến thức, đảm bảo hiệu quả trong dạy và học sách giáo khoa mới.