Học sinh Đồng Nai vẫn khó tiếp cận sách giáo khoa mới

Hiện rất nhiều phụ huynh lo lắng vì chưa thể mua được sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho con do tỉnh Đồng Nai đang thực hiện giãn cách xã hội.

Chỉ còn một tuần nữa học sinh Đồng Nai sẽ bước vào năm học mới. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện rất nhiều phụ huynh lo lắng vì chưa thể mua được sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho con do tỉnh Đồng Nai đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả hệ thống nhà sách và các đại lý phân phối sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh vẫn đang đóng cửa. 

Chú thích ảnh
Nhân viên Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai phân loại sách theo bộ, sẵn sàng chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: baodongnai.com.vn

Chị Nguyễn Thị Tươi, ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, cho biết thời điểm này những năm học trước, chị đã mua đầy đủ sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho con. Thế nhưng năm nay chị vẫn chưa mua được sách. Con chị lên lớp 6, học chương trình mới hoàn toàn nên chị đang rất lo lắng. 

Anh Trần Thanh Tùng, ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, chia sẻ: Tỉnh mới ra quyết định tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 15/9 nhưng ngày 12/9 bắt đầu năm học mới. Anh cũng như nhiều phụ huynh khác vẫn chưa biết phải làm thế nào để mua được sách cho con. 

Theo ông Võ An Ninh, Giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Đồng Nai, từ tháng 4/2021, Công ty đã chủ động nhập về hàng triệu bản sách giáo khoa, bao gồm sách theo chương trình cũ và sách theo chương trình giáo dục phổ thông mới dành cho học sinh các lớp 1, 2 và 6. Công ty đã chuyển được khoảng 70% lượng sách giáo khoa, sách bài tập đến các đại lý và các nhà trường. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 kéo dài đã 2 tháng nay nên việc bàn giao số còn lại phải tạm dừng. Công ty đang mong tỉnh có giải pháp tạo điều kiện để có thể giao sách cho các trường theo đơn đặt hàng.

Ở nhiều địa phương trong tỉnh, các trường học đã nhận được sách, thông báo danh mục sách giáo khoa dành cho học sinh lớp 1, 2, 6 và giá bán của tất cả các bộ sách, sách bài tập từ lớp 1 đến lớp 12 cho phụ huynh học sinh biết để đăng ký qua hình thức trực tuyến. Hầu hết các phụ huynh đã liên hệ đăng ký bộ sách cho con, nhưng việc chuyển sách đến học sinh như thế nào thì các địa phương vẫn đang tính toán giải pháp. 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, để giải quyết khó khăn trước mắt, học sinh có thể dùng sách điện tử miễn phí vì tất cả các bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đều có phiên bản sách điện tử. Học sinh có thể vào website của các nhà xuất bản để tải về dễ dàng mà không phải trả phí. Bên cạnh đó, Sở đã đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đưa mặt hàng sách giáo khoa năm học 2021-2022 vào danh mục hàng hóa thiết yếu, tạo điều kiện cho quá trình lưu thông và hoạt động của các nhà sách. 

Bưu điện tỉnh đã nhận chuyển phát sách giáo khoa, đồ dùng học tập đến tận nhà cho học sinh từ ngày 6/9. Mức phí chuyển phát tận nhà dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/địa chỉ người nhận. Bà Dương Thị Việt Hương, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, đơn vị sẽ cố gắng phối hợp chặt chẽ với nhà trường để tạo đường link cho các giáo viên chủ nhiệm gửi đến từng phụ huynh đăng ký nhận sách, đồ dùng học tập tại nhà. Căn cứ danh sách của giáo viên chủ nhiệm, Bưu điện sẽ lấy hàng tại các địa điểm do nhà trường cung cấp để tạo đơn, chuyển phát nhanh chóng, an toàn tới từng gia đình học sinh. 

Ngày 7/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai đã có công văn chỉ đạo triển khai các điều kiện chuẩn bị năm học mới. Theo đó, học sinh Tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5), lớp 6 và lớp 10 (bậc Trung học phổ thông sẽ học qua sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, trong đó ưu tiên cho học sinh lớp 1 và 2, bởi các em chưa có đủ kỹ năng để học trực tuyến theo kênh của nhà trường. Các khối lớp còn lại sẽ học theo hình thức trực tuyến để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Lê Xuân (TTXVN)
‘Ách tắc' sách giáo khoa, Nhà xuất bản, địa phương nói gì?
‘Ách tắc' sách giáo khoa, Nhà xuất bản, địa phương nói gì?

Dù năm học mới đã bắt đầu, nhiều phụ huynh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn đang tìm mua sách giáo khoa cho con. Trong khi đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đường link giả mạo về bản sách số của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN