Sau khi Bộ GD - ĐT công bố 3 phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, các chuyên gia giáo dục, nhà giáo đã có nhiều ý kiến về vấn đề này. Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, Bộ GD - ĐT cần có những bước đi chắc chắn, tránh tình trạng đưa học sinh ra làm “chuột bạch”, gây nên những rắc rối cho quá trình đổi mới giáo dục hiện hành.
Không nên gộp hai kỳ thi
Bên lề buổi “Đối thoại cải cách giáo dục đại học Việt Nam”, GS Ngô Bảo Châu đã có những chia sẻ với báo giới xung quanh vấn đề một kỳ thi quốc gia. GS Ngô Bảo Châu cho rằng, việc tổ chức một kỳ thi chung cần phải được cân nhắc kỹ càng. Bên cạnh kinh phí tổ chức thi, thì điều quan trọng nhất là phải cân nhắc đến chất lượng của kỳ thi. Theo GS Ngô Bảo Châu, ngành giáo dục nên giữ lại kỳ thi đại học, một kỳ thi được đánh giá có tính thực chất hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hội thảo Đối thoại giáo dục Việt Nam về cải cách giáo dục đại học diễn ra ngày 31/7 và 1/8/2014, tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thế Anh - TTXVN |
GS Ngô Bảo Châu dẫn chứng, tại Việt Nam, mức độ chênh lệch về trình độ của học sinh giữa các vùng, miền là rất lớn, nhất là giữa học sinh miền núi và thành phố. Học sinh ở các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố lớn, có điều kiện học hành tốt hơn những vùng miền núi nông thôn khác. Nếu như thi chung, tất cả học sinh trong cả nước cùng làm một bài thi, sau đó lấy kết quả này để tuyển sinh đại học, thì rõ ràng học sinh miền núi, nông thôn sẽ thiệt thòi hơn.
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Vẫn nên thi như hiện nay
Từ năm 2014, kỳ thi tuyển sinh đại học không còn là kỳ thi quốc gia nữa. Bởi, một kỳ thi quốc gia là được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và có tính chất bắt buộc, đồng nghĩa là các trường ĐH, CĐ đều phải tham gia. Nhưng năm nay, kỳ thi 3 chung vẫn tổ chức, nhưng không bắt buộc các trường phải tham gia. Như vậy, về tính thực tế chỉ tồn tại một kỳ thi quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Luật Giáo dục đại học quy định, các trường ĐH được quyền tự chủ trong việc lựa chọn một trong ba phương thức tuyển sinh: Tổ chức thi, xét tuyển, kết hợp thi và xét. Như vậy, việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp phổ thông để làm căn cứ xét tuyển là do sự lựa chọn của từng trường, Bộ GD - ĐT không thể bắt tất cả phải theo. Bên cạnh đó, việc đòi hỏi một kỳ thi phải thực hiện hai chức năng khác nhau là khó và Bộ GD - ĐT đưa ra chức năng chính của kỳ thi là tuyển sinh cũng không được. Bởi Luật Giáo dục đại học đã giao cho các trường ĐH tự chủ tuyển sinh rồi. Theo tôi, trong vòng 3 - 4 năm tới vẫn nên tổ chức thi như năm nay và cố gắng làm sao để nâng cao chất lượng kỳ thi.
GS. TSKH Lâm Quang Thiệp: Có thể thực hiện phương án 2 ngay trong năm 2015
Tôi cho rằng phương án 2 trong dự thảo các phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là khoa học và tiến bộ, và nên thực hiện, ngay trong năm 2015. Thật ra ở phương án 2 gọi đề thi là “bài thi” không chính xác, nên gọi là đề thi tổng hợp thì đúng hơn, khác với đề thi đơn môn ở phương án 1, vì từ bài thi dành để chỉ bài làm của thí sinh. Đề thi tổng hợp có hai cách xây dựng: Kết nối các đề thi đơn môn thông thường và cách tích hợp kiến thức nhiều môn trong một câu hỏi. Cách thứ nhất có thể thực hiện ngay, vì không bị ảnh hưởng gì của việc thay đổi chương trình các môn học, cách thứ hai có bị ảnh hưởng phần nào của chương trình. Trong lộ trình sắp tới, nên dùng cách thứ nhất trước, khi nào có sự thay đổi chương trình theo hướng tích hợp và thí sinh đã quen thì chuyển dần sang cách thứ hai. Về công nghệ ra đề thi không có gì khó, nên dùng chủ yếu phương pháp trắc nghiệm để ra đề như phần lớn các nước tiên tiến trên thế giới vẫn làm. |
GS Ngô Bảo Châu đánh giá, mô hình thi chung được đưa ra là đúng đắn, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng. “Tuy nhiên, theo tôi được biết thì từ trước tới nay, các kỳ thi THPT ở Việt Nam có rất nhiều tiêu cực như xem bài nhau, đưa tài liệu vào phòng thi, giáo viên giải hộ đề thi... Do vậy, tâm lý chung của người dân là họ sẽ không tin tưởng vào chất lượng cũng như tính khách quan của kỳ thi này. Trong khi kỳ thi đại học của Việt Nam hiện vẫn bảo đảm được vấn đề chất lượng và tính nghiêm túc, trung thực trong thi cử, những nhà làm giáo dục nên ngồi lại tính xem có nên tổ chức lại các kỳ thi hay không”, GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh.
Còn GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, không nên gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thành một kỳ thi chung, bởi mục đích của hai kỳ thi này là khác nhau. Phổ thông là một bậc học là cần phổ cập, cung cấp tri thức chung nhất và tối thiểu cho tất cả người dân. Còn bậc đại học là đào tạo ra những chuyên gia, những cán bộ chuyên nghiệp sâu về một nghề.
Theo GS Phạm Tất Dong, với kỳ thi tốt nghiệp THPT, để bảo đảm chất lượng, Bộ GD - ĐT nên có hướng dẫn nội dung thi cho các tỉnh làm. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nguồn tuyển ĐH, vì những trường ĐH trọng điểm sẽ không bao giờ chọn học sinh kém. Chỉ có các trường tư thuộc tốp dưới mới tuyển học sinh có điểm thấp, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về đầu ra của mình.
Thi theo bài sẽ gây sốc
Hai hình thức thi được Bộ GD - ĐT đưa ra là: Thi theo bài và thi theo môn đang nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. GS Phạm Tất Dong chia sẻ băn khoăn về việc bài thi tích hợp (được trình bày ở phương án 3, thi theo môn). GS Phạm Tất Dong dẫn chứng: Ví dụ như bài thi tích hợp Khoa học Xã hội, chẳng lẽ viết một bài Nghị luận văn lại có thêm một chút sử, địa, công dân hay thế nào? Nếu một trong các phương án được áp dụng vào năm học 2014 - 2015 thì cần có sự thử nghiệm trước. Vì khi áp dụng mà không hợp lý lại loại bỏ sẽ gây lãng phí, xáo trộn lớn, đặc biệt là với các em học sinh”.
Ths Đào Tuấn Đạt, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, trong lúc chương trình và SGK chưa thay đổi thì việc tổng hợp hay tích hợp bài thi là chưa phù hợp. Việc tiếp tục thi theo môn sẽ tránh được cú sốc tâm lý cho học sinh.
“Điều kiện giáo dục và chất lượng giáo dục của chúng ta có sự khác biệt nhiều giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị và mang tính đặc thù cao. Mặt khác, tâm lý học để ứng thí và bệnh thành tích của các địa phương còn nặng nề. Thế nên, nhất thiết phải có một kỳ thi làm thước đo chất lượng giáo dục chung ở phạm vi và trình độ quốc gia.Trong ba phương án tổ chức kỳ thi quốc gia mà Bộ đưa ra, phương án 1 thi theo môn có nhiều ưu điểm trong thời điểm hiện tại. Bởi trong lúc điều kiện dạy và học còn khó khăn, chương trình và sách giáo khoa chưa thay đổi thì việc tổng hợp hay tích hợp bài thi là chưa phù hợp ở thời điểm này.
Với giáo viên và học sinh không phải ở hình thức thi trắc nghiệm hay tự luận, thời gian thi ngắn hay dài của mỗi bài thi hay số buổi thi, mà ở chỗ phải học bao nhiêu môn để tham gia kỳ thi đó? Hãy hỏi xem các em muốn thi từ 4 - 8 môn riêng rẽ hay làm các bài thi toán, ngoại ngữ, văn, lý - hóa - sinh, sử - địa và còn tích hợp cả tin, công nghệ, giáo dục công dân trong tương lai?”, Ths Đào Tuấn Đạt nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Ths Đạt, các trường đại học nên được chọn môn xét tuyển thích hợp với ngành đào tạo của mình hơn là xét tuyển theo các khối thi cứng nhắc như hiện nay hoặc một bài thi nhiều môn còn chưa rõ hình hài. Quyền được chọn môn thi sẽ vừa bảo đảm sở trường của mỗi học sinh, tính chất cá thể hóa người học, vừa nhất quán với tính chất dạy học phân hóa.
Theo đánh giá chung, tổ chức theo hình thức thi nào và kỳ thi ra sao cần có sự tính toán kỹ từ phía Bộ GD - ĐT để bảo đảm tính thực chất, nghiêm túc của kỳ thi cũng như không ảnh hưởng tới hàng triệu học sinh trên cả nước.
Lê Vân