Nhà trường “phủi tay” với sinh viên tốt nghiệp

Một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đại học mà Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định, là tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Việc này sẽ giúp nhà trường định hướng nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội. Tuy nhiên, nhiều trường lại tỏ ra không mặn mà.

Khó thống kê chính xác

Nhiều đại diện trường đại học khi được hỏi về việc công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cho biết, hầu như họ bỏ ngỏ khâu này. Thậm chí có lãnh đạo trường còn hỏi lại: “Để làm công việc này, chúng tôi phải làm những gì”, vì gần như “không biết gì” về tiêu chí này.

Khảo sát tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sẽ giúp các trường định hướng nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN



Là một trong số hiếm hoi các trường có thực hiện đánh giá SV sau khi ra trường, ông Bùi Xuân Nhàn, Phó Hiệu trưởng ĐH Thương Mại Hà Nội cho biết, việc điều tra tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm được giao về cho các khoa. Tuy nhiên, tỷ lệ điều tra giữa các ngành là không đồng đều, bên cạnh đó, số liệu thường không chính xác do tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp “nhảy việc” quá lớn, gây khó cho việc thống kê số liệu. “Vì vậy những số liệu mà trường thu thập được cũng không đủ tin cậy”, ông Nhàn cho biết.

Thừa nhận rằng việc các trường đại học công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là tiêu chí để đáp ứng nhu cầu xã hội, tuy nhiên, ông Bùi Xuân Nhàn cho rằng dự đoán đào tạo bằng thống kê nghề nghiệp của SV sau 4 năm ra trường là không chính xác và chưa chắc đã phản ánh được hết chất lượng đào tạo.

ĐH Công nghiệp Hà Nội đăng tải thông tin trên mạng là có khoảng 25% sinh viên ra trường có việc làm. Nhưng sau đó con số liên tục được chỉnh sửa, lên tới gần 90% sinh viên có việc làm.


“Thống kê tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm không được trường ĐH Thương mại đưa vào bất cứ quy định nào trong đào tạo. Hơn nữa những tỷ lệ đưa ra như: 80 - 90% sinh viên ra trường có việc làm là không có độ tin cậy và càng không có ai kiểm định con số đó là đúng hay sai. Trong khi những năm gần đây việc học đại học mới chỉ dừng lại theo trào lưu như: học để có bằng đại học, học theo ngành hot: Tài chính - Ngân hàng chẳng hạn. Vì vậy , việc công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm chắc hẳn không mấy người quan tâm”, ông Nhàn nhấn mạnh.

“Công việc điều tra tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cần rất nhiều thời gian và cần có cách thức, tiêu chí đánh giá ra sao. Bộ GD - ĐT cần có bộ tiêu chuẩn về việc này. Đồng thời, cần có nhân lực, kinh phí và sự chỉ đạo chung mới làm được”, ông Nhàn cho biết thêm.

Khi nhắc đến việc các trường phải điều tra về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, bà Đinh Thị Mai, Phó Hiệu trưởng ĐH Công đoàn Hà Nội khá ngạc nhiên và cho biết trường chưa làm và chưa có điều tra cụ thể nào. Bà Mai chia sẻ: “Sinh viên các khóa ra trường từ 4 - 5 năm thường tổ chức buổi gặp mặt có mời các thầy cô giáo, lúc đó chúng tôi mới biết đa số các em đều đã có việc làm ổn định. Thường thì một số làm đúng ngành nghề đào tạo, một số thì không”.

Sau khi được biết từ PV là việc công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là công việc bắt buộc của các trường, bà Mai cho biết, công việc này đã được giao cho phòng Công tác học sinh, sinh viên, nhưng đến nay chưa có kết quả cụ thể. Bà Mai đánh giá, bộ phận này chưa hoạt động tích cực.

“Thực tế tiêu chí sinh viên ra trường có việc làm chưa phải là mối quan tâm của chúng tôi. Những vấn đề như chất lượng đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, tỷ lệ sinh viên/giảng viên, công ăn việc làm cho giáo viên vẫn là ưu tiên hàng đầu”, bà Mai nhấn mạnh.

Nguồn thông tin giúp điều chỉnh chương trình học

Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội là một trong số ít trường đã thực hiện điều tra việc sinh viên ra trường có việc làm một cách bài bản. Bà Thu Giang, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, ĐH Thủy lợi Hà Nội cho biết, ban đầu khi thực hiện quy chế 3 công khai trường đã thực hiện điều tra bằng cách gửi thư cho sinh viên. Tuy nhiên những địa chỉ mà các em cung cấp khi còn trong trường không có tính ổn định nên cách này không hiệu quả. Ngay sau đó trường đã tìm nguồn thông tin khác từ cán bộ lớp, cán bộ đoàn. Đến nay, nguồn thông tin này vẫn được duy trì, song song với việc này trường xây dựng trên mạng các số liệu điện tử, phần mềm điện tử để sinh viên cập nhật vào đó. Đến nay con số này cũng khá tin cậy và là nguồn thông tin tốt cho phòng đào tạo nhà trường điều chỉnh chương trình học.

“Bên cạnh giải pháp này thì các cơ sở đào tạo cần tập trung nghiên cứu, phân tích kịp thời, đầy đủ nhu cầu của thị trường lao động, xu hướng phát triển ngành nghề ở trong nước, khu vực và trên thế giới, tâm lý và xu hướng của người học. Do sinh viên học chỉ để lấy bằng chứ chưa chú trọng học để có kiến thức hành nghề nên để chủ động tạo được nguồn tuyển sinh đào tạo ngành đang và sẽ có xu hướng thiếu hụt nhân lực như các ngành kỹ thuật công nghệ, các ngành lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ngành khai thác kinh tế biển, một số ngành dịch vụ có điều kiện khó khăn… thì Nhà nước cần nhanh chóng có chính sách và cơ chế hợp lý để đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học vào các ngành xã hội đang và sẽ có nhu cầu lớn... Có như vậy mới hy vọng thu hẹp được khoảng cách cung - cầu nhân lực hiện nay. Bên cạnh đó, các trường phải thực hiện quyết liệt đào tạo có chất lượng và đáp ứng các tiêu chí sắp tới mà Bộ GD - ĐT công bố về chất lượng đào tạo”, ông Sơn khẳng định.

Theo bà Giang, việc công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là việc rất nên làm. Bởi “thông tin này giúp rất nhiều cho sự lựa chọn của gia đình, người học. Đồng thời khẳng định chất lượng đào tạo của trường. Phần nữa, khẳng định chương trình đào tạo có phù hợp với thực tế hay không. Từ đó để rà soát, cập nhật lại quy mô tuyển sinh giữa các ngành học”, bà Giang cho biết.


Bà Thu Giang cũng cho biết, đến nay trường đã mở rộng việc điều tra đến các nhà tuyển dụng. Ban đầu đã có những số liệu tin cậy và hiệu quả. Đây là việc làm khó nhưng trường vẫn duy trì và tiến hành. Bởi tới đây khi công khai xếp hạng đại học, chắc chắn các trường phải đáp ứng được tiêu chí này.


Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD - ĐT cho biết, ngành giáo dục đã thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội. Đây là giải pháp tổng thể quan trọng để khắc phục tình trạng đào tạo tự phát không theo nhu cầu xã hội, nhằm khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhân lực ở các ngành nghề, vùng miền… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên các trường vẫn thực hiện chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao.

Nguyễn Thùy Mai (Hà Nội): Cần có dự báo về việc làm Tốt nghiệp khoa Kế toán Kiểm toán ĐH Công nghiệp Hà Nội đến nay đã được 1 năm, nhưng tôi vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Hiện tại tôi là nhân viên bán hàng ở siêu thị Hồng Minh (đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, HN). Tôi chọn ngành kế toán, kiểm toán bởi thấy nhiều anh chị đi trước dễ kiếm việc làm, nếu không làm nhà nước thì cũng dễ làm cho các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng đến nay, nhân sự ngành này có vẻ thừa. Tôi đã đi thử việc ở mấy nơi nhưng yêu cầu công việc khá cao, trong khi sinh viên mới tốt nghiệp như tôi chưa đáp ứng được. Tôi đành làm công việc bán hàng này để duy trì cuộc sống ở thành phố và tiếp tục tìm việc. 

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, Tòa nhà N06, Khu đô thị mới Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội: Băn khoăn vì không làm đúng nghề Tôi tốt nghiệp loại khá khoa Xuất bản, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Sau khi ra trường tôi đầu quân vào làm việc tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Sau một thời gian làm việc, mưu sinh nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của bản thân cũng như gia đình, đã vài lần tôi nhảy việc và cuối cùng, tôi quyết định mở văn phòng bất động sản. Giờ đây, tôi đã tự tay mua được căn hộ riêng cho mình, trang trải được cuộc sống của bản thân, gia đình. Tuy nhiên, điều tôi vẫn trăn trở là không được làm việc đúng ngành nghề ban đầu. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là nghề nghiệp tôi được theo học và ra đi làm không đủ nuôi sống tôi.



Lê Vân

Xếp hạng đại học bằng tỷ lệ sinh viên có việc làm
Xếp hạng đại học bằng tỷ lệ sinh viên có việc làm

“Bộ GD - ĐT đang soạn thảo Nghị định phân tầng xếp hạng các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, các tiêu chí cụ thể đều được liệt kê và các trường sẽ phải đáp ứng được những tiêu chí này nếu muốn tồn tại và khẳng định uy tín của trường”...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN