Bạn rủ, ngày nhà giáo năm nay, trường cũ cũng đúng dịp kỷ niệm 55 năm thành lập (1959 - 2014), chúng mình về lại trường xưa gặp gỡ thầy cô. Nghe mà đã thấy chộn rộn, xôn xao… Trường tôi, Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội), khi tôi nhập học vào khoa tiếng Nga khóa 73, không kể bên “lưu học sinh”, thì chỉ có bốn khoa đào tạo: Anh, Pháp, Nga, Trung. Tất cả ở ký túc xá nhà D5, cái nhà đằng sau nhìn qua hồ nước sang làng Phùng Khoang yên ả, với nhà thờ đạo thấp thoáng sau những rặng nhãn lưa thưa.
Ngày ấy, trường có sáu tòa nhà năm tầng, nhưng nhà D6 lối sang bên trường Tổng hợp đã bị bom đánh sập một nửa. Cái nhà mà không ít bọn sinh viên chúng tôi ngày ấy mơ mộng, muốn dựng một cánh tay mọc từ dưới đất lên, đỡ lấy mấy cái sàn nhà đổ nghiêng kia như những trang sách, hay, cầm một ngọn đuốc giống như trong ảnh “họa báo” Liên Xô chẳng hạn,… để kỷ niệm một thời đạn bom. Ngoài chuyện sách vở thầy cô, tôi không biết các bạn sinh viên khác ra trường thường nhớ đến những cái gì của trường xưa? Với tôi, mà chắc cũng không ít bạn trai nội trú ngày ấy, trong câu chuyện sau này của mình về trường cũ, thường hay nhắc đến cái bếp ăn, hay những cây nhãn dưới sân giữa hai tòa nhà. Bếp ăn thì để nói sau, nhưng các bạn có để ý, tán lá mấy cây nhãn ấy, chúng như được xén phẳng lỳ đều tăm tắp bên dưới.
Đấy là do bọn con trai các trường khác đến hẹn hò con gái trường tôi vặt. Chúng cao bằng nhau, tay với bằng nhau, chúng đứng bồn chồn hay ngượng ngập lúc gặp bạn gái đều đưa tay lên ngắt lá. Còn bọn chúng tôi, vào những lúc chạng vạng tối những ngày ấy thường đứng tựa lan can ngoài hành lang các tầng phía trên, chia nhau mẩu thuốc lá cuốn năm xu… nhìn xuống cây rung. Có phải vì thế mà bọn con trai chúng tôi dịch thơ nhiều hơn, hay hơn các bạn gái chăng?.
Với các thầy cô, sau khi ra trường, không phải chúng tôi không có lúc nhớ đến, nhất là vào những ngày kỷ niệm thế này. Lứa tuổi chúng tôi thủa ấy vẫn còn trong sáng lắm, những giá trị truyền thống chưa bị quá trình phát triển kinh tế làm xói mòn đi, những tập quán chưa bị thế tục hóa như hiện nay. Trong tâm khảm, hình ảnh các thầy cô vẫn được giữ một vị trí trân trọng trong mỗi đứa. Có điều, những năm tháng ấy xã hội thật khó khăn, chúng tôi dời trường, mỗi đứa mỗi nơi, đi khắp thiên hạ để trổ tài đánh vật với cuộc sống, mà cuộc sống ở cái thời bao cấp thì các thầy cô cũng hiểu. Sau này, có điều kiện về thì lại ngại, ngại thầy cô có còn nhớ mình không? Cũng biết với các thầy cô, tâm lý thường hay nhớ đến mấy bạn học giỏi, mấy anh lớp trưởng, bí thư của lớp ngày xưa.
Còn bọn chúng tôi, rất hay bị lẫn vào nhau trong cái đám đến gần bốn chục đứa một lớp, nhất là, lại hay trốn học, thi lên thi xuống. Không phải nay tóc đã bạc, chi phí chữa bệnh cao hơn chi phí ăn uống mà nói bạt mạng. Nhưng cũng phải thật lòng, những năm thập niên bẩy mươi là những năm thật sự khó khăn cho chuyện học hành. Các bạn gái ngày ấy có biết, đám con trai hôm nào sản xuất lậu được mấy phiếu cơm là quên sầu, suất cơm sẻ ra phần bạn nặng tay hơn hẳn. Nhưng chuyện ăn, cái đói cũng trở nên nhỏ bé bên cạnh nỗi lo chiến tranh của đất nước, nhất là với các “chú”, như các bạn vẫn gọi những người lính chúng tôi trong lớp. Còn nhớ, năm 77 tôi ra quân về học lại trường cũ. Cuộc chiến dài nhất vừa kết thúc, thì tiếng súng lại vang lên ở biên giới miền Tây Nam Bộ.
Cái ngày mùng 7/1/1979, chúng tôi xem ké tivi bên trường Dân Tộc, nhà đài thông báo ta đã giải phóng thủ đô Phnôm Pênh - Campuchia, mấy người lính chúng tôi đứng cuối hàng lặng lẽ nắm lấy tay nhau, có đứa, nước mắt chảy ra thầm lặng. Thế rồi hơn một tháng sau, qua rằm tháng Giêng của cái Tết nghèo, bên kia đường Nguyễn Trãi bỗng mọc lên những lán nhà ở tạm của những người dân chạy giặc trên biên giới phía Bắc đổ về. Nhìn những bà mẹ và đám trẻ thơ, nỗi lo của kỳ thi tốt nghiệp chẳng còn.
Trên giảng đường, những con mắt không còn “ngậm ý, giấu tình”(*) như trước nữa, nhưng không khí học trong lớp trầm hẳn xuống. Những thằng con trai vừa học vừa phấp phỏng chờ đến lượt mình ra đi. Tối tối, từng nhóm con trai lầm lỳ rời phòng, thoáng chốc mất hút sau mấy gốc cây xà cừ cổ kính, hay tản qua bên kia đường, dúi vào đứa trẻ nào đó nửa cái bánh mỳ suất ăn sáng mới nhận, lân la hỏi chuyện biên giới mấy người già, rồi lại tạt qua nhà máy ô tô Hòa Bình xem ké tivi, nghe tin chiến sự. Khuya về co ro trong cái giá lạnh, chỉ còn thấy thấp thoáng ánh đèn vàng vọt qua khung cửa sổ tầng một, tầng hai của các bạn gái…
Bây giờ, trong hoạt động sư phạm ở các trường đại học, các giáo viên thường hướng sinh viên tới sự tự chủ nắm bắt tri thức khoa học không chỉ gói gọn ở trong giảng đường, trong những tập giáo trình. Thời thế đã thay đổi, các thầy cô không thể nói với sinh viên các lời khuyên, hay lấy mình ra làm hình mẫu như ở thập niên bẩy mươi của thế kỷ trước. Tôi đọc ở đâu thấy nói rằng, cùng với sự gia tăng của tri thức, cái không hiểu của chúng ta cũng tăng lên. Nhiều cái mà bây giờ đối với chúng ta còn tối tăm, còn chưa hiểu ra, thì trong tương lai sẽ được hiểu ra.
Nhưng tất nhiên như một quy luật, khi đó chúng ta lại gặp những điều mới mẻ khác, cũng như trước kia, những điều chưa hiểu nổi… cuộc sống cứ thế mà tiếp diễn, chúng ta càng biết nhiều hơn, thì lại càng hiểu ra những gì chưa được biết tới thật là mênh mông? Chính điều đó mà cần phải chuẩn bị cho sinh viên khả năng nhìn thấy một hình ảnh mới của tri thức, của khoa học. Nhưng hình ảnh ấy sẽ thế nào? Tương lai bao giờ cũng khó đoán định, và phải chăng, chính điều đó làm cho cuộc sống thú vị và phong phú bao nhiêu, thì trách nhiệm của người làm thầy cũng lớn lao và có ý nghĩa bấy nhiêu?
Tôi cho, ý nghĩa của người làm thầy đúng là ở đó, và bạn muốn phản biện, hay muốn thẩm định lại giá trị của cảm xúc xưa, sao những đồng môn chúng ta không gặp lại nhau một lần “làm” cho ra nhẽ nhỉ? Hẹn các bạn vào 20/11 này ở trường cũ nhé.
Nên Bình
(*) Chữ của Vũ Bằng trong “Thương nhớ mười hai”.