Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc - Mô hình giáo dục đặc biệt - Bài 6: Thắm thiết tình thầy trò

“Tình cảm nồng ấm mà các thầy, cô giáo đã dành cho chúng tôi trong thời gian học tập ở trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là những kỷ niệm sâu sắc sẽ theo tôi trong suốt cuộc đời”, bà Lâm Thị Nga, cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc chia sẻ những kỷ niệm về “ngôi nhà lớn” năm xưa.

 

Năm 1955, cô học trò Lâm Thị Nga (Hòa Vang, Đà Nẵng) cùng đoàn học sinh miền Nam (HSMN) lên tàu ra Bắc học tập. “Khi đoàn HSMN đến Sầm Sơn, khắp cả bến tàu tràn ngập cờ hoa, không chỉ có các bạn thanh niên mà nhiều cụ già cũng có mặt và chào đón chúng tôi với tình cảm nồng hậu. Sau đó, tôi học tại trường HSMN số 6 Hải Phòng từ năm 1956 đến năm 1959 và học tại trường HSMN số 8 Hải Phòng đến 1962”, bà Nga cho biết.

 

Bà Lâm Thị Nga (hàng ngồi, thứ hai từ phải sang) và các nữ sinh trường HSMN số 8 Hải Phòng.Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhớ lại những tháng ngày học tập tại trường HSMN, bà Nga kể: “Buổi sáng của chúng tôi bắt đầu bằng vệ sinh cá nhân, tập thể dục buổi sáng toàn trường, ăn sáng, lên lớp học rồi nghỉ trưa. Buổi chiều là giờ tự học trên lớp, buổi tối thì sinh hoạt tập thể tại phòng ký túc. Giờ tự học của chúng tôi rất nghiêm túc, tuy không có thầy cô giáo quản lý nhưng tất cả đều lên lớp và học tập rất trật tự. Những bạn học yếu còn được các thầy cô sắp xếp phụ đạo để bổ sung kiến thức”.

Sau khi tốt nghiệp trường nữ sinh miền Nam số 8 Hải Phòng, bà Lâm Thị Nga theo học trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường, bà làm giảng viên môn toán, khoa Khoa học cơ bản, trường Đại học Bưu điện (nay là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông). Bà nghỉ hưu năm 1994.


Cho đến giờ, bà Nga vẫn nhớ như in những kỷ niệm khi cùng các HSMN sống trong “ngôi nhà lớn” với căn phòng tập thể đủ cho khoảng 40 học sinh. Với bà, ấn tượng sâu sắc nhất là những bữa cơm chung luôn ấm áp tình thầy trò. Khi ấy, các thầy cô giáo, các cô nuôi dạy và học sinh đều sống chung trong khu tập thể. Tới bữa ăn, các thầy, cô giáo và học sinh đều quây quần, cùng ăn cơm như những người thân trong gia đình. Sau giờ học, các thầy cô cũng thường tới khu ký túc xá để thăm hỏi, chia sẻ với học trò mọi vui, buồn cũng như những khúc mắc nảy sinh trong cuộc sống…


Ngoài việc truyền thụ kiến thức, quan tâm đến cái ăn cái mặc, các thầy cô giáo còn rất chăm lo đến đời sống tinh thần cho các HSMN. “Ngày nghỉ, chúng tôi được tổ chức xem phim ngay tại sân trường. Các tác phẩm văn học nổi tiếng như: Sông Đông êm đềm, Ôtenlô... đã bồi dưỡng thêm tình yêu văn học trong mỗi học sinh. Cuối tuần, chúng tôi thường được đến cảng Hải Phòng tham quan, học hỏi tại các nhà máy, xí nghiệp. Có lần, lớp tôi được phân công hỗ trợ công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng làm việc; đó cũng là cơ hội để chúng tôi tìm hiểu thực tế lao động, sản xuất của nhân dân. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo cũng thường xuyên tổ chức những hoạt động như thi đấu thể thao, văn nghệ… Năm 1959, đội bóng chuyền của trường tôi đã đoạt chức vô địch toàn miền Bắc. Đội văn nghệ cũng được đi thi toàn thành phố Hải Phòng”, bà Nga nhớ lại.


Với bà Nga, có một kỷ niệm rất đặc biệt trong những ngày học tại trường HSMN đó là được gặp Bác Hồ. Bà Nga kể: “Tôi nhớ rất rõ, Bác về thăm trường nữ sinh số 8 Hải Phòng vào ngày 18/1/1960. Toàn trường tập trung đông đủ tại sân trường để lắng nghe Bác nói chuyện. Hôm đó, Bác đã động viên, khuyến khích chúng tôi nỗ lực hơn trong học tập và cuộc sống. Sau đó, Bác chia kẹo cho từng người. Được Bác tặng cho 2 chiếc kẹo, tôi chỉ dám ăn một chiếc, còn một chiếc dành để chia cho em gái đang học ở một trường khác”.


Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, bà Lâm Thị Nga cho biết, thời gian học tập và sinh sống trên đất Bắc sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của những HSMN. Hiện tại, những cựu HSMN luôn cố gắng sắp xếp thời gian để gặp gỡ, cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm về tình bạn, tình thầy trò thắm thiết ở mái trường HSMN năm xưa.

 

Ánh Tuyết

 

Bài 7: Kỷ niệm không quên của NSND Trà Giang

Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc-Kỳ 3: Giáo viên gần gũi  như cha mẹ
Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc-Kỳ 3: Giáo viên gần gũi như cha mẹ

Có thể nói, sự trưởng thành của những học sinh miền Nam trên đất Bắc ngày nay không thể không nhắc tới sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình của những người thầy cô giáo... Một trong những người thầy có ảnh hưởng lớn tới các em học sinh, được các em coi như cha, mẹ khi ấy là thầy giáo Nguyễn Việt Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN