Mặc dù tồn tại trong khoảng thời gian không dài, nhưng hệ thống trường miền Nam đã góp đào tạo ra hàng chục ngàn cán bộ, nhiều người sau này giữ những trọng trách quan trọng. Không những thế, các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc còn để lại những bài học quý cho ngành giáo dục nói riêng, cho chiến lược “trồng người” nói chung của đất nước ta. Đó là bài học về cách ứng xử với học sinh, cách dạy và học đặc biệt.
“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, huống chi học sinh miền Nam lại sống xa gia đình, quê hương, không có người thân bên cạnh, do đó, thời gian đi học, nhiều em có những hành động ngỗ ngược, quậy phá làng xóm, bỏ học không lên lớp... Nếu không có sự nhẫn nại, kiên trì của thầy cô, chắc chắn những “hạt giống đỏ” này sẽ khó có thể “đâm chồi”, “nảy mầm” thành những người có ích.
Những ngày sống và học tập trên đất Bắc là những kỷ niệm đẹp không bao giờ phai trong tâm trí những học sinh miền Nam ra Bắc học (ảnh do cô Nguyễn Thị Nguyệt, cựu học sinh cung cấp). |
Nhằm giúp học sinh miền Nam tạm quên đi nỗi nhớ gia đình, nhiều trường học sinh miền Nam đã tạo ra các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Cô Đàm Thị Ngọc Thơ kể lại: “Khi đó, thời khóa biểu của chúng tôi luôn kín đặc, sáng dạy tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, lên lớp, ăn trưa, ngủ trưa, tự học, sinh hoạt ngoại khóa, tăng gia sản xuất, ăn chiều, tự học, ngủ; đó là công việc tuần tự mỗi ngày. Các ngày nghỉ chúng tôi lại thay phiên nhau vào rừng lấy củi, tập văn nghệ, học thủ công... Sau này, khi trở thành cô giáo, tôi mới hiểu nguyên tắc lớn nhất của các trường học sinh miền Nam là không để thời gian nhàn rỗi vì sợ các em nhớ nhà, buồn chán... và mới thấm thía sự chu đáo và thấu hiểu tâm lý học sinh của các thầy cô”.
“Lúc mới vào trường học, mặc dù các thầy cô rất tốt, nhưng những học sinh cá biệt như tôi lại không nhận ra được rằng mình cần chăm chỉ học tập. Vẫn rất nghịch ngợm, cộng với sự thiếu thốn tình cảm gia đình và thói công thần (cậy cha mẹ có công với cách mạng), tôi biến thành học sinh hư hỏng thật sự. Lên lớp 7, trong một lần giả bệnh để trốn học, xúc động trước sự quan tâm tận tình của thầy chủ nhiệm, tôi mới thay đổi. Lần ấy, thầy biết rõ tôi giả bệnh, nhưng không trách móc, mà ra trạm xá, ân cần giảng lại bài cho tôi, khuyên bảo tôi cố gắng học hành. Trước tình cảm chân thành của thầy, tôi đã cố gắng tu dưỡng đạo đức, vươn lên học tập. Sau đó, trong kỳ thi tốt nghiệp cấp hai tôi đã đạt loại giỏi. Không chỉ tôi mà nhiều học sinh nghịch ngợm ở trường học sinh miền Nam Đông Triều (Quảng Ninh) đã nhờ thầy cô mà tu chí học hành” - ông Lê Long Thành (cựu học sinh miền Nam, hiện đang sống ở Hà Nội) kể lại.
Thầy Nguyễn Việt Bắc, cựu giáo viên trường học sinh miền Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, cho biết: “Những học sinh miền Nam là sản phẩm giáo dục cả về văn thể mỹ đạo đức tư tưởng, văn hóa, thể thao, văn nghệ. Ngoài giờ học tập lên lớp, chúng tôi có giờ sinh hoạt vui chơi, ca hát, thể thao... . rất sôi nổi, hấp dẫn. Nhiều đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền của các trường được mời đi giao lưu ở các tỉnh. Trong những giờ cùng nhau lên rừng chặt tre, nứa, thầy cô luôn tranh thủ kể nội dung những tác phẩm văn học cho chúng tôi nghe như: “Thép đã tôi thế đó”, “Chiến tranh và hòa bình”... nhằm cung cấp kiến thức về văn học thế giới, cũng như gửi gắm vào đó những bài học giáo dục nhân cách”.
Bên cạnh đó, nhằm kết hợp giáo dục với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn, nhiều trường học sinh miền Nam đã sáng tạo ra các hoạt động giáo dục mới. Theo Nhà giáo Ưu tú Lê Phú Lộc, cựu giáo viên Trường học sinh miền Nam, đang sống ở Đà Nẵng: “Chúng tôi đã tổ chức cho các em những buổi tham quan nhà máy, nghe các anh hùng lao động nói chuyện. Tận mắt thấy cảnh kiến thiết công nghiệp đã mở ra trong lòng các em ước mơ xây dựng miền Nam giàu đẹp sau này. Học sinh còn được tham gia xây dựng Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng), được chuyên gia Tiệp Khắc đến tận trường khen ngợi, cảm ơn. Các cô bác sĩ của bệnh viện đã đỡ đầu, hướng dẫn vệ sinh cho học sinh nữ, làm nhiệm vụ của các bà mẹ với con gái ở tuổi dậy thì. Nhờ đó, mỗi học sinh đã hình thành và phát triển nhân sinh quan tốt đẹp, biết sống chan hòa với công nhân, nông dân, thương yêu người lao động, quý trọng sức lao động”.
Cứ như thế, cùng với năm tháng, qua bàn tay chăm sóc của thầy cô, đồng bào miền Bắc, phần lớn những "hạt giống đỏ" ngày nào đều trưởng thành. Không một lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng; không một ngành khoa học, kỹ thuật nào; một lĩnh vực nào lại không có học sinh miền Nam thành đạt. Một đội ngũ hùng hậu tiến sĩ, phó tiến sĩ, giáo sư, bác sĩ, cử nhân, văn nghệ sĩ, các tướng lĩnh, các nhà quản lý có mặt khắp mọi miền Tổ quốc đều đã trưởng thành từ các trường học sinh miền Nam, trưởng thành từ miền Bắc.
Lan Phương
Kỳ 3: Thầy giáo Nguyễn Việt Bắc và trường học sinh miền Nam trên đất Bắc