Cần có thời gian đánh giá hiệu quả Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 đang nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Đại biểu Thái Văn Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng, ngành giáo dục dục nên rà soát lại kiến thức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và có đánh giá cụ thể Thông tư. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An. Ảnh: Lê Vân

Thưa ông, ông đánh giá tính khả thi của Thông tư 29 về dạy thêm học thêm mới được ban hành ngày 14/2 như thế nào?

Thông tư 29 đưa ra nhiều quy định mang tính nhân văn. Học sinh sẽ được thụ hưởng nhiều chính sách giáo dục tốt hơn. Thông tư 29 là bước tiến thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước với ngành GD&ĐT toàn diện hơn. Bởi, Nhà nước sẽ chi trả kinh phí cho dạy thêm, thầy cô chỉ việc giảng dạy, không liên quan đến thu tiền; thầy cô chỉ cần giỏi về chuyên môn, chăm lo chuyên môn để dạy trò, những điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí Nhà nước sẽ đảm bảo. Từ đó, mối quan hệ giữa học sinh với thầy cô thêm cao đẹp. Nghề nhà giáo sẽ được xã hội tôn vinh.  

Tỉnh Nghệ An đã thông qua Nghị quyết về tăng cường thời gian dạy ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống và được tỉnh cấp ngân sách để hiệu trưởng chi trả sử dụng. Tuy nhiên, điều tôi vẫn nhấn mạnh về sự đảm bảo của Thông tư này là nguồn ngân sách thực hiện. Nếu các tỉnh đã cân đối được thu chi ngân sách sẽ thuận lợi. Còn với những tỉnh chưa đủ điều kiện, nghèo, tỉnh miền núi... cần có thời gian, tìm giải pháp phù hợp.  

Bên cạnh đó, để có chính sách cụ thể cần thời gian nghiên cứu, đề xuất, vì vậy áp dụng trong năm học 2024 - 2025 sẽ khó. Ngành GD&ĐT cần thời gian rà soát lại chương trình, cách đánh giá để học sinh thích nghi. Các địa phương cũng cần có thời gian xây dựng, cân đối chính sách phù hợp.

Như ông vừa trao đổi cần có thời gian đánh giá hiệu quả Thông tư 29. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Năm học 2024 - 2025 là năm cuối ngành giáo dục và các nhà trường phổ thông thực hiện lộ trình cuốn chiếu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cả 3 cấp học đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Vì vậy, cần có sự rà soát lại quá trình giảng dạy. Đặt các vấn đề về chương trình có nặng hay không, có mang tính hàn lâm hay không...?

Quan điểm của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh, tăng cường thực hành, trải nghiệm cho học sinh trong và ngoài nhà trường. Để phát huy năng khiếu, sở trường, nhà trường phải đa dạng hóa các hoạt động. Nhiều bậc phụ huynh và học sinh mong muốn con em được học tại những trường thương hiệu, danh tiếng, đi du học… nên vẫn có nguyện vọng học thêm. 

Ngoài ra, nhiều học sinh cũng không theo được chương trình. Việc điều chỉnh chương trình, sách giáo khoa cũng phải điều chỉnh cách tổ chức đánh giá. Nếu cách đánh giá vẫn theo cách cũ, chuyện học thêm là điều khó tránh khỏi. Thời điểm hiện tại là học sinh chuẩn bị thi chuyển cấp và tốt nghiệp THPT, đại học… Các nhà trường đã có chương trình, kế hoạch cả năm. Theo tôi, tính thời điểm để ban hành Thông tư có vai trò quan trọng.  

Vậy, theo ông tính khả thi và ý nghĩa của Thông tư 29 nên theo hướng cụ thể ra sao? 

Dạy thêm học thêm ngoài xã hội như việc thầy cô giáo đưa bài khó để học sinh phải học thêm cần cấm tuyệt đối. Cấm dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học cũng là điểm hay của Thông tư. Bởi thực tiễn, học sinh tiểu học học kiến thức trong nhà trường quá tốt và đủ điều kiện lên lớp. Tuy nhiên, lên đến cấp THCS, THPT, đặc biệt các kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp, không học thêm sẽ khó thi.

Về tính khả thi của Thông tư, ngành GD&ĐT cần sẵn sàng, chuẩn bị, bố trí nguồn lực trong chi thường xuyên để các nhà trường có nguồn lực chi trả dạy thêm trong nhà trường không thu tiền, nhất là việc miễn phí học thêm cho học sinh cuối cấp, tham gia các kỳ thi chuyển cấp… Nguồn lực ở đây là từ Chính phủ, địa phương, nhưng địa phương cũng gặp nhiều khó khăn khi cân đối ngân sách.

Việc học 2 buổi/ngày cũng có nhiều lợi ích như giúp học sinh được học tập, giao tiếp, phát triển nhân cách và ở góc độ nào đó là quản lý học sinh, tránh xa tệ nạn xã hội. Phụ huynh có con đến trường m 2 buổi/ngày cũng yên tâm lao động sản xuất... 

Thông tư đã ban hành, các nhà trường phải thực hiện và nghiêm túc, nhưng cần cân đối theo quy định của Bộ GD&ĐT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hài hòa quyền lợi cho giáo viên. Quan trọng nhất là ngành Giáo dục nên khảo sát tác động của chính sách và các đối tượng chịu tác động, như vậy sẽ phát huy tính nhân văn, hiệu quả  của Thông tư 29.

Trân trọng cảm ơn ông!  

Chiều 21/1, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Đoàn kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7/2/2025; quy định về công tác kiểm tra của Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-BGDĐT ngày 24/5/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các quy định pháp luật khác có liên quan. Thời hạn kiểm tra từ ngày 20/2/2025 đến ngày 20/3/2025.
Lê Vân thực hiện/Báo Tin tức
Thực hiện Thông tư 29: Nhiều trường học dừng dạy thêm, học thêm
Thực hiện Thông tư 29: Nhiều trường học dừng dạy thêm, học thêm

Ngày 14/2, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm sẽ có hiệu lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN