Chuyển hướng tuyển sinh qua mạng xã hội
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp - GDNN) cho biết, trong khoảng 4 năm lại đây, một số trường cũng đã triển khai tuyển sinh trực tuyến, để hỗ trợ cho tuyển sinh trực tiếp. Trong đó, các khoa về công nghệ thông tin, kỹ thuật của các trường nghề đều tăng cường hình thức này và mang lại hiệu quả nhất định, có những trường đã thu hút tới 40-60% thí sinh “vào” bằng kênh này. Thích ứng với tình hình mới, nhiều trường đã đẩy mạnh hình thức tuyên truyền qua mạng xã hội.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng điện tử - điện lạnh Hà Nội cho biết: Trường đã triển khai tổng thể việc tư vấn tuyển sinh trên mạng xã hội, qua zalo, facebook… Trong đó, phối hợp với các trường phổ thông trên địa bàn và gửi phiếu khảo sát điện tử. Từ những phiếu khảo sát này, nếu em nào quan tâm về học kỹ thuật, nhà trường sẽ tổ chức tư vấn sâu thêm”.
Còn ông Phạm Văn Long, Hiệu trưởng trường Cao đẳng du lịch Hải Phòng cho biết: “Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trường đã xác định tuyển sinh khối du lịch dịch gặp khó khăn. Một số trường trong khối cũng bắt đầu tính đến tuyển sinh đa cấp học, tức là tuyển cả học sinh hoàn thành THCS vốn ít được quan tâm những năm trước để đào tạo theo mô hình 9+. Trường đã làm việc với 168 trường phổ thông nhưng tâm lý cả giáo viên và học sinh đều không muốn tổ chức tư vấn đông người".
“Hiện nhà trường đã xây dựng những clip giới thiệu về ngành nghề và đưa lên mạng xã hộ. Bước đầu cho thấy số lượt xem khá nhiều nhưng vẫn chưa đánh giá được số người sẽ đăng ký học là bao nhiêu vì sẽ phải đợi sau ngày thi tốt nghiệp phổ thông trung học thì xu hướng lựa chọn học nghề mới rõ nét”, ông Phạm Văn Long chia sẻ.
Còn ông Tạ Xuân Tề, hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ cao Đồng An (Bình Dương) nhìn nhận: Các trường mới và tư nhân chưa có “thương hiệu” vốn đã gặp khó tuyển sinh, nay do dịch COVID-19 lại càng khó khăn trong tuyển sinh. Do đó, trường đang đẩy mạnh truyền thông để định hướng thu hút học sinh, trong đó hướng tới đối tượng trẻ đang dùng mạng xã hội.
Các trường nghề đều nhận định, hiện học sinh khối phổ thông, nhất là học sinh cuối cấp đang tập trung ôn thi và ngóng thời gian đến trường trở lại. Thời điểm các em học sinh quan tâm đến tuyển sinh, chọn trường sẽ là sau khi kết thúc các kỳ sát hạch cuối cấp vào tháng 7, tháng 8.
Ông Vũ Xuân Hùng cho biết: Từ cuối năm 2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã công bố trang thông tin tra cứu văn bằng giáo dục nghề nghiệp và trang thông tin kết nối doanh nghiệp. Năm 2020, hệ thống này tiếp tục cập nhật dữ liệu để quản lý nguồn học sinh, sinh viên đầu vào lẫn đầu ra. Đồng thời, hệ thống này triển khai quản lý số liệu tuyển sinh trực tuyến và từ đó sẽ quản lý thông tin cụ thể cho hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 63 tỉnh thành về thông tin tuyển và hiệu quả từng nghề.
Ông Kim Hồng Hưng, Phó Chánh văn phòng Tổng cục GDNN cho biết: Tổng cục đã có sửa đổi thông tư để việc tuyển sinh trực tuyến thuận lợi hơn cho các trường. Theo đó, việc xét tuyển trực tuyến rất thuận tiện, người học chỉ cần đăng nhập qua di động hay máy tính để tìm hiểu, lựa chọn ngành nghề trường; khai báo thông tin đăng ký học gửi tới trường mình muốn học. Các trường sẽ xem xét phản hồi và thông báo trúng tuyển. Khi nhập học, thí sinh mới cần nộp đầy đủ hồ sơ. Hiện các apps chọn nghề, chọn trường và website chuyên biệt tuyển sinh nghề nghiệp đã được phát hành từ năm trước; chưa kể các trường tự xây dựng apps hoặc trang riêng không phải qua server của hệ thống cũng đã được nâng cấp, hoàn thiện.
“Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các trường đang đẩy mạnh hình thức tuyển sinh trực tuyến và khả năng tuyển vượt được chỉ tiêu sẽ gặp khó khăn, nhưng đáp ứng chỉ tiêu là điều khả thi”, ông Vũ Xuân Hùng đánh gia.
Linh hoạt trong đào tạo, mở rộng hơn đào tạo trực tuyến
Cùng với chuyển hướng tuyển sinh trên mạng xã hội, Tổng cục GDNN cũng yêu cầu các trường linh hoạt trong đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo trực tuyến.
Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: Việc đào tạo trực tuyến cũng cần có nhiều yếu tố. Trước tiên là thiết bị đầu cuối, chủ yếu là máy tính của học sinh, sinh viên. Tiếp đó là tài liệu, phần mềm đòi hỏi nhà trường phải có sự đầu tư. Và học trực tuyến đòi hỏi phải có kỹ năng, nhất là kỹ năng số để xử lý từ việc học, làm bài tập… Đây là thách thức và cơ hội với các trường nghề trong việc đòi hỏi thích ứng với tình hình dịch bệnh nhưng cũng là dịp chuyển dịch đào tạo theo hướng công nghiệp 4.0. Với giáo dục nghề nghiệp, với những đặc thù riêng của các trường liên quan đến thực hành ở nhà xưởng hay đi thực tế ở các doanh nghiệp cần có bố trí phù hợp.
“Ngay cả trên thế giới cũng chưa có nhiều mô hình thành công nên quá trình áp dụng đào tạo trực tuyến tại các trường nghề sẽ vừa làm, vừa thích ứng tìm mô hình phù hợp. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, khai thác thế mạnh của học trực tuyến”, ông Trương Anh Dũng cho biết.
Còn theo ông Vũ Xuân Hùng, trường hợp đầu tháng 5 các hoạt động trở lại bình thường thì kế hoạch đào tạo sẽ không xáo trộn gì nhiều. Ngay từ đầu mùa dịch, Tổng cục đã có các hướng dẫn kịp thời về tổ chức học tập, kiểm tra đánh trực tuyến; các cơ sở đã tập trung cho đào tạo lý thuyết; khi quay lại trường sẽ tập trung học thực hành. Thêm vào đó, các trường quen với đào tạo trực tuyến, khi trở lại vẫn khai thác thế mạnh của phương thức đào tạo này, để giúp người học và thầy cô chủ động được thời gian dạy và học.
Cùng với đó, các hoạt động cho đào tạo chất lượng cao vẫn tiến hành. Bắt đầu tháng 1/2020, một số trường đã đào tạo thí điểm cho 25 nghề chuyển giao từ Đức. Do dịch bệnh nên công tác này đang xoay chuyển bằng cách sử dụng chuyên gia hướng dẫn online và sẽ trở lại trực tiếp trong thời gian thích hợp để đảm bảo chương trình.
Ở góc độ nhà trường, ông Tạ Xuân Tề cho biết, Trường Cao đẳng công nghệ Cao Đồng An đã tổ chức dạy học trực tuyến được 2 tháng, nhưng chỉ đào tạo được lý thuyết. Do gấp nên trường chưa có các phần mềm mô phỏng thực hành. Những nội dung thực hành thí nghiệm vẫn phải chờ đến khi học sinh đi học trở lại bình thường thì sẽ tổ chức gắn thực hành tại trường cũng như tại doanh nghiệp.
Việc học trực tuyến được đánh giá phù hợp với các môn tin học, tiếng Anh và các môn có tiết học lý thuyết. Qua đó, cả thầy và trò đều có thể chủ động được thời gian.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: Trong mùa dịch bệnh, Sở đã hướng các trường nghề hướng tới đối tượng tuyển sinh là lực lượng lao động bị dừng việc hay chuyển việc. Thông qua các hiệp hội lao động, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiệp hội việc làm để khuyến khích kịp thời chuyển đổi và cung cấp dịch vụ đào tạo thích ứng trong tình hình mới. Sự linh hoạt trong đào tạo này đáp ứng nhu cầu có sự thay đổi về nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN lưu ý các trường cần chuẩn bị để nắm bắt cơ hội đào tạo lại của các doanh nghiệp sau dịch bệnh, bởi ngành đã chủ trương không chỉ đào tạo ban đầu mà còn phải đào tạo thường xuyên cho lao động ở các doanh nghiệp. Về hướng đào tạo đa cấp học, cụ thể là đào tạo 9+, trong thực tiễn đã triển khai và mới được thể chế hóa vào luật, cần phải thúc đẩy để thực tiễn triển khai hiệu quả.
Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho rằng: Công tác tuyển sinh năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh hình thức tuyên truyền trên báo chí chính thống, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh hình thức tuyển sinh trực tuyến, qua mạng xã hội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp để có những chương trình tư vấn thông qua các trang web; xây dựng cách tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường tham gia xây dựng chương trình, tài liệu giáo dục hướng nghiệp và cử giáo viên giáo dục nghề nghiệp tham gia hướng nghiệp trong trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đây sẽ là kênh quan trọng, trong đó có cả việc thay đổi định kiến chọn học nghề từ chính phụ huynh học sinh sẽ tạo bước chuyển trong tuyển sinh và đào tạo tại trường nghề.