Mỏi mòn chờ máy tính và sóng
Tháng 9/2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội của cả nước. Với tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, phương án học trực tuyến được đưa ra để ứng phó với tình hình dịch bệnh. Từ đây, nhiều khó khăn về trang thiết bị, sóng cho học sinh nghèo, vùng sâu vùng xa cũng phát sinh. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ học sinh nghèo học trực tuyến.
Thực hiện phát động của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu tháng 3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận hơn 36,3 tỷ đồng để mua hơn 14.000 máy tính bảng cho trên 14.000 em học sinh nghèo. Nghịch lý là đến nay, số tiền trên vẫn nằm im trong “két sắt”, học sinh vẫn chưa được thụ hưởng chương trình.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thiệt thòi nhất có lẽ là thầy và trò nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Hệ thống cơ sở vật chất thiếu và yếu đã khiến chương trình dạy học trực tuyến tại nhiều nơi của tỉnh Gia Lai gặp khó, bế tắc. Thầy và trò phải tìm phương án học trước khi chờ được cấp máy tính. Em Vũ Hồng Phúc An - lớp 8C, Trường Trung học Cơ sở Hùng Vương, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai buồn rầu: Nghe được hỗ trợ máy tính, em mừng lắm nhưng mãi không thấy đâu, có phần hụt hẫng. Nhà em thuộc hộ nghèo, có bốn chị em. Mấy đợt học trực tuyến chưa có máy, phải nhờ thầy cô và bạn bè in tài liệu giúp.
Nhiều học sinh đã phải tìm đến các điểm internet công cộng, tuy nhiên, vì dịch nhiều nơi đóng cửa nên phải nhờ các thầy cô, bạn bè in giúp tài liệu để tiếp tục duy trì mạch kiến thức chờ ngày đến trường. Em Văn Hoàng Lan Nhung, lớp 8C, Trường Trung học Cơ sở Hùng Vương, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai cho biết: Đợt dịch COVID-19, nhà em thuộc diện khó khăn nên em không có máy tính để học. Em rất muốn có máy tính để học nhưng gia đình khó khăn lắm, ba làm thợ xây, mẹ nghề ve chai, chỉ lo được đủ ăn, chứ không dám nghĩ đến máy tính. Trong thời gian học trực tuyến, em phải nhờ thầy cô, bạn bè in giúp tài liệu rồi về tự học.
Không có trang thiết bị cho các em học trực tuyến, thầy cô phải “khăn gói” đến từng gia đình các em phát tài liệu học, hướng dẫn các em học. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch nên phương án này cũng bị ngắt quãng. Cô Nguyễn Thị Phương, Hiệu phó Trường Trung học Cơ sở Hùng Vương, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, cho biết: Từ khi có chương trình, trường đã rất nhiều lần lập báo cáo danh sách học sinh cần hỗ trợ máy tính, số hiện tại khoảng 65 em. Thời gian qua, đối với các em không có máy tính, nhà trường đã yêu cầu giáo viên in tài liệu phát cho các em để học kịp chương trình. Tuy nhiên, vì học tập qua tài liệu không có sự hướng dẫn của giáo viên nên chất lượng giáo dục có phần bị ảnh hưởng.
Các trường đã lập danh sách nhiều lần để sớm có máy tính cho học sinh học, thế nhưng vẫn phải chờ trong vô vọng. Thầy Võ Trí Hoàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Quang Trung - xã Ia Broái, huyện Ia Pa, chia sẻ: Trường có 100% học sinh dân tộc thiểu số Jrai, trong đó 496 học sinh của trường thuộc diện cần hỗ trợ máy tính. Nhưng từ khi có thông báo, trường đã làm danh sách và gửi đi nhiều lần nhưng mãi không thấy hỗ trợ. Nếu có máy tính thì công tác dạy và học sẽ đỡ vất vả hơn nhiều.
Trước sự chậm trễ này, ngày 8/9/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu tỉnh Gia Lai khẩn trương triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, khẩn trương mua máy tính bảng bàn giao cho học sinh.
Gặp khó do… thẩm định giá
Tháng 3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận hơn 36,3 tỷ đồng từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Trong đó, kinh phí cấp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo là 35 tỷ đồng, địa phương huy động 1,3 tỷ đồng.
Để sớm đưa chương trình đi vào cuộc sống, ngay từ đầu tháng 3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã ký hợp đồng với đơn vị thẩm định giá và đơn vị này đã có chứng thư thẩm định giá. Từ đó, Sở đã căn cứ lập dự toán và phương án thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông về cấu hình máy tính bảng là 8 inch và giá 2,5 triệu đồng/máy. Tài sản thẩm định giá là máy tính bảng 8 inch, hãng sản xuất TPS, model K8, nhà sản xuất Shenzhen TPS Industry Technology, năm sản xuất 2021, xuất xứ Trung Quốc. Sau đó, Sở đã làm tờ trình gửi Sở Tài chính, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.
Ông Phạm Đức Huệ, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai: Đến nay, Sở đã làm 5 tờ trình gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục thiết bị, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai chương trình theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, tờ trình đến nay vẫn chưa được thông qua. Sở Tài chính cho rằng chứng thư thẩm định giá không đảm bảo, yêu cầu phải cung cấp hồ sơ về các hợp đồng mua, bán tương tự và hóa đơn mua bán thiết bị hàng hóa chứng minh máy tính bảng với giá thẩm định 2,5 triệu đồng/máy.
“Việc Sở Tài chính yêu cầu như vậy là quá khó và không thể thực hiện được. Đơn vị thẩm định có thể căn cứ cấu hình và báo giá của doanh nghiệp để làm chứng thư. Qua khảo sát chưa có địa phương nào mua bán loại sản phẩm này nên chưa có hợp đồng, hóa đơn tương tự” - ông Phạm Đức Huệ lý giải.
Để gỡ vướng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để được hướng dẫn thực hiện. Theo đó, Sở đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép đổi chủng loại máy tính bảng với cấu hình 10 inch. Với phương án này sẽ giảm số lượng trang bị dự kiến khoảng 2.000 máy, do máy 10 inch có giá trên 3 triệu đồng. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện tờ trình, nếu thuận lợi sẽ đến tháng 11/2022 này sẽ triển khai mua máy tính bảng.