Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn biểu dương, ghi nhận những đóng góp, cố gắng và những thành tích mà các thầy, cô giáo đã đạt được trong quá trình công tác tại vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh. "46 giáo viên được đáp ứng nguyện vọng chuyển công tác về các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ yên tâm công tác, phát huy những kết quả, kinh nghiệm quý báu trong những năm tháng gắn bó với giáo dục vùng cao, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh", Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái mong muốn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp và đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” gắn với tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục, đào tạo; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua trong ngành gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; triển khai xây dựng có hiệu quả mô hình "Trường học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái.
Các đơn vị triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học ở tất cả các bậc học; đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài; trước mắt tập trung triển khai có hiệu quả nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND tỉnh về các đề án phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đề nghị Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát biên chế của ngành để xem xét nguyện vọng của các thầy cô giáo đã có nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng cao, đạt thành tích xuất sắc trong công tác để tiếp tục sắp xếp, điều động về công tác tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần quan tâm chăm lo tốt hơn, toàn diện hơn đến điều kiện làm việc, công tác của các thầy, cô giáo, điều kiện học tập của học sinh; dành sự quan tâm đặc biệt đối với thầy và trò ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp trồng người, tạo nguồn nhân lực, xây dựng Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Tỉnh Yên Bái hiện có gần 6.000 cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chiếm 45,7% số giáo viên trong toàn ngành giáo dục tỉnh. Đa số các thầy, cô giáo đều gắn bó với vùng cao từ 10 năm trở lên; rất nhiều người đã tình nguyện cống hiến và dành trọn những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân với giáo dục vùng cao. Trong quá trình công tác, các thầy cô đã không quản ngại khó khăn, vươn lên đạt thành tích cao trong giảng dạy.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái, đây là lần thứ hai tỉnh Yên Bái thực hiện điều động, chuyển công tác đối với các thầy, cô giáo đang công tác tại các huyện, các xã vùng đặc biệt khó khăn có thành tích xuất sắc được chuyển công tác theo nguyện vọng.
Việc điều động, tiếp nhận giáo viên đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, đúng đối tượng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn; đồng thời đảm bảo ổn định biên chế, chất lượng đội ngũ giữa các trường, không để mất cân đối về cơ cấu ban môn và số lượng giáo viên trong toàn tỉnh. Đây là hoạt động tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện tính nhân văn trong các chính sách của tỉnh đối với sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.
Buổi gặp mặt là hoạt động hết sức ý nghĩa đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái nhằm động viên, ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các thầy cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục vùng cao; cổ vũ, thúc đẩy phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt" của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh.