TP Hồ Chí Minh nỗ lực đáp ứng yêu cầu về chất và lượng giáo dục - Bài 2: Đổi mới, hội nhập

Trước áp lực học sinh tăng cao, về giải pháp lâu dài, Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch và tập trung đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp.

Chú thích ảnh
Trường Mầm non Sen Hồng (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học mới 2018-2019 với quy mô 20 phòng học.

Hằng năm, thành phố đưa vào hoạt động hàng ngàn phòng học mới, đáp ứng nhu cầu học cho tất cả con em trên địa bàn. Cùng với việc đảm bảo số chỗ học, ngành giáo dục tập trung các giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục theo tinh thần đổi mới.

Quy hoạch trường, lớp

Những ngày này, trường mầm non Sen Hồng, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, đang hoàn tất các khâu để có thể đưa vào sử dụng trong năm học mới. Trường có quy mô 20 phòng học, có thể tiếp nhận khoảng 500 trẻ trên địa bàn. Đây là một trong ba trường mầm non mới được quận Bình Tân đưa vào sử dụng trong năm học này. Ba trường này đều tập trung ở phường Tân Tạo, bởi số dân tại phường những năm qua tăng “chóng mặt”, kéo theo số trẻ mầm non tăng cao.

Còn tại Quận 12, năm học mới này sẽ có thêm 1 trường tiểu học mới, mở rộng thêm phòng học ở 1 trường trung học cơ sở, qua đó đưa vào sử dụng hơn 30 phòng học mới. Cùng với đó, các quận, huyện khác cũng đang hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đưa vào sử dụng phòng học mới trong năm học này.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay đầu năm học năm học 2018 – 2019, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 882 phòng học mới, đồng thời tiếp tục xây dựng đến cuối năm đạt mục tiêu hơn 1.000 phòng học mới đưa vào sử dụng. Trong đó, bậc mầm non 272 phòng, tiểu học 369 phòng, trung học cơ sở 116 phòng, trung học phổ thông 102 phòng.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn, cùng với giải pháp tình thế tăng sĩ số lớp, giảm lớp bán trú, giải pháp lâu dài của thành phố vẫn là quy hoạch tổng thể hệ thống trường, lớp. Hằng năm, thành phố dành 25% tổng chi ngân sách chi thường xuyên cho ngành giáo dục và đào tạo, trong đó ưu tiên chi cho công tác xây dựng trường, lớp. Mỗi năm, thành phố đưa vào sử dụng cả ngàn phòng học mới để đáp ứng nhu cầu học sinh. Dù tăng hàng chục ngàn học sinh mỗi năm, chủ trương của thành phố vẫn đảm bảo đủ 100% chỗ học cho con em nhân dân thành phố, đặc biệt là con em gia đình chính sách, gia đình nghèo, công nhân.

Để đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi), Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã rà soát với 24 quận, huyện về quy hoạch đất xây dựng trường, lớp và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Theo đó, trong giai đoạn này, thành phố có 722 dự án quy mô 12.785 phòng học, với tổng kinh phí hơn 55.000 tỷ đồng. Hiện nay, thành phố đã đạt 268 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Đây là một tín hiệu tích cực trong việc thực hiện hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Mặt khác, thành phố tập trung nguồn lực, phát triển mạnh mẽ xã hội hóa giáo dục. Đến nay, số lượng trường ngoài công lập trên địa bàn là 808 trường ở các cấp học, chiếm 37% tổng số trường trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thành phố chú trọng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, đến năm 2020 còn khoảng 70% học sinh học xong lớp 9 vào trung học phổ thông công lập, còn lại sẽ theo học các loại hình khác như học nghề, giáo dục thường xuyên hoặc ngoài công lập. Việc đa dạng các loại hình giáo dục đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo chỗ học cũng như nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, thành phố vẫn gặp khó khăn trong thực hiện các dự án xây dựng trường học mới. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép thành phố thực hiện thí điểm các dự án xây dựng trường học ở các quận nội thành không còn quỹ đất được nâng tầm cao phù hợp với thực tế từng địa bàn, tính chất từng dự án, qua đó giải quyết tình trạng thiếu phòng học ở các khu dân cư đông đúc, tập trung và tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng mặt bằng chiếm đất xây dựng.

 

Chú thích ảnh
rường Mầm non Sen Hồng (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) với quy mô 20 phòng học sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học mới 2018-2019.

Đảm bảo chất lượng

Cùng với việc đảm bảo số chỗ học, ngành giáo dục thành phố tiếp tục tập trung các giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục theo tinh thần đổi mới, chủ động hội nhập, coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Chia sẻ về mục tiêu của ngành giáo dục trong năm học mới, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, thành phố tiếp tục xây dựng các trường học có cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng công tác dạy và học trong trường. Để từ đó, học sinh học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại và đảm bảo phát triển năng lực bản thân một cách toàn diện. Riêng đội ngũ giáo viên thành phố phải đạt các chuẩn nghề nghiệp, có hiểu biết xã hội, bản lĩnh chính trị, phẩm chất tốt, tận tâm, yêu nghề, mến trẻ, là những tấm gương sáng, mẫu mực cho học sinh noi theo.

Theo kế hoạch năm học mới, thành phố khuyến khích mỗi quận, huyện xây dựng từ 1-2 trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế ở mỗi bậc học. Đồng thời, khuyến khích các trường trung học tổ chức dạy môn Toán và các môn Khoa học bằng ngoại ngữ nhằm thực hiện chủ trương chủ động hội nhập và thực hiện chương trình đào tạo nguồn lực chất lượng cao của thành phố, khuyến khích tổ chức dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp Chương trình Anh và Việt Nam tại các trường công lập trên địa bàn.

Một trong những giải pháp được ngành giáo dục thành phố tập trung trong năm học mới là chú trọng cập nhật các phương pháp giảng dạy hiện đại của thế giới, dạy học theo chủ đề, dạy tích hợp liên môn, dạy học phân hóa, dạy học bằng di sản, trải nghiệm sáng tạo, tiết học ngoài nhà trường, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, tăng cường thực hành… Bên cạnh đó, đổi mới trong thi cử, kiểm tra – đánh giá, triển khai tốt các chương trình đánh giá học sinh quốc tế, tổ chức tốt các kỳ thi, khảo sát tuyển sinh đầu cấp theo hướng đánh giá năng lực học sinh.

Trên tinh thần đổi mới, thành phố xác định giáo dục và đào tạo là động lực quan trọng để thành phố phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2030, hệ thống giáo dục - đào tạo thành phố được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, nhưng vẫn giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc, đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Bài và ảnh: Thu Hoài (TTXVN)
Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực đáp ứng yêu cầu chất và lượng giáo dục: Bài 1 - Áp lực sĩ số
Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực đáp ứng yêu cầu chất và lượng giáo dục: Bài 1 - Áp lực sĩ số

Với đặc thù của một đô thị lớn, số học sinh tăng cao hằng năm khiến Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với áp lực rất lớn trong việc vừa đảm bảo chỗ học, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục theo tinh thần đổi mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN