Các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều hình thức kiểm tra theo cấp độ dịch và đối tượng học sinh nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19, đồng thời giảm áp lực thi cử cho học sinh, giúp các em đạt kết quả tốt nhất.
Tại Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TP Hồ Chí Minh), các em học sinh từ lớp 7 - 9 vừa hoàn thành kỳ kiểm tra học kỳ 1 kéo dài từ ngày 10 - 15/1. Theo bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, trung bình cứ mỗi 2 ngày, các em học sinh làm bài kiểm tra một môn. Các môn Toán, Ngữ văn làm bài kiểm tra theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Giáo dục công dân, Lịch sử, Tin học và Địa lý theo hình thức trắc nghiệm. Những môn học còn lại như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, học sinh thực hiện bài thực hành hoặc làm sản phẩm. Nội dung câu hỏi được biên soạn dựa vào tiến độ bài dạy, phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng, không đánh đố học sinh mà bám sát với thực tiễn học trực tuyến.
Bà Nguyễn Đoan Trang cho biết, nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, trước ngày thi, nhà trường đã phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận với học sinh và phụ huynh về kế hoạch và phương án thực hiện bài kiểm tra học kỳ. Bước vào kỳ thi, các em học sinh được nhắc nhở nghiêm túc thực hiện quy tắc 5K, không tụ tập trò chuyện với nhau, đeo khẩu trang trong suốt giờ thi và nhanh chóng di chuyển ra về sau khi hoàn thành bài thi. Các khối lớp cũng được sắp xếp thi theo các ca sáng, chiều và không trùng lắp giờ thi để tránh việc tập trung quá đông học sinh trong cùng một thời điểm.
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TP Hồ Chí Minh), kỳ thi học kỳ cho học sinh ba khối diễn ra từ ngày 10 - 17/1 theo hình thức trắc nghiệm hoặc tự luận kết hợp với trắc nghiệm, riêng môn Ngữ văn thi tự luận. Theo ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân, mỗi em học sinh đều được đo thân nhiệt và thực hiện rửa tay sát khuẩn đầy đủ trước khi bước vào phòng thi. Giám thị cùng các thầy cô giám sát chặt chẽ, hạn chế thấp nhất tương tác giữa các em trước và sau giờ thi. Phụ huynh cũng được nhà trường thông báo đến đón con em đúng giờ, tránh việc các em do chờ đợi lâu mà trao đổi, tụ tập nói chuyện. Nhà trường cũng bố trí ca thi lệch giờ giữa các khối để tránh tập trung đông học sinh; các phòng thi cũng được vệ sinh khử khuẩn hàng ngày, bảo đảm vệ sinh phòng dịch đến mức cao nhất.
Về nội dung thi, ông Nguyễn Hùng Khương cho biết, các tổ chuyên môn của trường biên soạn đề kiểm tra theo đúng định hướng, không gây áp lực, không ra những nội dung đã được giảm tải do tình hình dịch bệnh. Cụ thể, khoảng 90% số lượng câu hỏi nhằm mục tiêu đánh giá sự nhận biết, thông hiểu và không quá 10% là câu hỏi vận dụng.
Tại Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), Hiệu trưởng Hồ Thanh Danh cho biết, ngay từ ngày đầu tiên các em học sinh từ khối 7 - 9 tập trung học trực tiếp trở lại, nhà trường đã cho thành lập một “tổ trật tự” gồm các giáo viên và cán bộ nhằm nhắc nhở và yêu cầu học sinh không tụ tập, nói chuyện trong cả giờ học và giờ ra chơi. Việc này đã giúp các em học sinh sớm hình thành tính tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch trước khi bước vào kỳ thi học kỳ.
Ngoài ra, trong thời gian tổ chức thi, Trường THCS Nguyễn Trãi còn thực hiện phân bổ thời gian thi lệch ca, lệch giờ; chia ra hai cổng vào trường dành cho học sinh được cha mẹ đưa đón và học sinh tự chạy xe đạp để tránh tập trung đông… Nếu trong quá trình thi phát hiện học sinh có biểu hiện bất thường sẽ được dẫn đến khu vực cách ly để làm các bước phòng dịch cần thiết. Trong phòng thi, trường cũng bố trí học sinh ngồi đúng khoảng cách, mở cửa thông thoáng, không mở máy lạnh... Nhờ đó, kỳ thi đã được diễn ra một cách nghiêm túc và an toàn.
Riêng những học sinh thuộc diện F0 hoặc vì cách ly, giãn cách xã hội… mà không thể tham gia kiểm tra cuối kỳ trong khung thời gian từ ngày 10 - 22/1 đã được các trường xem xét cho thực hiện kiểm tra, đánh giá bổ sung hoàn thành trước 28/2. Đối với những em học sinh này, các trường sẽ triển khai dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức phù hợp trước khi thi, đồng thời thông báo, trao đổi với phụ huynh để cùng nhà trường hỗ trợ cho các em.
Công tác chống dịch trước và trong kỳ thi học kỳ của ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được sự đồng tình từ đông đảo phụ huynh và học sinh. Anh Hồ Trung Quân, có con đang học tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, anh rất yên tâm với công tác quản lý, giám sát cùng các biện pháp phòng dịch từ phía nhà trường.
“Học sinh đến trường đều được tạo một không gian an toàn, hạn chế tiếp xúc. Các thầy cô cũng thường xuyên dặn dò, nhắc nhở học sinh nghiêm túc thực hiện 5K. Trước ngày thi, nhà trường phổ biến rất kỹ đến học sinh và phụ huynh về kế hoạch, quy trình tổ chức thi nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch cho các em. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình và cố gắng phối hợp hiệu quả với nhà trường để mang đến cho các em một kỳ thi an toàn nhất”, anh Quân chia sẻ.
Em Hoàng Ngọc Bảo Long, học sinh lớp 7 Trường THCS Đồng Khởi (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết, em không cảm thấy lo lắng khi học và thi trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp vì các thầy cô đã tiến hành vệ sinh trường lớp cẩn thận và phổ biến các quy định 5K để học sinh thực hiện theo. Bản thân mỗi học sinh cũng có ý thức phòng dịch rất tốt, không cần đợi thầy cô nhắc nhở. Về đề thi, Bảo Long cho rằng nội dung thi đều là các kiến thức cơ bản nằm trong chương trình học, không có kiến thức nâng cao hay đòi hỏi suy luận phức tạp, vì vậy em và các bạn đều hoàn thành tốt bài thi và tự tin sẽ đạt được điểm số tốt.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc đảm bảo phòng dịch khi cho học sinh quay lại trường học trực tiếp là yêu cầu tiên quyết của ngành Giáo dục thành phố. Trước đó, UBND thành phố đã ban hành Bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống COVID-19 tại các cơ sở giáo dục với những quy định rất rõ về khoảng cách giữa học sinh và giáo viên trong và ngoài phòng học; đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và khai báo y tế… Việc này đã giúp các trường có cơ sở để tổ chức học và thi một cách an toàn, hiệu quả. Các ca F0 phát hiện tại trường đều nhanh chóng được xử lý theo quy định của ngành y tế và cho đến nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Về nội dung thi học kỳ, ông Lê Duy Tân cho rằng, thi học kỳ nhằm kiểm tra quá trình học, xem học sinh tiếp thu kiến thức như thế nào để có điều chỉnh phù hợp trong học kỳ tiếp theo. Vì vậy, học sinh học đến đâu sẽ kiểm tra đến đó và kiểm tra đúng những gì đã học, không kiểm tra những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Với lộ trình tổ chức học trực tiếp mà thành phố đã thực hiện trong thời gian qua, học sinh từ lớp 7 - 12 đều đã có thời gian từ 2 tuần trở lên để ôn tập, củng cố kiến thức đã học trong thời gian học trực tuyến, giúp các em tự tin hơn khi làm bài thi.
Hiện các đơn vị trường học tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục tổ chức cho học sinh các khối thi học kỳ trực tiếp. Kỳ thi sẽ kết thúc vào ngày 22/1 tới.