Nhiều thí sinh cho biết, một số trường và ngành đào tạo có tỉ lệ “chọi” cao khiến các em dù đã chọn thi vẫn không khỏi đắn đo. Tuy nhiên, thực tế, tỉ lệ “chọi” không ảnh hưởng nhiều đến điểm trúng tuyển, do đó thí sinh không nên quá lo lắng.
Theo thống kê, một số trường ĐH top đầu (điểm trúng tuyển hàng năm cao) lại có tỉ lệ chọi thấp hơn các trường top dưới (điểm trúng tuyển ở mức trung bình). Chẳng hạn, một số trường top trên như ĐH Ngoại thương có 10.000 hồ sơ với 3.400 chỉ tiêu (tỉ lệ chọi 1/2,94), Học viện Tài chính có 8.500 hồ sơ với 3.350 chỉ tiêu (tỉ lệ chọi: 1/2,53), Học viện Ngân hàng: 8.000 hồ sơ với 2.300 chỉ tiêu (tỉ lệ chọi 1/3,47), ĐH Xây dựng: 9.115 hồ sơ với 2.800 chỉ tiêu (tỉ lệ chọi 1/3,25); trong khi đó, ĐH Sư phạm Hà Nội có 18.905 hồ sơ với 2.400 chỉ tiêu (tỉ lệ chọi 1/7,87); ĐH Công đoàn: 26.700 hồ sơ với 2.000 chỉ tiêu (tỉ lệ chọi 1/13,35), ĐH Tài chính Marketing có tỉ lệ chọi 1/5,5; trong đó, ngành Quản trị khách sạn có tỉ lệ chọi lên tới 1/24,42...
Thí sinh làm bài dự thi tại Hội đồng thi ĐH Tôn Đức Thắng trong kỳ thi ĐH, CĐ 2012.Ảnh: Phương Vy - TTXVN |
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo, nếu như năm 2012, khối A là sự lựa chọn của 47,2% số thí sinh dự thi ĐH thì năm nay chỉ còn 39,1%. Trong khi đó, khối A1 tăng 5%; khối B tăng 1,9%. Số hồ sơ nhóm ngành kinh tế giảm 10,5% nhưng vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.
Từ số liệu tuyển sinh về tỉ lệ chọi, điểm chuẩn những năm trước và xu hướng chọn ngành của thí sinh, bà Lê Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết, số lượng hồ sơ tăng giảm không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh của các trường top đầu vì hầu hết thí sinh thi vào các trường này đều có chất lượng cao. Dù số hồ sơ nộp vào các trường này ít nhưng tính cạnh tranh lại rất cao. Như năm nay, ĐH Ngoại thương có tỉ lệ chọi thấp nhưng khả năng điểm chuẩn không thay đổi nhiều so với các năm trước (ở mức khoảng 24 - 26 điểm).
Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD - ĐT), trong kì thi tuyển sinh 2013, cả nước có 1.710.983 hồ sơ đăng ký dự thi, giảm 6% so với năm 2012. Trong đó, hồ sơ dự thi ĐH là 1.343.656 hồ sơ (chiếm 79%). |
Theo ThS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Sài Gòn, tỉ lệ chọi chỉ để tham khảo chứ không phải yếu tố quyết định điểm trúng tuyển bởi tỉ lệ chọi càng cao, khả năng hồ sơ ảo càng lớn. Năm ngoái, trường có gần 51.000 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng đến ngày thi, số thí sinh dự thi chỉ hơn 37.000 (không tính thí sinh thi nhờ). “Năm nay, trường nhận được hơn 48.000 hồ sơ. Chúng tôi không muốn công bố tỉ lệ chọi theo ngành vì có những ngành tỉ lệ chọi rất cao, khiến thí sinh hoang mang”, ông Sơn nói.
Cũng theo đại diện một số trường, tỉ lệ chọi chính xác được tính trên số thí sinh đến dự thi so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Hiện tại, tỉ lệ này không chính xác do số hồ sơ ảo rất nhiều (thí sinh nộp nhiều bộ hồ sơ, đến khi thi mới chọn một trường). Nhiều năm trước, tỉ lệ hồ sơ ảo trung bình của các trường top trên là 20 - 25%, còn các trường top dưới, số hồ sơ ảo còn lớn hơn.
Ngay trong một trường cũng có sự chênh lệch lớn giữa tỉ lệ chọi của các khoa với nhau. Chẳng hạn, tỉ lệ chọi vào ngành y đa khoa, dược học của ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh chỉ khoảng 1/6 nhưng điểm trúng tuyển luôn cao nhất trường với mức 25,5 - 26 điểm; trong khi các ngành điều dưỡng, xét nghiệm y học, kỹ thuật y học có tỉ lệ chọi tới 1/30 nhưng điểm trúng tuyển chỉ ở mức 21 - 23 điểm.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, những năm gần đây, số lượng thí sinh dự thi đạt tổng điểm ba môn từ 15 điểm trở lên chỉ chiếm khoảng 13 - 20% trên tổng số thí sinh dự thi cả nước. Trong đó, các thí sinh có lực học giỏi lại đều tập trung vào các trường top trên và các ngành nghề “hot”. Số thí sinh này không nhiều nên tỷ lệ chọi của các trường và ngành này thường thấp hơn nhiều so với các trường top dưới, nhưng do chất lượng thí sinh cao nên điểm chuẩn ở những trường và ngành này luôn ở mức cao (thường từ 21 điểm trở lên).
Do vậy, các chuyên gia tuyển sinh đều cho rằng, thí sinh chỉ nên tham khảo tỉ lệ chọi vì nhiều trường có tỉ lệ chọi cao nhưng điểm xét tuyển lại thấp hơn trường có tỉ lệ chọi thấp. Đối thủ thực sự của các em là những bạn có điểm thi cao hơn hoặc bằng điểm xét tuyển. Chất lượng thí sinh dự thi mới quyết định điểm chuẩn cao hay thấp. Thí sinh nên dựa vào sức học của mình, điểm chuẩn các năm trước để chọn trường phù hợp. Với những thí sinh có mức học khá, nên chọn những trường có mức điểm chuẩn vừa phải.
Hoàng Dương