Ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội thảo.
Các chuyên gia, đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định trí tuệ nhân tạo (AI) – Đòn bẩy chiến lược cho giáo dục nghề nghiệp, song cũng nhấn mạnh con người đóng vai trò trung tâm trong việc kiểm soát và định hướng sự phát triển của AI.
Ông Đỗ Hữu Khoa, Trưởng Ban Chuyển đổi số Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, AI có vai trò then chốt trong nâng cao hiệu quả quản lý, đào tạo và tuyển sinh, nhất là tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ứng dụng AI là hành động cụ thể hóa các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong chuyển đổi số, phát triển trí tuệ nhân tạo, giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận, cập nhật và áp dụng các công nghệ tiên tiến vào hoạt động thực tiễn.
Tương tự, ông Lê Trung Nghĩa, Viện nghiên cứu, đào tạo và phát triển tài nguyên giáo dục mở (InOER), cũng nhìn nhận AI hiện là cầu nối giữa thế giới giáo dục và thế giới việc làm; giúp các trường nghề xa xôi, hẻo lánh kết nối với cả thế giới; cung cấp các môn học, kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, giúp tạo ra lợi ích kinh tế, giúp hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế. Có thể nói, tích hợp AI trong giáo dục nghề nghiệp là không thể thiếu. Tuy nhiên, thách thức của AI trong giáo dục nghề nghiệp là chất lượng và độ chính xác phụ thuộc dữ liệu và định kiến của mô hình; quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu; tư duy phản biện, sáng tạo…, ông Nghĩa chia sẻ.
Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo.
Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh AI không thay thế con người, mà là công cụ mạnh mẽ hỗ trợ người dạy, người học. “AI như ChatGPT có thể hỗ trợ học sinh trải nghiệm tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động cập nhật, giúp học sinh phát triển các kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai từ mô phỏng nghề nghiệp, ông Tuấn khẳng định.
Để khai thác AI hiệu quả trong công tác hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, ông Tuấn cho rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị, thiết kế phần mềm có khả năng tương tác, mô phỏng và phân tích dữ liệu cá nhân của học sinh để đưa ra các khuyến nghị phù hợp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thiết lập hệ thống đánh giá và phản hồi liên tục, sử dụng AI để thu thập ý kiến phản hồi từ học sinh, nhận diện những điểm cần cải thiện và đưa ra các giải pháp phù hợp, sử dụng các khảo sát trực tuyến và phần mềm phân tích dữ liệu...
Hội thảo là dịp để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm khai thác AI trong cá nhân hóa tư vấn hướng nghiệp, tự động sàng lọc hồ sơ, tiếp cận đúng đối tượng người học; các chiến lược và công cụ ứng dụng AI từ khâu tiếp cận thí sinh tiềm năng đến đánh giá hồ sơ đầu vào và dự đoán hành vi người học…