Là một trong những trường đông học sinh nhất ở huyện Như Xuân, nhưng cả hiệu trưởng, các hiệu phó và 24 giáo viên trường Mầm non Thượng Ninh (xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) đều không được biên chế. Đây cũng là trường duy nhất ở Thanh Hóa 100% giáo viên không được biên chế. Thực tế này khiến các thầy cô giáo ở đây chỉ có mức thu nhập bằng 1/10 các giáo viên mầm non trong diện biên chế của huyện bởi Như Xuân là huyện miền núi thuộc diện 30A, nhưng giáo viên ngoài biên chế không được hưởng chế độ này.
Cùng là giáo viên mầm non, nhưng trong diện biên chế, các thầy, cô ở huyện Như Xuân có mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng, giáo viên quản lý được hưởng trên 7 triệu đồng/tháng. Trong khi các thầy cô giáo ở Trường Mầm non Thượng Ninh, chỉ được 550.000 đồng/người/tháng, nhiều cô giáo chỉ được trợ cấp 200.000 đồng/tháng. Đến trường vào những tháng mùa mưa mới thấy hết những khó khăn cực nhọc của các cô. Cô Mai Thị Huyền - giáo viên nhà trường cho biết: “Hàng ngày, từ 5 giờ sáng tôi phải vượt quãng đường hơn 10 km từ thị trấn Yên Cát lên trường Thượng Ninh, nhưng mức thu nhập trên 200.000 đồng/tháng, không đủ tiền xăng xe”.
Với những cô giáo dạy ở các điểm lẻ như thôn Đồng Ngán, Đồng Hả, Khe Khoai... việc đi lại cũng rất vất vả. Cách trường đến 5 - 6 km, lại phải qua nhiều dốc cao, khe sâu, những hôm trời mưa, đường trơn vẫn phải đến lớp. Cảnh nước ngập bánh, xe chết máy, phải dắt bộ 2 - 3 km đến lớp là chuyện như cơm bữa. Ở lớp, phải đến gần 1 giờ trưa các cô mới được ăn, sau khi cho các cháu ăn trưa, đánh răng, rửa mặt, dọn dẹp rồi lo cho các cháu ngủ. Làm việc quá mệt mỏi, nhiều khi các cô cũng chẳng thiết ăn uống gì nữa. Không chỉ vậy, ở các điểm lẻ, nhiều cháu nhà có hoàn cảnh khó khăn không đến lớp được, các cô lại phải đến từng nhà vận động phụ huynh và các cháu đến lớp. Cũng đã có trường hợp do hoàn cảnh quá khó khăn đã phải xin nghỉ như trường hợp cô Hoàng Thị Thương - giáo viên nhà trường.
Cô Lê Thị Huyền - Hiệu trưởng nhà trường làm việc ở đây này từ năm 1995 đến nay cũng vẫn chưa được vào biên chế, mặc dù cô đã có bằng cao đẳng và đã học lớp quản lý nhà nước. Cô Lô Thị Ngoãn - Hiệu phó, làm ở trường từ năm 1988 cũng trong tình cảnh tương tự. Cô Huyền tâm sự: “Nhiều khi nghĩ thấy chạnh lòng lắm, là hiệu trưởng, nhưng thu nhập cũng chỉ được hơn 550.000 đồng/tháng, bằng 1/10 giáo viên mầm non khác trong diện biên chế trong cùng huyện. Nhiều lúc tôi muốn nghỉ dạy để ở nhà bán hàng cùng gia đình”.
Cô Huyền cũng cho biết thêm, từ năm 2008 - 2009, trường có thêm khoản thu chế độ dân nuôi (mỗi hộ đóng góp 5.000 đồng/tháng), các thầy cô nhà trường được trợ cấp thêm 100.000đồng/người/tháng, nhưng từ cuối năm 2009 khoản trợ cấp này đã bị cắt. Để khắc phục khó khăn, hiện nay các các cô giáo phải thay nhau trực vào buổi trưa để tranh thủ thời gian này, đi làm thêm như chặt mía, sáo cỏ, đi cấy..., nhằm có thêm chút thu nhập cải thiện cuộc sống. Ban giám hiệu nhà trường cũng phải tranh thủ họp ngoài giờ để tiết kiệm thời gian, để chị em có thêm thời gian đi làm thêm.
Dẫu khó khăn là vậy, nhưng các cô tâm sự cứ nghĩ các cháu trong độ tuổi đến trường, mà không có người dạy dỗ thì tình thương lại trỗi dậy và các cô trong trường lại động viên nhau tiếp tục đến trường với hy vọng một ngày nào đó tỉnh Thanh Hóa sẽ áp dụng đề án "Chuyển đổi mô hình trường mầm non bán công sang công lập, dân lập, tư thục". Theo đó, những huyện thuộc diện 30a, 135, vùng bãi ngang, vùng đặc biệt khó khăn..., giáo viên mầm non ngoài biên chế sẽ được tuyển dụng vào biên chế và được hưởng lương theo ngân sách nhà nước.
Khi được hỏi tại sao các giáo viên ở trường Mầm non Thượng Ninh không được xét tuyển vào biên chế, bà Cao Thị Thái - Trưởng phòng mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Nguyên nhân của việc không xét biên chế là do từ năm 2007, tỉnh Thanh Hóa có quyết định không tuyển biên chế với giáo viên bậc mầm non, thành thử các cô giáo ở đây bị nhiều thiệt thòi. Hy vọng sắp tới đây tỉnh Thanh Hóa sẽ cho áp dụng đề án chuyển đổi mô hình trường mầm non bán công sang công lập, dân lập, tư thục thì các giáo viên ở đây sẽ được xét vào biên chế bởi Như Xuân là huyện thuộc diện 30A. Trước mắt, những giáo viên dạy các cháu từ 3 - 4 tuổi ở các điểm trường lẻ dạy một buổi/ngày, thay vì hai buổi như trước đây để tạo điều kiện cho các cô có thêm thời gian làm thêm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, chứ với mức lương như hiện nay thì không đủ sống.
Trịnh Duy Hưng