Động thái này có thể làm dấy lên cuộc tranh luận căng thẳng khi EU chuẩn bị gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga vào tuần tới.
Hungary vẫn chưa quyết định liệu có ủng hộ việc gia hạn lệnh trừng phạt, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng này hay không. Theo quy định, EU phải đạt được sự đồng thuận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên để gia hạn lệnh trừng phạt, vốn được tái xem xét mỗi 6 tháng.
Thủ tướng Orban, người duy trì mối quan hệ kinh tế và chính trị gần gũi với Moskva hơn so với các quốc gia EU khác, tiếp tục chỉ trích các lệnh trừng phạt vào ngày 24/1. Ông cho rằng những biện pháp này đã gây thiệt hại tài chính lên tới 19 tỷ euro (khoảng 19,9 tỷ USD) cho Hungary, dù không giải thích cách tính toán con số này.
Ông Orban phát biểu trên đài phát thanh nhà nước: "Hiện nay, vấn đề gia hạn lệnh trừng phạt đang được đặt lên bàn. Tôi đã yêu cầu các lãnh đạo EU hiểu rằng điều này không thể tiếp tục”.
Ông cho rằng không thể chấp nhận việc Hungary phải trả giá để giúp Ukraine nhưng Kiev lại gây khó khăn, ám chỉ việc Ukraine từ ngày 1/1/2025 đã dừng trung chuyển dòng chảy khí đốt của Nga qua đường ống Druzhba tới châu Âu.
Thủ tướng Hungary cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi yêu cầu EU thuyết phục Ukraine nối lại việc trung chuyển khí đốt, đồng thời yêu cầu các đảm bảo rằng Ukraine sẽ không ngừng nhập khẩu dầu thô từ Nga”.
Ngoại trưởng các nước EU sẽ họp vào ngày 27/1 tới để quyết định về việc gia hạn lệnh trừng phạt. Ngoại trưởng Hungary cũng đã dự báo sẽ có một cuộc tranh luận lớn, đồng thời cho biết Hungary sẽ tham vấn các đối tác Mỹ trong những ngày tới.
Tháng 12/2023, Hungary từng trì hoãn việc thông qua gói viện trợ của EU dành cho Ukraine trong nhiều tuần.
Dù các quốc gia Tây Âu đã đạt được tiến bộ trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, Hungary, một quốc gia không giáp biển, vẫn nhập khẩu khoảng 80% khí đốt và phần lớn dầu thô từ Nga. Khí đốt của Nga tới Hungary được vận chuyển qua đường ống Turkstream qua Serbia, và Hungary không nhập khẩu khí đốt qua Ukraine trong năm ngoái.
EU hiện đang đình chỉ hàng tỷ euro tiền tài trợ cho Hungary, với lý do chính phủ của ông Orban làm tổn hại đến các nguyên tắc dân chủ và cơ chế kiểm soát quyền lực.
Cuộc tranh cãi về khí đốt và lệnh trừng phạt cho thấy những bất đồng ngày càng lớn giữa Hungary và các quốc gia EU khác, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn và các biện pháp trừng phạt tiếp tục gây chia rẽ trong khối.