Tấm lòng người thầy mê làm thiện nguyện

Gần 20 năm công tác ở trường THPT Trần Trường Sinh (xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), thầy giáo Nguyễn Văn Hận (sinh năm 1982) đã trở thành cầu nối của các nhà hảo tâm với những hoàn cảnh khó khăn ở các xã trên địa bàn huyện.

Chú thích ảnh
Thầy Nguyễn Văn Hận ân cần hướng dẫn học sinh làm bài tập toán. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Những năm qua, dấu chân của thầy in đến những xóm, ấp, giúp đỡ nhiều  học sinh và người nghèo, góp sức vào việc hỗ trợ làm đường, xây cầu. Từ năm 2020 đến nay, Thầy giáo Nguyễn Văn Hận đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tặng nhiều Bằng khen vì đã tích cực vận động vật chất cho công tác an sinh xã hội...

Tâm huyết với học trò nghèo

Trong căn nhà tình thương đơn sơ ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, bóng đèn nơi bàn học em Võ Văn Hận– học sinh lớp 6/4 trường THCS Trần Thị Tiết  không còn cháy sáng, thầy Nguyễn Văn Hận tự tay lắp ngay bóng đèn mới tinh như một lời động viên cậu học trò nhỏ không được bỏ cuộc trong hành trình tìm kiếm tri thức.

Thầy Nguyễn Văn Hận cho biết, em Võ Văn Hận sinh ra trong gia đình kém may mắn. Người cha đã mất hơn 10 năm, sức khỏe người mẹ cũng kém. Cuộc sống hai mẹ con phụ thuộc vào công việc tạp vụ ở trường Tiểu học Giao Thạnh. Để giúp cậu học trò tiếp bước đến trường, thầy Hận cùng nhóm "Thiện nguyện miệt cồn" luôn hỗ trợ các suất quà định kỳ, đồng thời tranh thủ các nguồn vận động để hỗ trợ lâu dài.

Một trường hợp học sinh hoàn cảnh khó khăn khác được sự giúp đỡ của thầy Nguyễn Văn Hận là em Nguyễn Đăng Khoa học lớp 12a1 trường THPT Trần Trường Sinh. Mẹ bỏ đi từ nhỏ, cha lập gia đình mới, Nguyễn Đăng Khoa sống cùng ông bà nội. Để mưu sinh, ông nội của Khoa phải làm thuê giữ vuông tôm khi đã ngoài 60 tuổi. Thấu hiểu hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Khoa, thầy Hận cùng nhóm thiện nguyện không chỉ hỗ trợ những khoản tiền khi cần trang trải mà còn trở thành “cầu nối” giới thiệu để em nhận được học bổng “Thắp sáng niềm tin”.

Được sự quan tâm của thầy Hận và giáo viên trong nhà trường, em đã nhận được hơn 42 triệu đồng. Số tiền này em gửi ngân hàng để trang trải khi em bước vào giảng đường Đại học. Em quyết tâm cố gắng học thật giỏi, nỗ lực thi đậu vào ngành nghề mà mình yêu thích và trở thành người có ích cho xã hội để không phụ lòng những nhà hảo tâm đã giúp đỡ mình- Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ.

Chia sẻ giúp đỡ về việc giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn, thầy Nguyễn Văn Hận cho hay: Năm 2004, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm toán, Trường Đại học Cần Thơ, thầy về giảng dạy tại Trường THPT Trần Trường Sinh. Sinh ra tại vùng đất miệt cồn huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre- vùng đất đầy nắng gió, bản thân nếm trải muôn vàn khó khăn ngay từ nhỏ nên khi có công việc ổn định, thầy luôn ấp ủ mong muốn giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, đau đáu chuyện các em học sinh phải nghỉ học giữa chừng do hoàn cảnh nghèo khổ. Mỗi lần nghe tin có học sinh nghỉ học do không có tiền để đóng tiền học, thầy lại nhói lòng như nhìn thấy chính mình của hơn 20 năm về trước.

Cơ duyên gắn bó của thầy giáo trường làng với việc thiện nguyện cũng rất bất ngờ. Năm 2017, gần 100 cựu học sinh Trường THPT Trần Trường Sinh tổ chức buổi gặp mặt. Sau đó, các cựu học sinh bàn nhau đưa thầy Hận một số tiền để tìm học sinh nghèo mua quần áo, sách vở giúp các em tới lớp. "Từ đó, nhiều cựu học sinh, bạn bè mỗi người góp một ít để lo cho học sinh nghèo tại địa phương và tôi tham gia làm thiện nguyện cho tới nay”- thầy Nguyễn Văn Hận cho hay và kể, trên tinh thần tự nguyện, thầy lập nhóm “Thiện nguyện Miệt cồn”, thu hút 30 thành viên chủ chốt, từ cán bộ địa phương, giáo viên về hưu, bác sĩ, cựu học sinh, giám đốc doanh nghiệp...  Đây trở thành địa chỉ kết nối những tấm lòng thơm thảo của các nhà hảo tâm để hỗ trợ, giúp đỡ phần nào đến những người có hoàn cảnh khó khăn.  

Những trường hợp khó khăn, cần giúp đỡ đều được thầy Hận ghi chép thông tin đầy đủ, xác minh thông qua chính quyền địa phương và những người dân sống ở khu vực xung quanh nhằm đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng.

Để có kinh phí, nhóm “Thiện nguyện Miệt cồn” viết bài chia sẻ thông tin, địa chỉ cần sự giúp đỡ lên mạng xã hội để kêu gọi sự chung tay ủng hộ của cộng đồng, các nhà hảo tâm. Khi đủ số tiền sẽ ngưng kêu gọi và công khai số tiền từng cá nhân hỗ trợ để mọi người biết. Bằng cách làm này, nhiều hoàn cảnh khó khăn khác được kết nối để nhà hảo tâm giúp đỡ. Ban đầu, nhóm chủ yếu lo cho học sinh nghèo để các em có điều kiện tới lớp, tuy nhiên, nhận thấy trên địa bàn còn nhiều trường hợp người già neo đơn cuộc sống khó khăn, trường hợp bệnh tật túng thiếu, người nghèo qua đời không có tiền lo ma chay nên nhóm cũng vận động để giúp đỡ.

Vun đắp xây dựng quê hương

Chú thích ảnh
Thầy giáo Nguyễn Văn Hận (áo trắng) trên công trường cầu nông thôn ở ấp Thạnh Lại, xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Từ chỗ vận động giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, thầy Nguyễn Văn Hận còn vận động thực hiện các công trình giao thông nông thôn, góp phần giúp địa phương xóa cầu tre, đường đất lầy lội,... xây dựng nông thôn mới.

Bà con Tổ nhân dân tự quản số 6, ấp Đại Thôn, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú vui mừng khi con lộ dài hơn 500m vừa được bê tông rộng 1,7m. Bí thư chi bộ ấp Đại Thôn, ông Nguyễn Văn Kháng cho biết, “đây là con đường mà thầy Nguyễn Văn Hận đã đứng ra vận động cùng góp công sức mở đường. Chỉ hơn 4 tháng trước, con đường này là đường mòn nhỏ hẹp, ngày nắng đi lại bằng xe máy đã khó, ngày mưa thì lầy lội nên chỉ đi bộ. Gần chục hộ dân sống ở đây không khỏi e ngại khi hàng ngày phải đi trên con đường này mỗi khi mùa mưa đến.

Ông Kháng nói thêm, tổng chi phí hơn 200 triệu đồng là quá sức đối với người dân, cho nên được sự hỗ trợ 130 bao xi măng cùng với các vật liệu khác và 20 ngày công chính là điều kiện để người dân đối ứng làm nên con lộ khang trang như bây giờ. Theo ông Kháng, tính từ 2021 đến nay, thầy Hận đã vận động cho ấp hoàn thành 18 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 5 km. Qua đó, giúp người dân lưu thông, trao đổi hàng hóa thuận tiện hơn; trẻ em đến trường dễ dàng hơn.

Trong cơn mưa lất phất buổi chiều giữa tháng 11, thầy Hận có mặt trên công trường xây cầu nông thôn ở ấp Thạnh Lại, xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú. Bắt gặp thầy Hận, ông Nguyễn Văn Tới, ấp Thạnh Lại, xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú giãi bày, mơ ước có cây cầu bê tông kết nối giao thông nối liền đôi bờ thay cho cầu tre đã tồn tại nhiều năm trời, sắp thành hiện thực.

Ông Tới cho biết, bên kia bờ sông có gần 20 hộ dân sinh sống, chưa kể nhiều hộ canh tác nông nghiệp. Riêng ông đang nuôi tôm trên diện tích gần 1 ha. Trước nay khi vận chuyển tôm giống, thức ăn và tôm thịt phải đi đường vòng, cách đây khoảng 1,5km. Được cây cầu, người dân mừng lắm. Dự kiến trong thời gian tới, người dân sẽ họp bàn hiến đất, mở đường tương xứng với cây cầu.

Lắng nghe chia sẻ của người dân, thầy Nguyễn Văn Hận cười hiền nói, ngoài công việc chuyên môn, niềm vui của thầy là ở các hoạt động thiện nguyện. Chính việc làm từ thiện cũng là một cách đưa các em học sinh tiếp sức giấc mơ đi tìm con chữ, là cách trả ơn với đời, với những người đã từng giúp đỡ mình lúc khốn khó, cơ hàn, cũng là cách để vun đắp xây dựng quê hương.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre Võ Văn Thanh nhận xét, là một giáo viên nhưng thầy Nguyễn Văn Hận rất năng nổ, nhiệt tình trong việc làm từ thiện. Thầy Hận cùng nhóm thiện nguyện rất tích cực hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nghèo, người nghèo, nhờ vậy, nhiều học sinh nghèo ở địa phương có điều kiện tới lớp, không bỏ dở việc học giữa chừng, nhiều trường hợp khó khăn được giúp đỡ kịp thời.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thạnh Phú cho biết, chỉ riêng năm 2023, thầy Nguyễn Văn Hận và nhóm thiện nguyện đã hỗ trợ xây dựng 27 tuyến lộ, 16 cầu giao thông nông thôn, đặc biệt là kịp thời giúp cho những trường hợp đặc biệt khó khăn, tai họa đột xuất giá trị hơn 1,7 tỷ đồng. Trong tháng cao điểm "Vì người nghèo" huyện Thạnh Phú, nhóm thiện nguyễn của thầy Hận cũng đã đăng ký vận động 200 triệu đồng để thực hiện các chương trình an sinh xã hội trong năm 2024.

"Cái hay của nhóm khi thực hiện các công trình cầu, đường là thay vì “hỗ trợ trọn gói”, nhóm chỉ vận động hỗ trợ một nửa, phần còn người dân phải đóng góp, từ đó sẽ khuyến khích tinh thần tham gia tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn và tạo trách nhiệm của người thụ hưởng",  ông Võ Văn Thanh nói.

Chương Đài (TTXVN)
Nữ cán bộ xã chăm làm thiện nguyện, nỗ lực bảo vệ môi trường
Nữ cán bộ xã chăm làm thiện nguyện, nỗ lực bảo vệ môi trường

Gần 10 năm gắn bó với công tác Hội, chị Phạm Thị Ly Na, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP Hà Nội luôn thể hiện sự nhiệt huyết, sáng tạo trong công việc, được cán bộ, hội viên yêu mến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN