Giáo viên mắc bệnh “thích hành hạ người khác”
Trong thời gian gần đây, nạn bạo hành trẻ mầm non là một vấn đề vô cùng bức xúc của xã hội. Chỉ trong năm 2017, tại TP Hồ Chí Minh đã có ít nhất 3 vụ bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non làm ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ nhỏ.
Theo lý giải ban đầu, nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo hành trẻ em là do việc cấp phép cho các trường mầm non dễ dàng nhưng thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng, trong khi giáo viên mầm non lại thiếu. Bên cạnh đó, việc tuyển giáo viên mới càng trở nên khó khăn hơn do thu nhập thấp nhưng điều kiện làm việc nhiều áp lực, buộc các cơ sở tuyển bảo mẫu “tay ngang”.
Giờ ăn là giờ “kinh hoàng” nhất của trẻ và cũng là giờ khiến giáo viên chịu nhiều áp lực nhất. ẢNh:N. T |
Tuy nhiên, cô Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao, Trưởng khoa Giáo dục mầm non Trường Đại học Sài Gòn, cho rằng nguyên nhân cơ bản nằm ngay trong chính con người, đó là vấn đề tâm lý. Theo đó, công việc của một giáo viên mầm non chịu khá nhiều áp lực khi 5 giờ sáng giáo viên đã phải đến trường, làm việc với hàng chục trẻ rồi tới 5 - 6 giờ chiều mới về. Khi về nhà còn chuyện gia đình, con cái. Trong khi lương mầm non không cao, nếu để tình trạng này diễn ra lâu thì rất dễ dẫn đến stress.
“Nhiều cô mắc bệnh tâm lý "thích hành hạ người khác", mà người bị hành hạ chính là người thân của họ. Chúng ta chỉ mới quan tâm đến lương của giáo viên mà chưa quan tâm đến hoạt động tinh thần của họ”, cô Quỳnh Giao chia sẻ.
Bên cạnh đó, thạc sĩ Phan Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường mầm non Tesla, cũng cho biết giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực: áp lực từ nhà trường chạy theo thành tích, áp lực từ phụ huynh đòi hỏi con phải tăng cân, “phụ huynh thường hỏi “con tôi có ăn được không?”… Điều đó buộc cô giáo có những hành vi bạo hành trẻ.
Theo thống kê của các chuyên gia, giờ ăn là giờ kinh hoàng nhất của trẻ. Tiếp đến là giờ học và cuối cùng là giờ chơi. Đây là ba khung giờ cô giáo mầm non cũng phải chịu áp lực nhiều nhất.
“Nhiều trường công lập cũng chỉ yêu cầu đến đúng giờ chứ có rất ít hoạt động xả stress. Theo tôi, điều các nhà quản lý quan tâm là sức khỏe tinh thần của giáo viên mầm non chứ không chỉ là vấn đề lương, thưởng”, cô Quỳnh Giao bày tỏ.
Bạo hành thường xảy ra ở nhóm trẻ tư thục?
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, hệ thống các trường công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu chỗ gửi trẻ nên nên nhiều cha mẹ gửi vào trường tư thục. Điều đáng lo ngại là nhiều cha mẹ gửi con nhưng lại ít quan tâm, thậm chí không tìm hiểu cô giáo dạy gì, tiêu chuẩn và phẩm chất của giáo viên có đáp ứng dạy con mình hay không.
Tuy nhiên, theo quan sát cho thấy, nạn bạo hành thường xảy ra ở những nhóm trẻ và trường mầm non ngoài công lập, những người trực tiếp bạo hành trẻ thường chưa có bằng cấp giáo viên mầm non.
Nhận định về vấn đề trên, thạc sĩ Phan Thị Thu Hà nói: "Đối với cơ sở công lập hay tư thục thì cũng cần xem trọng yếu tố con người. Theo đó, các cơ sở cần lựa chọn và tuyển dụng đối với các giáo viên được đào tạo chuyên môn, có phẩm chất tốt, năng lực giáo dục trẻ”.
Cô Thu Hà cũng cho biết thêm, một số trường tuyển cô giáo không có bằng cấp, có nơi thậm chí còn thuê mướn người có trình độ thấp để trả lương thấp. Kể cả sinh viên mới ra trường, dù có nền tảng nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế cũng dễ dẫn đến hành vi bạo hành trẻ. “Bất cứ một ngôi trường, trung tâm nào có giấy phép thì nên hỗ trợ cho các em mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm, cọ xát thực tế để kiểm soát được mình, bởi tuổi trẻ mầm non là tinh nghịch và khám phá, nhưng tất cả đều có phương pháp dạy dỗ”, cô Hà chia sẻ.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Như Ngọc, từng là giáo viên mầm non, cho rằng dạy trẻ có tốt hay không tất đều do con người, do giáo viên. Qua những vụ bạo hành thời gian qua, chị Nguyễn Như Ngọc cũng nhắn nhủ đến các cô giáo dạy trẻ sau này, nếu như tìm kiếm một công việc để kiếm tiền thì nên tìm một công việc khác.
Trưởng khoa Giáo dục mầm non Trường đại học Sài Gòn cho biết, qua phân tích những nguyên nhân của nạn bạo hành trẻ mầm non, một trong những nguyên nhân cơ bản là người chăm sóc và giáo dục trẻ thiếu kỹ năng nghề và suy thoái đạo đức.
Cô Quỳnh Giao cho hay, với mong muốn tạo sức “đề kháng” cho giáo viên mầm non với bạo hành học đường, các trường có đào tạo giáo viên mầm non bên cạnh việc cung cấp kiến thức cần nâng cao nhận thức của sinh viên về đặc điểm nghề, từ đó hình thành thái độ đúng đắn về nghề, về đạo đức nghề góp phần hình thành hành vi chuẩn mực và khả năng tự rèn luyện, tự giáo dục cho sinh viên.
Hiệu trưởng trường mầm non Téla cũng chia sẻ: “Khi chúng ta chọn bất kỳ nghề nào cũng cần có cái tâm, có trái tim để định hướng nghề nghiệp, nhất là nghề nuôi dạy trẻ mầm non. Tuyệt đối nói không với hành vi bạo hành”.
Để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ tại các trường học, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải giám sát nghiêm ngặt, làm sao để một hành vi tiêu cực nào vừa chớm xuất hiện, lập tức được ngăn chặn và giải quyết ngay. Tuyệt đối không bao biện, tạo điều kiện cho những hành vi này tiếp diễn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc. Bên cạnh đó cần phải có sự giám sát của cộng đồng.