Trẻ bị bạo hành sẽ để lại những cú sốc tâm lí ảnh hưởng nặng nề về sau

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 3.000 đến 4.000 vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại các trường mầm non nói riêng và xã hội nói chung. Một trẻ em đã từng bị bạo hành thường bị ảnh hưởng tâm lý và sự phát triển thể chất.

Trao đổi tại buổi toạ đàm “Bạo hành trẻ mầm non Vì đâu nên nỗi!” do báo Tiền Phong và trường ĐH Sài Gòn tổ chức ngày 1/12 sau khi liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cũng cho biết hàng ngày đường dây nóng của Chi hội cũng nhận rất nhiều vụ tố cáo liên quan đến bạo hành, xâm phạm trẻ em.

Trẻ bị bạo hành trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách.

Bà Nguyễn Thị Hương Trung, Giám đốc điều hành Hệ thống giáo dục TESLA, cho biết: "Đối với nhiều phụ huynh, kể cả thầy cô, nhiều khị chúng ta cũng đang “bạo hành” trẻ tuân theo kỷ luật trong gia đình, trong trường lớp hằng ngày mà mình không biết. Bạo hành đó xảy ra từ gia đình đến giáo dục hàng ngày; từ gia đình nhỏ đến lớn, từ gia đình có điều kiều kiện đến gia đình không có điều kiện".


Trẻ bị bạo hành để lại nhiều di chứng nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần và những di chứng này có thể theo trẻ đến suốt đời. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho hay: “Vụ bạo hành ở quận 12 vừa qua, chúng tôi xuống và trực tiếp đưa các cháu tới bệnh viện Nhi Đồng 2 khám. Qua tiếp xúc các cháu có dấu hiệu hoảng sợ, ám ảnh”.


Theo bà Nguyễn Thị Hương Trung, trẻ bị bạo hành thường có biểu hiện như hèn nhát, dễ phục tùng vô điều kiện; có trẻ bị bạo lực thời gian dài còn sử dụng bạo lực với người khác. Nếu kéo dài thì có trẻ chán học, chán đến trường. Theo một khảo sát của gần đây với 200 trẻ, khi hỏi "có sợ cô giáo không", thì có 48% trẻ trả lời "có".


Trong khi đó, TS.Quỳnh Giao, Trưởng khoa Giáo dục mầm non Trường đại học Sài Gòn, cho rằng: “Xét về góc độ tâm lí, có thể ngay bây giờ chúng ta vẫn chưa nhìn thấy được, mà hậu quả có thể diễn ra trong thời gian dài sau khi trẻ trưởng thành”.


Theo đó, trẻ bị bạo hành trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, hành vi, trẻ dễ mang tính cách hung hăng, không biết chia sẻ, đồng cảm trong cuộc sống. Trẻ cũng sẽ rơi vào stress, ám ảnh, về sức khỏe dễ gặp những bệnh về tâm lí thần kinh, thậm chí là động kinh.


"Chẳng hạn như một đứa trẻ từng bị bạo hành ở cha, chứng kiến tận mắt cha bạo hành mẹ, khi con trai lớn lên, xảy ra một xung đột với cha thì đứa trẻ này sẽ bạo hành lại cha mình. Xét về góc độ tâm lí, việc trẻ chứng kiến bạo hành sẽ bị kích động tâm lí, để lại trong trẻ những thù hận, căm giận, khi trẻ đủ sức phản kháng, trẻ sẽ vùng dậy, bản năng phòng vệ của con người dâng cao, thì sẽ không còn quan tâm đến đạo lí, quy tắc. Việc trẻ bị bạo hành trong thời gian dài sẽ để lại những cú sốc tâm lí ảnh hưởng nặng nề về sau", TS. Quỳnh Giao cho biết.


Cũng theo TS. Quỳnh Giao, để nhận biết trẻ bị bạo hành, phụ huynh xem các dấu vết bên ngoài, trầy xước do bên ngoài khác trầy xước do có lực tác động; hay trẻ sợ đi học, khóc nửa đêm... Bên cạnh đó, phụ huynh muốn phát hiện thì lắng nghe và biết cách khai thác từ con.


Đan Phương/Báo Tin tức
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Xử lý nghiêm các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Xử lý nghiêm các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em

Ngày 30/11, Văn phòng Chính phủ phát thông báo chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ về việc khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các vụ bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN