Quảng Ngãi: Nhiều bấp cập trong luân chuyển giáo viên

Tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, nhiều đại biểu đã bày tỏ bức xúc trước những bất cập trong công tác thuyên chuyển giáo viên của tỉnh.

Một buổi đến lớp của cô trò Trường Tiểu học Trà Phong, huyện Tây Trà. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Ngày 5/12/2013, UBND tỉnh Quảng Ngãi có Quyết định số 53/QĐ-UBND về thuyên chuyển công chức, viên chức đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập, Phòng giáo dục và đào tạo tại miền núi, hải đảo về đồng bằng, thành phố trên địa bản tỉnh.

Quyết định này nêu rõ, công chức, viên chức công tác tại miền núi, hải đảo có thời gian công tác từ 3 năm học trở lên đối với nữ, 5 năm học trở lên đối với nam (tính từ năm được tuyển dụng hoặc điều động, thuyên chuyển từ nơi khác về) sẽ đủ điều kiện xem xét thuyên chuyển… Tuy nhiên, trong quá trình thực quy định hiện đã nảy sinh nhiều vướng mắc.

Ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị, tỉnh cần nghiên cứu kỹ về vấn đề này, bởi thực tế cho thấy, nhiều giáo viên đã cống hiến đến 20 năm tại các điểm trường xa xôi của huyện miền núi nhưng vẫn chưa được thuyên chuyển về xuôi.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Anh Ngọc cho hay, mỗi năm ngành Giáo dục - Đào tạo huyện phải thuyên chuyển khoảng 70-80 giáo viên về đồng bằng, tuy nhiên chỉ có khoảng 20 trường hợp được nhận.

Khi thuyên chuyển, huyện cũng không nắm rõ được danh sách người nào được, người nào không được, điều đó ít nhiều ảnh hưởng tới quyền lợi của giáo viên. Ngoài ra, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện không được tuyển dụng bổ sung giáo viên nên dẫn đến tình trạng “khuyết” người đứng lớp giảng dạy.

Ông Nguyễn Tăng Bính - Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi nêu ý kiến chỉ nên thuyên chuyển theo cụm, vừa thuyên chuyển vừa đầu tư cơ sở vật chất cho các trường vùng ven mới đáp ứng yêu cầu đề ra...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi Đỗ Văn Phu lý giải: Trước đây, Sở tham mưu UBND tỉnh có cơ chế đãi ngộ cho giáo viên thuyên chuyển nhưng do thiếu kinh phí (đội ngũ giáo viên quá lớn), vì vậy mới có tình trạng chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng, chứ không có trường hợp ngược lại.


Theo số liệu thống kê, năm học 2017-2018, trên địa bàn có 120 trường hợp đủ điều kiện thuyên chuyển. Tuy nhiên, đến nay, vẫn “tồn đọng” hồ sơ do chưa giải quyết ngay được các trường hợp trên. Sở sẽ đưa ra phương án xét hồ sơ theo thứ tự ưu tiên, kết hợp tuyển mới giáo viên bổ sung, tránh tình trạng chỗ thừa chỗ thiếu.

“Các huyện cần công khai chỉ tiêu tuyển mới đối với từng bộ môn, nhu cầu luân chuyển của giáo viên trước một tháng khi bước vào năm học mới. Có như vậy mới tạo sự công bằng, tránh tiêu cực”, ông Đỗ Văn Phu cho biết thêm.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, thời gian tới, ngành Giáo dục - Đào tạo tính đến phương án đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số đủ tiêu chuẩn để phục vụ tại chính nơi mình sinh sống. Đồng thời, chú trọng đến việc đãi ngộ giáo viên, cần đảm bảo tính công tâm, khách quan và hài hòa lợi ích theo từng khu vực cụ thể.

Vĩnh Trọng (TTXVN)
Bộ GD- ĐT yêu cầu Thanh Hóa dừng việc điều chuyển giáo viên xuống dạy mầm non
Bộ GD- ĐT yêu cầu Thanh Hóa dừng việc điều chuyển giáo viên xuống dạy mầm non

Trước những bức xúc trong dư luận về việc điều chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non mà chỉ đào tạo trong ít ngày, Bộ GD – ĐT đã yêu cầu tỉnh Thanh Hóa thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN