Tính đến năm 2020, trên địa bàn thành phố có 53/454 trường mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông được chọn triển khai thực hiện mô hình “Trường điển hình đổi mới”. Cụ thể, bậc mầm non, mẫu giáo có 22 trường; tiểu học 10 trường; trung học cơ sở 11 trường; trung học phổ thông 10 trường. Số lượng tuy chưa nhiều nhưng kết quả mà các trường đạt được thực sự thuyết phục, tạo động lực để thành phố thực hiện đại trà mô hình “Trường điển hình đổi mới” tại tất cả các trường.
Đổi mới phương pháp giảng dạy
Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết, mô hình “Trường điển hình đổi mới” trước hết phải kể đến đổi mới phương pháp giảng dạy. Theo đó, giáo viên biết cách hướng dẫn học sinh hoạt động: học cá nhân, học theo nhóm, đồng thời theo dõi, giám sát, đánh giá, hỗ trợ đến từng học sinh. Giáo viên biết tổ chức một môi trường tích cực, cởi mở để đảm bảo học sinh tự tìm tòi, suy nghĩ và chủ động nắm bắt kiến thức mới. Ngoài ra, giáo viên cũng phải tận dụng khả năng tổ chức các hoạt động để giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng vào cuộc sống…
Về phía học sinh, biết tự học cá nhân, làm việc trong nhóm theo tài liệu hướng dẫn học và hướng dẫn của thầy cô. Học sinh chủ động trong các hoạt động học, có nhiều ý kiến đề xuất với thầy cô giáo trong việc tìm tòi, lĩnh hội kiến thức, thay vì bị động như hình thức cũ.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thủy Nguyễn Kiều Phương cho biết, từ năm 2017, các trường tiểu học điển hình đổi mới thực hiện 2 tài liệu dạy học gồm: sách VNEN và sách giáo khoa hiện hành. Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực, tùy theo khả năng của từng em, giáo viên giao bài tập phát triển năng lực theo mức độ từ chuẩn kiến thức đến nâng cao, dạy học phương pháp bàn tay nặn bột, phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới...
Ở bậc phổ thông, các trường thực hiện mô hình “Trường điển hình đổi mới” tổ chức hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, năng lực, sở trường, sở thích của học sinh song song với đảm bảo giờ học chính thức: Vào bếp cùng bé, giao tiếp Tiếng Anh với giáo viên bản xứ, giáo dục văn hóa địa phương qua các lớp Nữ công gia chánh, làm các loại bánh dân gian đặc trưng miền Nam, phát triển năng lực toán học - tư duy logic thông qua các lớp Toán trí tuệ, STEM - Khoa học máy tính; STEM - Robotics; giáo dục kĩ năng sống... Đồng thời, học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm bên ngoài trường học như hoạt động về nguồn tại các địa điểm lịch sử, thăm và chăm sóc gia đình có công, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vui chơi hướng nghiệp tại các nông trại…
Bình Thủy hiện có 29/29 trường các cấp triển khai mô hình “Trường điển hình đổi mới”. Thông qua đổi mới phương pháp giảng dạy, kết quả cho thấy học sinh tự tin thể hiện bản lĩnh trong cuộc sống, rèn luyện kĩ năng sinh tồn, xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, tự phục vụ bữa ăn, chăm sóc bản thân mình, hiểu thêm về giá trị sống như biết trân trọng giá trị sức lao động và những may mắn của bản thân mình đang có từ gia đình, nhà trường mang lại. Từ đó biết yêu thương và có hành động trưởng thành, trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, đồng thời tự xác lập được mục tiêu cá nhân và cam kết nỗ lực với chính mình. Cùng với đó, giáo viên cũng ý thức rõ hơn vai trò hướng dẫn và định hướng của mình, không áp đặt. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thủy thường xuyên cử giáo viên tham dự các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ do Sở, quận tổ chức; đồng thời tiến hành dự giờ, đánh giá trình độ giáo viên…
Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh
Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực của người học là một trong những điểm nhấn của mô hình “Trường điển hình đổi mới”. Theo đó, tất cả các môn học đều được đánh giá bằng nhận xét thay vì chỉ đánh giá bằng nhận xét ở một số môn học như trước đây. Học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau và có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Các đánh giá của giáo viên phải thể hiện được tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh.
Bên cạnh đó, giáo viên đẩy mạnh việc đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá. Trong đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp; viết ngắn; thuyết trình; thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể. Kiểm tra, đánh giá định kỳ gồm: kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và kiểm tra, đánh giá cuối kỳ. Loại hình kiểm tra, đánh giá này cũng được đa dạng hóa thông qua bài kiểm tra (có thể thực hiện trên giấy, hoặc trên máy tính với thời gian từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa là 120 phút); bài thực hành; dự án học tập…
Ông Lê Thành Thái, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thốt Nốt chia sẻ, hiện quận có 5/46 trường được chọn triển khai mô hình “Trường điển hình đổi mới”, các đơn vị này đều được đánh giá cao về sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của giáo viên cũng như kết quả học tập, hạnh kiểm của học sinh. Việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh khiến người học có tâm thế tự tin hơn, nhìn rõ ưu/nhược điểm của bản thân trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt ở mỗi học sinh.
Tuy nhiên, theo ông Thái, việc đánh giá thông qua hình thức kiểm tra trên máy tính hiện không phải trường nào trên địa bàn cũng thực hiện được, do cơ sở vật chất của các trường không đồng đều. Do đó, trong thời gian tới, ngành giáo dục quận Thốt Nốt sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực xã hội, kết hợp cùng sự hỗ trợ từ đề án “Trường điển hình đổi mới” để nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục trong tình hình mới.
Đổi mới cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Trần Hồng Thắm cho biết, năm 2020, Ủy ban nhân dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã đầu tư xây dựng mới thêm phòng học, bổ sung các phòng chức năng như: Phòng vi tính, phòng thực hành Hóa học - Vật lý, nâng cấp sửa chữa toàn bộ cơ sở vật chất của hệ thống các trường học với kinh phí trên 15 tỷ đồng, góp phần đáp ứng các hoạt động giáo dục của nhà trường. Bên cạnh đó, các trường được chọn thực hiện mô hình “Trường điển hình đổi mới” còn chủ động vận động kinh phí, tận dụng cơ sở vật chất hiện có, bố trí thêm phòng “Tham vấn tâm lý học đường” để kịp thời nắm bắt và tư vấn tâm lý cho học sinh; bổ sung, trang trí các phòng chức năng; đầu tư thêm máy vi tính, thiết bị dạy học Âm nhạc, Giáo dục thể chất…
Theo báo cáo của 53/53 trường thực hiện mô hình “Trường điển hình đổi mới”, tất cả các đơn vị đều tổ chức tốt việc xây dựng không gian xanh và giữ gìn vệ sinh trường học. Nhà trường xây dựng kế hoạch cho học sinh tham gia hoạt động vệ sinh làm sạch, đẹp trường lớp. Đặc biệt, các trường đã và đang vận dụng triệt để, hiệu quả tính ưu việt của phương pháp giáo dục hành động một cách tích cực, chủ động, sáng tạo, góp phần hiệu quả vào việc cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt của giáo viên, học sinh; chất lượng cảnh quan, vệ sinh môi trường từng bước được nâng cao.
Huyện Phong Điền hiện có 4/36 trường thực hiện mô hình “Trường điển hình đổi mới”. Ông Nguyễn Văn Sang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, với sự hỗ trợ kinh phí từ dự án, cũng như các nguồn xã hội hóa khác từ địa phương và phụ huynh học sinh, 4 trường có sự thay đổi đáng kể về cơ sở vật chất, cảnh quan trường học. Trên cơ sở đó, chất lượng giáo dục cũng được nâng cao đáng kể. Đơn cử, tại Trường Trung học phổ thông Phan Văn Trị, từ năm 2017, nhà trường tập trung nâng cấp, xây dựng các phòng chức năng, hỗ trợ học sinh nghiên cứu khoa học. Liên tiếp từ năm 2018 đến nay, nhiều công trình nghiên cứu khoa học của học sinh tham gia và đạt giải cao trong các cuộc thi cấp thành phố và quốc gia, như: Mô hình “Xe lăn - giường nằm điều khiển bằng điện thoại thông minh, giọng nói và cử chỉ hỗ trợ người già, người bệnh, người khuyết tật”.
Sau 4 năm thực hiện mô hình “Trường điển hình đổi mới”, ngành giáo dục thành phố Cần Thơ đã thu được những “quả ngọt”: Học sinh của các trường điển hình đổi mới tham gia các kỳ thi, hội thi, cuộc thi ngày càng được nâng cao về chất lượng. Số lượng học sinh đạt giải tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố được giữ vững, chất lượng giải đạt được có xu hướng ngày càng tăng. Nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh đạt giải cao cấp quốc gia và quốc tế: 611 sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh; 18 giải quốc gia và quốc tế cuộc thi Wecode; 13 giải quốc gia và quốc tế cuộc thi Robothon…