Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên sách giáo khoa mới lớp 1 được đưa vào áp dụng, tỉnh đã tập trung nguồn lực để phục vụ tốt nhất cho chương trình đổi mới của khối lớp học đầu tiên.
Xây mới trường đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục
Theo đó, tỉnh Long An đặt mục tiêu đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, tỉnh đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp cho tất cả học sinh, nhất là những địa phương có khu, cụm công nghiệp, tập trung đông học sinh như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, thành phố Tân An, thị xã Kiến Tường.
Để hoàn thành các mục tiêu, năm học 2020 - 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Long An thực hiện đầy đủ công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; mua sắm bổ sung thiết bị cho các phòng chức năng, bàn ghế học sinh. Tổng kinh phí do Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư ước khoảng 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã xây bổ sung, xây mới và hoàn thiện đưa vào sử dụng các trường học mới kịp phục vụ chương trình đổi mới giáo dục.
Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên cơ sở mới khang trang của Trường Tiểu học thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức được đưa vào sử dụng sau gần 30 năm bao thế hệ học sinh của Trường phải học tại cơ sở cũ, thiếu thốn phòng học và trang thiết bị. Đây là nỗ lực kịp thời của ngành và địa phương giúp học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1 có điều kiện dễ dàng hơn trong học tập theo chương trình mới. Cơ sở mới Trường Tiểu học thị trấn Bến Lức có 30 phòng học, 14 phòng chức năng. Năm học 2020 - 2021, trường có tổng cộng 769 học sinh (tăng 20 học sinh so với năm học trước) được chia làm 21 lớp. Trong đó, mỗi khối 4 lớp, riêng khối lớp 1 có 5 lớp.
Do mới đưa vào sử dụng, trường còn thiếu bàn ghế cho một số phòng học và máy móc thiết bị cho các phòng chức năng. Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Bến Lức cho biết: Nhà trường ưu tiên các phòng học đầy đủ bàn ghế, cơ sở vật chất cho 5 lớp 1, đồng thời, chỉ cho 5 lớp 1 được bán trú, học hai buổi theo chương trình giáo dục mới do trường chưa có bếp ăn. Thời gian tới, trường kiến nghị cấp mỗi lớp 1 ti vi, bổ sung thêm giáo viên để giảm sĩ số mỗi lớp, tiến tới xây dựng trường lớp đạt chuẩn. Bên cạnh đó, trường xây dựng thêm nhà ăn để đáp ứng nhu cầu được học bán trú cho các khối lớp còn lại vì đa số học sinh là con công nhân, muốn được bán trú để an tâm làm việc.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa là điểm "nóng" về tăng số học sinh do đây là nơi tập trung rất đông khu cụm công nghiệp nên việc tăng dân số cơ học kéo theo tăng số học sinh mỗi năm trung bình từ 200 - 300 học sinh. Năm học 2020 - 2021, trường có 3.760 học sinh với 85 lớp trên 5 khối. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, năm học này, trường được đầu tư xây mới 18 phòng học. Trường dành trọn số phòng mới đồng thời bổ sung thêm 2 trong số dãy phòng học được xây từ năm 2018 để phục vụ cho 20 lớp 1, học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, trường bổ sung thêm các trang thiết bị cần thiết cho 20 phòng học này nhằm phục vụ cho chương trình lớp 1 mới.
Tuy nhiên, do lượng học sinh tăng nhiều qua mỗi năm, cùng với hướng tới áp dụng chương trình đổi mới giáo dục cấp Tiểu học, Trường gặp khó khăn trong thực hiện dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Hiện nhà trường có 66 phòng học, trong đó điểm chính có 46 phòng và điểm mượn của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đức Hòa có 20 phòng. Trường có 4 phòng chức năng gồm hai phòng Tin học và hai phòng tiếng Anh. Nhà trường thiếu 12 giáo viên đứng lớp, 4 giáo viên Tiếng Anh và các nhân viên Kế toán, Y tế, Thư viện, Thiết bị, Công nghệ thông tin...
Tập trung đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2025
Ông Lê Ngọc Khanh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Hòa cho biết: Đức Hòa là huyện tập trung rất đông khu cụm công nghiệp, việc quy hoạch trường lớp không theo kịp so với sự tăng cơ học số lượng học sinh hàng năm, dẫn đến quá tải nhiều nơi. Trong kế hoạch đầu tư công của huyện giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn từ tỉnh hỗ trợ đầu tư cho giáo dục khoảng 322 tỷ đồng, chưa kể vốn đối ứng của địa phương nhằm xây dựng thêm trường lớp, bổ sung phòng học, cơ sở vật chất cho giáo dục...
Theo đó, huyện Đức Hòa đã chuẩn bị nguồn vốn đầu tư cho giáo dục giai đoạn 2021 - 2025. Đây cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chỉ tiêu 60% trường chuẩn quốc gia. Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú đã nằm trong danh mục các công trình đầu tư đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Trường sẽ được xây mới bổ sung. Đồng thời, xã Đức Hòa Hạ sẽ xây mới thêm Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú 2 và Tiểu học Nguyễn Văn Phú 3, mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng số học sinh cơ học hàng năm. Theo dự toán ngân sách của huyện, tổng kinh phí đầu tư xây dựng bổ sung Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú là hơn 16 tỷ đồng, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú 2 và Tiểu học Nguyễn Văn Phú 3 dự kiến xây vào năm 2022 với tổng vốn gần 22 tỷ đồng/trường
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Long An, Sở đã xây dựng chương trình Hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông kết hợp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 nhằm cụ thể hóa các nội dung thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trong toàn tỉnh; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đảm bảo trường lớp cho học sinh ở địa bàn có khu, cụm công nghiệp... Bên cạnh đó, vốn đầu tư của chương trình sẽ được phân kỳ cụ thể theo từng năm trong giai đoạn 2021 - 2025, làm cơ sở cho việc phân bổ vốn đầu tư cho các chủ đầu tư theo từng năm, phù hợp với Luật Đầu tư công hiện hành.
Giai đoạn 2021 - 2025, Long An sẽ đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị dạy học... để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm giúp học sinh có đủ điều kiện học tập, tham gia các hoạt động trải nghiệm, tập trung phát triển năng lực của người học. Theo đó, tỉnh xây dựng bổ sung 944 phòng học gồm: Tiểu học 777 phòng, Trung học Cơ sở 151 phòng, Trung học Phổ thông 16 phòng.
Bên cạnh đó, Long An xây dựng bổ sung gần 1.700 phòng chức năng, phòng hành chính, phục vụ học tập; mua sắm hơn 25.000 bộ bàn ghế 2 chỗ ngồi, gần 800 bộ âm thanh di động dùng để dạy sinh hoạt ngoài giờ lên lớp. Đồng thời, tỉnh đầu tư mua sắm hàng trăm phòng máy vi tính, ti vi, máy chiếu, máy tính xách tay, thiết bị dạy thể dục và các môn lý, hóa, sinh... để phục vụ cho các cấp học.
Bà Phan Thị Dạ Thảo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Long An cho biết: Bên cạnh thuận lợi được xã hội quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành, địa phương vẫn còn một số khó khăn như: Quỹ đất dành cho giáo dục ngày càng ít, đắt đỏ nên cần phải đầu tư nguồn kinh phí lớn. Bên cạnh đó, đổi mới giáo dục phải gắn liền với phát triển công nghệ, chuyển đổi số, do đó cần phải có đội ngũ trình độ công nghệ thông tin tương ứng. Theo đó, ngành Giáo dục và Đào tạo thường xuyên sâu sát các địa phương, lên kế hoạch cụ thể tham mưu UBND tỉnh, thực hiện "cuốn chiếu" các nhu cầu trước mắt, từng bước đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục từng khối lớp và cấp học trong những năm học tới.