Giảm áp lực cho học sinh
Là thí sinh sẽ dự thi tốt nghiệp vào năm 2025, em Phạm Thị Đào (lớp 11C, Trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 3, huyện Nghi Lộc) bày tỏ ủng hộ phương án thi 4 môn bởi sẽ giảm áp lực cho học sinh. “Chúng em là khóa đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông mới. Với phương án này, em sẽ có thời gian để dành cho các môn học yêu thích và tập trung cho các môn có sử dụng điểm để xét tuyển Đại học”.
Cùng ý kiến trên, em Hoàng Thị Trà (lớp 11C, Trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 3) cho rằng, việc thi tốt nghiệp nên được thực hiện theo hướng nhẹ nhàng vì điểm thi chỉ chiếm 30% trọng số trong xét công nhận tốt nghiệp. Bên cạnh đó, ngoài môn để xét tốt nghiệp, thí sinh có thể còn phải thi thêm các môn để xét tuyển Đại học. Hiện, các trường đại học đều đa dạng hóa phương thức xét tuyển nên bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp, học sinh còn chịu áp lực của nhiều kỳ thi khác. Bởi vậy, việc giảm tải trong kỳ thi để xét tốt nghiệp có ý nghĩa rất lớn với học sinh.
Ủng hộ phương án thi 4 môn, thầy Trần Văn Trung, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Đô Lương 2, huyện Đô Lương cho biết: Việc tổ chức thi 4 môn sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng dạy học của nhà trường và phù hợp với định hướng nghề nghiệp hiện nay. Học sinh học theo chương trình mới đã được định hướng nghề nghiệp ngay từ khi đầu cấp và các em đã lựa chọn tổ hợp phù hợp với ngành nghề mình theo học. Các môn học còn lại, dù không thi nhưng các em vẫn học bình thường, vẫn có thể yêu thích. Quan trọng là người dạy phải biết tạo hứng thú cho học trò. Với Tiếng Anh, nếu học sinh nào có nhu cầu học đại học, du học hoặc đi làm với doanh nghiệp nước ngoài các em sẽ có ý thức với tương lai của chính mình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định phương án thi 4 môn có ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho học sinh khi các em giảm được hai môn so với số môn thi hiện nay, giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội khi số buổi thi còn 3 buổi, giảm một số buổi thi so với hiện nay. Lựa chọn này không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh; phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em; tạo điều kiện cho học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Nhược điểm của phương án này là có thể ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử, Ngoại ngữ. Hai môn này hiện nay đang là môn thi bắt buộc.
Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chốt môn thi, các nhà trường trên địa bàn Nghệ An đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập và định hướng thi cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tại Nghệ An, môn tiếng Anh từ môn học bắt buộc trở thành môn tự chọn được nhiều giáo viên và học sinh ủng hộ. Theo lý giải của nhiều giáo viên, lựa chọn này sẽ giảm bớt áp lực cho những học sinh có học lực yếu, đồng thời tạo ra sự công bằng giữa giáo dục miền núi và đồng bằng. Thực tế, hiện nay điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy tiếng Anh ở miền núi chưa đầy đủ như các huyện đồng bằng, trong khi đó các em vẫn phải thi một đề thi chung.
Cô Lê Thị Thanh Hương (giáo viên tiếng Anh, Trường Trung học Phổ thông Cửa Lò, thị xã Cửa Lò) phân tích: Ngoại ngữ từ môn học bắt buộc trở thành môn tự chọn không quá ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường hiện nay. Các em có học lực kém hơn sẽ cảm thấy bớt áp lực, các em lựa chọn ngoại ngữ để xét tuyển vào các trường Đại học hay học vì yêu thích môn học này vẫn sẽ theo đuổi và học tập nghiêm túc.
Đặc biệt là với những học sinh không lựa chọn tiếng Anh là môn bắt buộc, mỗi giáo viên phải thay đổi, đổi mới phương pháp dạy học để thu hút học sinh hơn, để tiếng Anh trở nên thú vị, hấp dẫn với học trò và các em cảm thấy tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, cần thiết cho bản thân chứ không phải học để thi.
Năm 2025 là năm đầu tiên triển khai thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Chương trình này chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, không nặng về kiến thức. Vì vậy, các em phải tự chiếm lĩnh tri thức để hình thành năng lực, phẩm chất của mình.
Việc thi 4 môn sẽ giảm áp lực cho học sinh, lo lắng của giáo viên khi giảng dạy chương trình mới, tạo điều kiện định hướng, lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai cho học sinh. Trong ba năm học chương trình mới, các em đã được ứng dụng vào thực tiễn, trải nghiệm, va chạm nhiều hơn, hình thành cho mình năng lực và phẩm chất đáp ứng được nhu cầu xã hội hiện nay.
“Với môn Ngữ văn, ở chương trình cũ, các em chỉ cần học nắm chắc tác phẩm là có thể làm được bài. Tuy nhiên, ở chương trình mới, các em không chỉ nắm vững kiến thức mà còn có kỹ năng để xử lý trong đời sống như năng lực ngôn ngữ, xử lý tình huống, giao tiếp. Kiến thức không chỉ nằm ở sách giáo khoa mà các em phải cố gắng chiếm lĩnh tri thức, hình thành kỹ năng, năng lực để xử lý yêu cầu bài ra”, cô Đặng Thị Dịu, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 3 bày tỏ.
Cô Phạm Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 3 cho biết: Nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá dựa vào mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ hợp môn mà học sinh đã đăng ký lựa chọn ngay từ khi vào lớp 10. Trường định hướng, hướng dẫn cho học sinh lớp 11 ngoài hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn sẽ lựa chọn hai môn còn lại theo năng lực, sở thích của bản thân. Từ đó, Trường tổ chức dạy ôn thi tốt nghiệp dựa trên đăng ký nguyện vọng của học sinh. Nhà trường xây dựng đề cương ôn tập dựa trên cấu trúc đề thi minh họa, đề thi tốt nghiệp của Bộ, cùng với đó đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học đạt kết quả cao.
Thực tế cho thấy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có rất nhiều đổi mới so với chương trình cũ. Vì vậy, nếu như không có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa rất dễ rơi vào bị động và lúng túng. Theo cô Hương, xu hướng hiện nay, các trường chủ yếu lấy kết quả xét tuyển vào Đại học từ kỳ thi đánh giá năng lực với nhiều môn tổng hợp. Vì vậy, khi dạy học theo chương trình mới, không chỉ quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp, Trường Trung học Phổ thông Nghi Lộc 3 đã thay đổi phương pháp dạy học để các em có thể tham gia kỳ thi đánh giá năng lực một cách thuận lợi. Muốn vậy, rõ ràng học sinh không chỉ học 4 môn mà còn phải học nhiều môn mới có thể làm được một bài thi đánh giá năng lực một cách trọn vẹn.
Thầy Lê Văn Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Cửa Lò cho biết: Nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng kiểm tra đánh giá với phương châm "học thật, thi thật và kết quả thật", trên cơ sở đó giúp các em nắm vững kiến thức các môn học, để các em phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực. Sau khi Bộ công bố đề thi minh họa, nhà trường sẽ chỉ đạo tổ chuyên môn thực hiện sinh hoạt chuyên đề trao đổi thảo luận, phân tích cấu trúc nội dung đề thi minh họa, từ đó điều chỉnh kế hoạch ôn tập, dạy học sát, đúng đối tượng, đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025.