Chính vì vậy, khâu then chốt nhất bảo đảm thành công của quá trình đổi mới giáo dục – đào tạo đã được xác định trong Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" là đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Để đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo đổi mới cơ chế quản lí chuyên môn theo hướng phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo của giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Bộ cũng tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên thực hành phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.
Cơ chế quản lý chuyên môn đã được chuyển mạnh từ quản lý theo kiểu bao cấp sang giao quyền chủ động cho giáo viên, nhà trường xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục. Cơ chế tổ chức và quản lí chuyên môn trong các nhà trường có bước chuyển biến tích cực theo hướng dân chủ, phát huy sự sáng tạo của giáo viên phù hợp với xu hướng quốc tế.
Ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh: Phẩm chất, năng lực của học sinh chỉ có thể được hình thành và phát triển thông qua hoạt động tích cực, tự lực tiếp nhận và vận dụng kiến thức để phát hiện, giải quyết vấn đề trong học tập, cuộc sống. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng tăng cường tính tích cực, tự lực, sáng tạo của học sinh đóng vai trò quyết định đối với việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Do đó, cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới, giáo viên đã dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình.
Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), những năm qua, giáo dục Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cơ bản đủ về số lượng, hầu hết có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, đạt và trên chuẩn đào tạo, đạt chuẩn nghề nghiệp ở nhiều mức độ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là vẫn còn tỉ lệ đáng kể giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chưa thực sự đổi mới. Chất lượng đội ngũ không đồng đều giữa các vùng miền, còn thiếu đội ngũ nhà giáo có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm tốt, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa thiên Huế cho rằng: Xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông mới là một quá trình công phu, khoa học. Quan trọng hơn cả là việc triển khai thực hiện chương trình vào thực tiễn thì người thầy đóng vai trò rất quan trọng. Trên thực tế, còn một bộ phận giáo viên chưa “nhập cuộc’, vẫn lên lớp giảng dạy với phương pháp quen thuộc là thuyết trình hoặc thuyết trình kết hợp một số ít câu hỏi đàm thoại. Nguyên nhân có thể do giáo viên ngại đổi mới hoặc cũng có thể do giáo viên lúng túng, chưa biết nên đổi mới phương pháp ra sao.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Ninh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã chỉ ra một số nghịch lý hiện nay trong việc phát triển đội ngũ giáo viên. Cụ thể như: Đội ngũ giáo viên có vai trò quyết định chất lượng giáo dục nhưng tiền lương thấp, không đủ đảm bảo đời sống đã hạ thấp vị thế nghề dạy học. Việc đào tạo giáo viên phổ thông hiện nay là để dạy học đơn môn nhưng theo lộ trình đổi mới giáo dục, từ năm học tới, một số giáo viên sẽ dạy môn học tích hợp; giáo viên tích lũy các văn bằng, chứng chỉ chủ yếu là để đối phó với các quy định của cơ quan chủ quan, ít áp dụng vào thực tiễn dạy học…. Bên cạnh đó, bộ chuẩn giáo viên mới được ban hành nếu không đi kèm với việc đánh giá chất lượng một cách khách quan, công bằng thì sẽ không được sự ủng hộ của đội ngũ nhà giáo.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo
Để đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, với mục tiêu xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiếp tục triển khai những giải pháp mang tính tổng thể và hệ thống, khắc phục những tồn tại, bất cập của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông lần này.
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Để phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục phải chọn được giải pháp "cốt lõi của cốt lõi". Đối với Việt Nam hiện nay, giải pháp tiên quyết là thu hút người giỏi vào sư phạm để đào tạo thành giáo viên giỏi bằng cách khảo sát, quy hoạch lại số lượng, cơ cấu các loại giáo viên phổ thông để xác định, điều chỉnh cân bằng cung – cầu. Tiếp đó, Bộ cần điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm bảo đảm đầu ra có việc làm. Khi cân bằng cung cầu được thiết lập thì các trường sư phạm không phải gồng mình chạy theo số lượng, sẽ có điều kiện đổi mới phương thức đào tạo gắn với thực tiễn tác nghiệp tại nhà trường phổ thông.
Bên cạnh đó, về chế độ với đội ngũ giáo viên, trước hết thu nhập của giáo viên phải đủ sống ở mức trung bình khá. Đồng thời, người giáp viên cần được tạo môi trường để có động lực tự do sáng tạo, vừa được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp. Biên chế giáo viên không chỉ lấy trọng tâm là số người mà trọng tâm là chất lượng nghề nghiệp.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Kim Liên (Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Hà Nội), nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là nhân tố chủ chốt để tạo nên sự chuyển biến chất lượng trong nhà trường. Vì vậy, cần động viên, khuyến khích mỗi giáo viên tích cực tự học, tự bồi dưỡng, làm thay đổi tư duy thụ động, trì trệ cho rằng đào tạo ở trường sư phạm là đủ hoặc cho rằng cứ dạy lâu là lên “lão làng”. Nếu giáo viên không chịu học tập bồi dưỡng, cập nhật kịp thời các thông tin khoa học, tri thức của thời đại và sự đổi mới của xã hội, giáo viên đó sẽ dần trở nên lỗi thời ngay cả với học sinh khi các em có nhiều kênh thông tin để cập nhật kiến thức. Những cán bộ, giáo viên không đủ tiêu chuẩn năng lực chuyên môn phải bắt buộc đào tạo lại, phân công theo đúng ngành đào tạo hoặc tinh giảm biên chế. Người không đủ tư cách đạo đức nhà giáo nên chuyển công tác khác hoặc phải chuyển ngành để đảm bảo chất lượng đội ngũ và uy tín của ngành.
Tiến sĩ Trần Thị Kim Liên cũng nhấn mạnh: Để nâng cao chất lượng đội ngũ, vai trò của cán bộ quản lí chủ chốt trong nhà trường cũng đặc biệt quan trọng. Những cán bộ quản lí có năng lực, đạo đức, tâm huyết mới có thể thu phục, tổ chức đội ngũ nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn tìm được đội ngũ cán bộ quản lí tốt phải có sự phát hiện, bồi dưỡng, tín nhiệm, đánh giá của đội ngũ giáo viên và các cấp lãnh đạo. Cán bộ quản lí giáo dục phải được bồi dưỡng, học tâp chuyên môn nghiệp vụ quản lí, vững vàng về chuyên môn theo chuẩn Hiệu trưởng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Ninh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng đề xuất: Giải pháp để thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm, các thầy, cô đang công tác toàn tâm, toàn ý cho công tác dạy học, không có cách nào khác là cải cách chế độ tiền lương, phù hợp với chủ trương, giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Không chỉ vậy, muốn đánh giá chất lượng giáo viên một cách khách quan, công bằng, ngoài việc có bộ chuẩn tốt cần có cơ quan kiểm định độc lập, không trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, cần thay đổi hình thức thi giáo viên giỏi như hiện nay, vì việc dạy 1-2 tiết chỉ mang tính chất biểu diễn; nên sử dụng kết quả tiến bộ của học sinh trong lớp làm công cụ đánh giá giáo viên giỏi.
Trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên cần được ưu tiên. Bởi có giải quyết thành công bài toán nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo mới có thể hy vọng vào sự thành công của lần đổi mới giáo dục này.