Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở xã Sa Dung (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) cách trung tâm huyện Điện Biên Đông gần 40 km luôn nhộn nhịp các hoạt động dạy và học.
Tự nguyện về vùng khó
Trường THCS Sa Dung có 36 giáo viên, đa số từ miền xuôi "cõng" con chữ, vượt núi non đến với những bản làng vùng cao, nơi mà cuộc sống quanh năm vốn chỉ bó hẹp bởi ruộng đồng, nương rẫy.
Ngoài giờ học các học sinh chăm sóc vườn rau để cải thiện bữa ăn. |
Thầy giáo Lưu Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Sa Dung cho biết: "Trường THCS Sa Dung đi vào hoạt động được hơn 8 năm. Trước đây, trường rất đơn sơ, cả trường chỉ được vài giáo viên phụ trách nhiều môn học. Khó khăn trăm bề, đôi lần tôi đã nản lòng muốn bỏ về quê". Thế nhưng, vượt qua những lúc khó khăn ấy, lòng yêu nghề, yêu trò đã giúp thầy Nam bám trụ đến giờ.
Cô giáo trẻ Anh Nguyễn Thị Tiên, tâm sự: "Khi còn là sinh viên, xem những phóng sự về giáo viên, học sinh vùng cao tôi rất xúc động và yêu quý họ. Ngay khi ra trường tôi đã tự nguyện xin lên đây giảng dạy. Cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn cộng thêm nỗi nhớ nhà, nhưng được các anh chị đồng nghiệp động viên, chia sẻ và đặc biệt là các em học sinh ngoan ngoãn tôi ngày càng gắn bó với đất và người nơi đây.
Dù ở vùng cao hẻo lánh, nhưng nơi đây, các thầy, cô giáo có tình đoàn kết, gắn bó đáng ngưỡng mộ, họ sống với nhau như một gia đình lớn. Cuộc sống dù thiếu thốn nhưng luôn đầy ắp tiếng cười.
Thầy Võ Chí Công, cho biết: "Ở đây chúng tôi phải tự tạo niềm vui cho mình. Lúc rảnh, chúng tôi luyện tập thể thao, chơi bóng chuyền, cầu lông. Cũng nhờ tinh thần đoàn kết, hăng say thể dục thể thao mà năm nào nhà trường cũng đoạt giải cao tại các hội thi thể dục, thể thao do huyện tổ chức".
Tình yêu với học sinh vùng cao
Khó khăn nhất ở trường miền núi này là việc học sinh không chịu đến trường. Bởi vậy, ngoài những lúc giảng dạy trên lớp, tranh thủ cuối tuần hoặc buổi tối, các thầy cô giáo lại phải lên tận các bản xa xôi, vận động gia đình và học sinh đến trường.
Thầy Nam cho biết, việc động viên các gia đình để cho con, em mình đến trường cũng gặp nhiều khó khăn vì đường sá xa xôi, nhiều gia đình đồn bào Mông lại không hiểu và không nói được tiếng Kinh. Nhưng nhiều lần đi vận động thành quen, đến bây giờ, nhiều giáo viên của nhà trường nói tiếng Mông rất thạo. Tất cả xuất phát từ lòng yêu nghề và tình thương với những em học sinh vùng cao.
Thầy Công tâm sự: "Nếu không có một tình yêu thực sự với nghề giáo viên thì khó ai có thể bám trụ lâu dài được nơi này. Các em học sinh cũng thiệt thòi lắm, chúng tôi rất chạnh lòng khi nhiều em phải leo bộ qua núi đồi hàng chục kilômét để đến trường. Bởi vậy, chúng tôi cố gắng thu xếp để tất cả những học sinh ở xa được ở nội trú tại trường. Đến nay, hơn 90% học sinh đang học tại trường THCS Sa Dung đều ở nội trú, chỉ những em có nhà xung quanh trường mới về nhà sau giờ học".
Ngoài việc dạy học, các thầy cô tại trường THCS Sa Dung đều cùng làm và hướng dẫn học sinh làm những công việc phục vụ đời sống hằng ngày. Hiện nay, các giáo viên và học sinh của trường nuôi gần 20 con lợn, một vườn rau rộng hơn 100 m2 cung cấp phần nào rau sạch cho các em học sinh nội trú. Dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo, học sinh nội trú ở đây từ nhỏ đến lớn đều biết cách tăng gia sản xuất và nội trợ đảm đang. Không khí học tập nghiêm túc bao nhiêu thì những lúc tăng gia sản xuất, các em học sinh lại sôi nổi, hào hứng bấy nhiêu. Khu nội trú của học sinh luôn vang rộn tiếng cười đùa, xua tan cái rét của những ngày đầu đông nơi xa xôi, hẻo lánh này.
Nhờ hăng say học tập, năm học 2012 - 2013, Trường THCS Sa Dung có 10 học sinh giỏi toàn diện, 1 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện. Đó là những thành tích đáng ghi nhận của một trường học miền núi còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất như nơi đây.
Chia tay những thầy, cô giáo Trường THCS Sa Dung, đọng lại trong lòng chúng tôi sự cảm phục đối với những người thầy tình nguyện “cho chữ” ấy. Họ chính là những nhà giáo thực sự, những con người dạy chữ bằng niềm đam mê, cái tâm và tình yêu đối với những học sinh nghèo vùng cao còn nhiều thiệt thòi.
Bài và ảnh: Xuân Tư