Những ngành điểm chuẩn không cao lại có nhiều cơ hội việc làm

Có những ngành học qua mấy mùa tuyển sinh được rất ít thí sinh đăng ký, như: Điện hạt nhân, Tâm lý học đường, Kinh tế chính trị..., nhưng hiện nay lại là những ngành học có nhiều cơ hội việc làm, mà điểm chuẩn không quá cao.

Ngành Công nghệ hạt nhân

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh. Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN


Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga cho biết, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đã đặt ra yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực. Bộ GD - ĐT dành những chỉ tiêu và ưu tiên nhất định đối với ngành này. Theo đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” vừa được thông qua, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam có hơn 3.000 kỹ sư, 600 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành điện hạt nhân, quản lý, ứng dụng và đảm bảo an toàn an ninh lượng nguyên tử được đào tạo trong và ngoài nước.

Các trường đại học đào tạo ngành Công nghệ hạt nhân gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Điện lực, ĐH Đà Lạt... Điểm chuẩn của ngành Công nghệ hạt nhân năm 2010 của ĐH Bách khoa Hà Nội: 17 điểm; ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): 17 điểm; ĐH Điện lực: 16 điểm.

Ngành Tâm lý học đường

Người tốt nghiệp ngành học này có thể làm việc trong các lĩnh vực: Phát hiện sớm, phòng ngừa và can thiệp cho trẻ em - thanh thiếu niên trong việc nhận thức, học tập, hành vi, cảm xúc hoặc xã hội ở môi trường học đường, gia đình và cộng đồng. Đồng thời tham gia nghiên cứu, xây dựng, phát triển và lượng giá các chương trình này. Theo dự báo thì đây là ngành học đem lại những cơ hội “mở” sau khi sinh viên tốt nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp ngành học này, sinh viên có thể làm công tác nghiên cứu về tâm lý, tư vấn tâm lý, trợ lý trị liệu tâm lý, trợ lý lãnh đạo về nhân sự, tổ chức lao động nghiên cứu tâm lý khách hàng cho các tổ chức và công ty... hoặc nghiên cứu, giảng dạy môn tâm lý học. Công tác ở các đài phát thanh, đài truyền hình, tổng đài tư vấn qua điện thoại, các trung tâm tư vấn, các trường giáo dưỡng. Ngoài ra, có thể làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán và trị liệu tâm lý tại bệnh viện, tư vấn tâm lý học đường, quản lý nhân sự và tư vấn tâm lý trong doanh nghiệp.

Điểm chuẩn ngành này khoảng từ 17 đến 19 điểm. Những trường đào tạo ngành này là ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Quy Nhơn, ĐH Huế…

Ngành Kinh tế chính trị

Mục tiêu đào tạo các cử nhân Kinh tế chính trị là có kiến thức cơ bản, tổng hợp và hệ thống về kinh tế chính trị hiện đại, có năng lực làm việc tại các cơ sở giảng dạy và nghiên cứu, các tổ chức công…

Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân Kinh tế chính trị có thể làm việc trong các cơ quan nghiên cứu kinh tế; các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam hoặc nước ngoài; làm giảng viên trong các trường đại học và cao đẳng hoặc làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Điểm chuẩn khối A và D1 năm 2010 của ngành Kinh tế chính trị của ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đều 21 điểm; ĐH Kinh tế Huế: 13 điểm (khối A, D1,2,3,4); Học viện Báo chí & Tuyên truyền khối C:19,5 điểm, khối D1: 17,5 điểm.

Lê Vân (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN