Trước đó, ngay khi mưa ngớt và nước lũ rút, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã phối hợp cùng lực lượng chức năng ra quân dọn dẹp vệ sinh, sửa sang trường lớp.
Tại Trường Trung học Phổ thông Gia Hội, thành phố Huế nước lũ dâng cao khiến sân trường ngập sâu hơn 1m. Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Gia Hội Lê Triều Sơn cho biết, ngay trong ngày 16/10, khi nước rút, nhà trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên quét dọn bùn đất, rác, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ các phòng học và khuôn viên trường, chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho tuần học mới sau lũ. Riêng các em ở vùng trũng thấp còn ngập nước chưa thể đến trường, nhà trường có phương án dạy học bù và bổ sung kiến thức để đảm bảo chương trình cho học sinh.
Tại vùng rốn lũ Quảng Điền, hàng ngàn học sinh tại 36 trường học trên địa bàn huyện phải nghỉ học do trường ngập trong nước lũ. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Điền Nguyễn Thái Hiệp cho biết, trên địa bàn huyện có 13/49 trường đi học trở lại trong ngày 17/10.
Ở các điểm trường bị ngập, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện lên phương án dạy bù vào thời điểm thích hợp cho học sinh để đảm bảo chương trình. Nhiều trường đã sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến nếu tình hình ngập lụt kéo dài. Ngoài ra, đối với những học sinh bị ướt sách vở, đồ dùng học tập, ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức kêu gọi, vận động tổ chức, cá nhân có phương án hỗ trợ, đảm bảo tất cả học sinh đều có đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế còn 238 trường học chưa thể đón học sinh đến trường, tập trung tại vùng trũng như các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và hai thị xã Hương Trà, Hương Thủy. Đối với vùng thấp trũng, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, các trường học tiếp tục thực hiện phương châm nước rút đến đâu vệ sinh trường sạch đến đó.
Sở yêu cầu hiệu trưởng các trường rà soát, đánh giá, nắm chắc tình hình để có phương án tổ chức đi học trở lại đảm bảo điều kiện an toàn cho giáo viên, học sinh; tăng cường truyền thông nâng cao ý thức cho giáo viên, học sinh không để xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước sau lũ, đồng thời sẵn sàng điều kiện tiếp tục ứng phó với bão số 6.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lũ những ngày qua đã khiến 2 người chết, 4 người bị thương, 32 ha hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại, 145 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, 4.600 con gia cầm bị cuốn trôi. Hiện nay, lượng mưa giảm, mực nước triều cửa sông giảm nên mực nước các sông đang xuống nhưng còn chậm. Nước sông Hương xuống mức báo động 2, nước sông Bồ vẫn trên báo động 2.
Đến trưa 17/10, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế còn gần 4.000 nhà bị ngập. Về hạ tầng giao thông, sáng 17/10, nhiều điểm sạt lở đã được địa phương khắc phục, lực lượng chức năng cơ bản thông xe trở lại bình thường trên tuyến Quốc lộ 1A, đường 49A lên huyện A Lưới, đường sắt đã khôi phục trở lại. Còn một số tuyến tỉnh lộ và giao thông liên xã các vùng Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang bị ngập cục bộ. Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế khôi phục cấp điện trở lại cơ bản trên địa bàn tỉnh.
Để khắc phục thiệt hại do lũ gây ra, những ngày qua, lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tích cực phối hợp với các địa phương tham gia vệ sinh môi trường.
Lãnh đạo tỉnh và các địa phương chủ động thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; quan tâm hỗ trợ hộ khó khăn. UBND tỉnh đã xuất 1.000 thùng mì tôm hỗ trợ gia đình khó khăn khi có thiên tai. Công an tỉnh trao 100 suất quà với kinh phí 100 triệu đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã trích 5,7 tỷ đồng từ quỹ cứu trợ của tỉnh để các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ kịp thời cho người dân, trước mắt hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ bảo trợ xã hội là 500.000 đồng/hộ, hộ có nhà bị sập là 6 triệu đồng...
Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ 150 triệu đồng, 300 thùng hàng gia đình trị giá 179 triệu đồng...
Cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chủ động phương án, sẵn sàng ứng phó với bão số 6.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng phương tiện tàu, thuyền biết về diễn biến xấu của thời tiết trên biển chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn về người và tài sản. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, bao gồm tàu bãi ngang ven biển, đầm phá.
Chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt; thường xuyên thông báo, cảnh báo tình hình mưa lũ, mực nước, lệnh vận hành hồ cho cơ quan, đơn vị liên quan và người dân vùng hạ du để chủ động phòng tránh.
Các địa phương tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, rà soát, chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, phòng chống ngập úng đô thị và chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân.