Đến nay, nhiều tỉnh đã hoàn tất việc thống kê hồ sơ đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015 cho thấy có một tỷ lệ lớn thí sinh chọn cụm thi địa phương, nhất là những tỉnh vùng sâu, vùng xa. Nhiều thí sinh cho rằng, thi ở địa phương vừa “ nhàn ” lại vừa có thể đỗ đại học do một số trường có phương án tuyển sinh riêng vẫn chấp nhận thí sinh thi theo cụm địa phương.
Thí sinh hy vọng nơi “lỏng”, nơi “chặt ”Theo ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD - ĐT Điện Biên, hiện tại, Sở đã hoàn tất việc thống kê hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh thi tốt nghiệp THPT và đã có kế hoạch sắp đặt phòng thi cũng như bố trí các điều kiện coi thi… Thống kê cho thấy, tổng số thí sinh đăng ký dự thi của Điện Biên là 6.214 thí sinh, trong đó có 2.871 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp, tương đương 46%.
Ông Mai Văn Trinh trong dịp thanh tra đột suất kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 tại Thái Bình. |
Phân tích về sự lựa chọn này, ông Lê Văn Quý cho rằng, Điện Biên là một tỉnh miền núi, điều kiện đi lại khó khăn. Trong khi đó chất lượng giáo dục giữa thành phố, thị xã và vùng sâu vùng xa không đồng đều. Vì vậy, việc thí sinh lựa chọn thi tại cụm địa phương (chỉ xét công nhận tốt nghiệp) cũng là hợp lý.
Ngoài Điện Biên, một số địa phương khác cũng có tỷ lệ thí sinh chỉ xét công nhận tốt nghiệp cao như: Cao Bằng, Tuyên Quang, Nghệ An. Theo thông báo của Sở GD - ĐT Cao Bằng, trong số 5.998 thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn thì có gần 50% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Còn tại tỉnh Lai Châu, trong tổng số 1.894 thí sinh đăng ký dự thi thì có gần 60% thí sinh thi tại cụm địa phương.
Lãnh đạo nhiều Sở GD - ĐT giải thích rằng, việc có nhiều em đăng ký không xét tuyển ĐH, CĐ có thể do lường trước lực học của mình hoặc định hướng vào trường nghề. Với những vùng có điều kiện đi lại khó khăn, thí sinh dân tộc ít người, phòng tư vấn học đường có thể đã tư vấn cho các em thi tại cụm địa phương để hạn chế việc đi lại tốn kém. Bên cạnh đó, kết hợp với tấm bằng tốt nghiệp, các em vẫn có thể nộp hồ sơ để xét tuyển vào một số trường ĐH, CĐ hoặc trường nghề chỉ xét học bạ.
Qua tìm hiểu của phóng viên báo Tin Tức cho thấy, một số nhà trường đã tư vấn cho thí sinh thi ở cụm thi địa phương do những ưu thế: Việc coi thi là ở tỉnh nhà sẽ dễ dàng hơn (như thi tốt nghiệp mọi năm), việc thi tại các cụm thi liên tỉnh sẽ khó khăn hơn (do các giáo viên từ tỉnh khác đến và giảng viên các đại học trực tiếp coi thi). Anh Nguyễn Anh Đức (khu đô thị Tân Tây Đô, Hà Nội) cho biết: “Nguyên nhân thí sinh chọn thi ở cụm địa phương nhiều hơn thi liên tỉnh là do Bộ GD - ĐT cho phép nhiều trường ĐH, CĐ có phương án tuyển sinh riêng vẫn công nhận bằng tốt nghiệp tại cụm địa phương, kết hợp với việc xét học bạ, nghĩa là những thí sinh thi ở cụm địa phương chỉ xét công nhận tốt nghiệp vẫn có thể đỗ đại học nếu đáp ứng được những tiêu chí tại trường ĐH, CĐ tuyển sinh riêng. Như vậy, không tội gì học sinh và người nhà phải “khăn gói quả mướp” đi thi ở tỉnh như mọi năm. Như cháu tôi ở Thanh Hóa, còn được nhà trường khuyến khích thi ở địa phương vì “sân nhà” bao giờ cũng yên tâm hơn, thậm chí, coi lỏng hơn như những kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây”.
Sẽ tăng cường thanh, kiểm traÔng Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho biết : “Cả nước hiện có gần 500 trường ĐH, CĐ; trong đó, có 150 trường có phương án tuyển sinh riêng, được phép tuyển sinh cả những thí sinh dự thi ở cụm thi địa phương (nơi chỉ tổ chức cho thí sinh với mục đích tốt nghiệp). Số trường còn lại xét tuyển thí sinh thi ở 38 cụm thi quốc gia.
150 trường ĐH, CĐ này là những trường mới thành lập, hoặc trường khó tuyển sinh. Hầu hết các trường tuyển sinh dựa vào kết quả THPT của thí sinh đều có quy định ngưỡng chất lượng đầu vào, thường điểm trung bình chung 3 năm THPT là 6 điểm trở lên đối ĐH và 5,5 điểm trở lên đối với CĐ và đây cũng là quy định của Bộ GD - ĐT đối với việc xét kết quả tuyển sinh từ học bạ. Bên cạnh đó, thí sinh hoàn toàn có thể dùng kết quả học bạ để đăng ký xét tuyển ở nhiều trường khác nhau.
Đơn cử, Trường ĐH Chu Văn An năm 2015 tuyển sinh theo 2 phương thức: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia (60%), xét tuyển riêng (40%) trong đó ngành kiến trúc tổ chức thi thêm môn năng khiếu. Tiêu chí xét tuyển là đỗ tốt nghiệp THPT, điểm trung bình học tập 3 môn học hoặc điểm trung bình chung các môn học lớp 12 (cuối khóa) không thấp hơn 6,0 (theo thang điểm 10).
Trường ĐH Quốc tế miền Đông cũng dành khoảng 40% trong tổng chỉ tiêu để xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT theo kết quả học tập trong học bạ bậc THPT.
Riêng về e ngại sẽ xảy ra tình trạng nơi “chặt”, nơi “lỏng” trong quá trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015, ông Mai Văn Trinh khẳng định sẽ không có chuyện thi ở cụm địa phương sẽ dễ dàng hơn so với cụm thi liên tỉnh. Đặc biệt, càng không có chuyện tư vấn trường học “ép” thí sinh thi ở cụm địa phương, nếu phát giác, Bộ GD - ĐT sẽ xử lý nghiêm.
Ở cụm thi địa phương cũng có những giảng viên đại học về coi thi. Bộ GD - ĐT không phân biệt thí sinh cụm thi nào, các thí sinh đều cùng làm một đề thi. Nhất là với các cụm thi tại tỉnh sẽ tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thi; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm; phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với kỳ thi. Với tầm cỡ một kỳ thi quốc gia và với nhiều đổi mới, Bộ GD - ĐT cam kết sẽ tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Lê Vân