Nhiều chương trình đào tạo giáo viên nghệ thuật còn mang nặng tính hàn lâm

Ngày 21/8 đã diễn ra Hội thảo Giáo dục nghệ thuật theo định hướng phát triển phổ thông tại Việt Nam. Tại đây, các chuyên gia chỉ ra nhiều chương trình đào tạo giáo viên nghệ thuật còn nặng tính hàn lâm, trong khi các trường phổ thông cần giáo viên không phải nghệ sĩ biểu diễn.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: LV

Chủ đề giáo dục nghệ thuật thu hút ý kiến các nhà khoa học

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các môn nghệ thuật gồm Âm nhạc và Mĩ thuật đã được xác định đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực thẩm mỹ của học sinh. Với vai trò là một trong những cơ sở đầu ngành, trọng điểm về đào tạo giáo viên lịch sử và nghiên cứu về lý luận, phương pháp dạy học Âm nhạc, Mỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Giáo dục Nghệ thuật theo định hướng phẩm chất, năng lực trong các cơ sở Giáo dục phổ thông tại Việt Nam”.

TS. Trần Thị Thu Hà, Trưởng Khoa Nghệ thuật, Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, bước sang năm thứ 5 (Tiểu học), năm thứ 4 (THCS), năm thứ 3 (THPT) triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nổi lên nhiều bất cập. Ban tổ chức đã nhận được 64 báo cáo tham dự hội thảo. Các báo cáo được chia làm 3 chủ đề bao: Đội ngũ giáo viên nghệ thuật; giáo dục nghệ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông 2018; môn nghệ thuật trong nhà trường phổ thông.

Chủ đề về đội ngũ giáo viên nghệ thuật cho thấy bức tranh tổng thể về đào tạo giáo viên nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) tại các cơ sở giáo dục nghệ thuật trong cả nước hiện nay. Trong đó, phần lớn các bài viết đề cập đến những khó khăn, tồn tại trong công tác đào tạo đội ngũ giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; đồng thời, đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục thực trạng này.

Ở chủ đề giáo dục nghệ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, đây là hướng nghiên cứu có những góc nhìn mới, đóng góp quan trọng đối với nội dung hội thảo, thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học. Các bài tham luận đã đề cập đến mục tiêu, định hướng, giáo dục nghệ thuật theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Việt Nam; phương pháp giáo dục nghệ thuật; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học nghệ thuật ở trường phổ thông theo định hướng tiếp cận năng lực người học. Một số bài là những suy ngẫm về chương trình, về biên soạn sách giáo khoa, về việc đưa âm nhạc dân tộc vào chương trình dạy học các cấp phổ thông hiện nay...

Với chủ đề 3, nhiều bài tham luận đề cập thực trạng và giải pháp về sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên dạy nghệ thuật, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học môn nghệ thuật; quan điểm của đội ngũ nhà giáo về việc triển khai môn nghệ thuật, thực trạng và giải pháp về dạy học nghệ thuật ở trường phổ thông. Một số bài viết khác đề cập đến vị trí, vai trò của môn học nghệ thuật trong trường phổ thông...

Người thầy phải có khả năng truyền đạt kiến thức

PGS.TS Trịnh Hoài Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều đổi mới như đưa giáo dục nghệ thuật vào dạy ở trường phổ thông. Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục phổ thông, môn nghệ thuật đã được đưa vào dạy trong hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Tuy nhiên, về số lượng giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật ở bậc THPT gần như đang “trắng”, trừ các trường THPT ngoài công lập hay có yếu tố nước ngoài.

Chú thích ảnh
Đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: LV

Theo thống kê năm 2023 - 2024, số lượng trường THPT trong cả nước là gần 2.400 trường. Nếu mỗi trường cần 1 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Mỹ thuật, sẽ thiếu gần 4.800 giáo viên. Chưa kể cấp Tiểu học và THCS vẫn còn một số trường thiếu. Thực tế, giáo viên nghệ thuật được đào tạo ở bậc đại học khá nhiều. Năm 2024, thống kê số sinh viên ra trường từ các cơ sở đã đào tạo là hơn 6.000 em, nhưng vấn đề đặt ra là các em có nguyện vọng đi làm nghề hay không? Và nếu các em tha thiết thì có được tuyển dụng hay không, ngay cả khi có chỉ tiêu biên chế. Thời gian qua, nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm tới môn Âm nhạc và Mỹ thuật, chủ yếu tập trung vào các môn chính như Văn, Toán…

Bên cạnh đó, trình độ giáo viên chưa đồng đều, do chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục vênh nhau khá nhiều. Cần có chương trình bồi dưỡng, đào tạo cho các giáo viên, mới đáp ứng được yêu cầu của nhà trường phổ thông. Ngoài ra, hiện nay, nhiều chương trình đào tạo còn nặng về tính hàn lâm, theo kiểu chuyên nghiệp. Các cơ sở đào tạo đang dạy những gì mình có, chưa sát với nhu cầu của nhà trường phổ thông. Thực tế, các giáo viên ra trường, dạy học phải đáp ứng được chương trình phổ thông, chứ không phải là một nghệ sĩ biểu diễn các nhạc cụ.

“Chúng tôi cần giáo viên không phải là nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc. Người thầy phải có khả năng truyền đạt kiến thức, để các em hiểu được, làm được. Nên nhà trường đừng dạy cái có, hãy dạy cái xã hội cần, chương trình giáo dục phổ thông cần”, bà Trịnh Hoài Thu bày tỏ.

PGS.TS Trịnh Hoài Thu cũng mong các nhà trường hãy rà soát để bổ sung chương trình phù hợp với chương trình phổ thông 2018. Chẳng hạn, phương pháp sư phạm dạy ở bậc THPT đã có chưa? Cùng với đó, hướng dẫn sinh viên nhiều hơn, tổ chức các hoạt động dạy học và các hình thức tổ chức lớp học. Nhà trường không cần một nghệ sĩ giỏi, họa sĩ giỏi, mà cần người biết tổ chức lớp, hướng dẫn cho học sinh học.

Lê Vân/Báo Tin tức
Thiếu giáo viên nghệ thuật: Cần cơ chế để có nguồn nhân lực đủ về lượng, tốt về chất
Thiếu giáo viên nghệ thuật: Cần cơ chế để có nguồn nhân lực đủ về lượng, tốt về chất

Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên, môn Nghệ thuật (gồm hai phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật) được đưa vào là môn tự chọn ở cấp Trung học Phổ thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN