Các hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, UBND huyện Quan Hóa đã di dời 160 học sinh đến nơi khác học tạm để tránh trường hợp xấu xảy ra.
Năm 2001, Trường Tiểu học Phú Lệ, được xây dựng bằng nguồn vốn của Chương trình 135. Trải qua nhiều năm, cơ sở vật chất của trường vẫn ổn định nên học sinh có thể yên tâm theo học, tuy nhiên kể từ khi công trình Nhà máy thủy điện Hồi Xuân được khởi công xây dựng, ngôi trường không được đầu tư sửa chữa do nằm trong vùng ngập nước của lòng hồ. Hiện cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp nghiêm trọng, 10 phòng học và nhà công vụ bị sụt lún, nứt toác nền móng, tường, trần nhà, vôi vữa bong tróc, cửa bị mục nát. Ngoài ra, nhà vệ sinh bị hỏng, cổng vào xuống cấp, cỏ mọc um tùm, mỗi khi có học sinh nô đùa, các phòng học bị rung lắc mạnh, nghiêng về phía sông Mã, đe dọa đến tính mạng của thầy trò.
Ông Lương Khắc Toàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Lệ cho hay: Trong mùa mưa bão, Trường Tiểu học Phú Lệ nằm dưới lòng hồ thủy điện Hồi Xuân nên bị ngập đến móng và tường, các hạng mục công trình hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, Ban Giám hiệu nhà trường đã di chuyển toàn bộ học sinh lên Trường Trung học cơ sở Phú Lệ học nhờ, tuy nhiên không đảm bảo được số lớp học thường xuyên, trang thiết bị, đồ dùng học tập còn thiếu nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh.
Theo ông Hà Xuân Huyền, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Phú Lệ, Trường Tiểu học Phú Lệ trong diện di dời, trước đây Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân đã hứa đền bù 2,4 tỷ đồng để di dời trường, tuy nhiên do công trình Nhà máy thủy điện Hồi Xuân đang bị chậm tiến độ, Nhà máy chưa có kinh phí hỗ trợ UBND xã Phú Lệ di dời trường. Cùng với đó, một số hộ gia đình khu vực lân cận cũng bị ảnh hưởng nhưng cũng chưa thể di dời.
Tại điểm trường Đuốm Hang, Trường Tiểu học Phú Lệ, nhiều hạng mục của các phòng học đã xuống cấp, nhiều vết nứt xuất hiện. Do lo sợ phòng học bị sập, nhà trường phối hợp với UBND xã Phú Lệ xây tạm một cột chống sập. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần đầu tư xây dựng điểm trường mới để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết: Để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, UBND huyện Quan Hóa đã di dời toàn bộ giáo viên, học sinh lên nơi khác học tạm và kiến nghị các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ xây dựng một ngôi trường mới. Tuy nhiên, Quan Hóa là một huyện nghèo thuộc diện 30a nên đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn đầu tư. UBND huyện Quan Hóa mong các cấp có thẩm quyền, các nhà hảo tâm quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng một ngôi trường mới để giáo viên, học sinh có thể yên tâm công tác, đảm bảo chất lượng dạy và học.
Ngoài ra, tại huyện biên giới Mường Lát, công trình Trường Tiểu học Nhi Sơn do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel trao tặng đã bị sụt lún, sập đổ phần sân, khuôn viên nhà trường, phần móng của khu nhà lớp học, nhà hiệu bộ, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Để đảm bảo an toàn, ngay đầu năm học 2020-2021, nhà trường đã chuyển 140 học sinh đến học nhờ tại Trường Trung học cơ sở Nhi Sơn, hiện UBND huyện Mường Lát đã lên phương án đầu tư xây dựng trường mới tại vị trí an toàn.