Ngăn chặn vấn nạn tiến sĩ “đạo văn”

Trong những năm qua, nhiều luận án tiến sĩ đã bị “tố” đạo văn; có đề tài luận án được đánh giá tốt, nhưng hóa ra lại được sao chép từ một luận án khác. Tình trạng đạo văn đã khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi nghi ngờ về chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta.

Nhiều vụ đạo văn “đình đám”

Cách đây 2 năm, lãnh đạo của một Viện thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, tác giả đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2003 “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam”, bị tố đã sao chép tới 30% dung lượng của một luận án tiến sĩ khác với đề tài “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”. Vụ việc này đã thật sự làm “sốc” dư luận.
Khi vụ việc bị đưa ra, Hội đồng chức danh giáo sư ngành Kinh tế học đã xác minh và khẳng định luận án của vị này sao chép một phần từ luận án của TS Mai Thanh Quế (Học viện Ngân hàng). Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) Phạm Vũ Luận sau đó đã có văn bản đề nghị Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước xem xét thu hồi quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư đối với vị lãnh đạo Viện; đồng thời, giao cho Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân xem xét, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Một số vụ “đạo văn” được phát hiện ở ĐH Bách khoa Hà Nội.

Liên quan đến vụ việc trên, một giảng viên (xin được giấu tên) của trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội tiết lộ: “Điều đáng nói là người đứng ra tố cáo đạo văn lại là chủ tịch hội đồng đánh giá luận án, vốn là người chịu trách nhiệm về việc thông qua luận án”.

Còn rất nhiều vụ việc tương tự khác, giảng viên, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn chưa quên được vụ đạo văn của vị Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cách đây 2 năm qua: Ông Nguyễn Cảnh Lương - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, bị tố cáo có dấu hiệu "đạo văn" và không trung thực khi sao chép gần như 100% rất nhiều nội dung trong luận án của PGS - TS Đặng Văn Khải. Cơ quan chức năng đã vào cuộc và khẳng định việc ông Nguyễn Cảnh Lương đạo văn là có. Hay vụ PGS - TS Vũ Thị Hồng Khanh,Viện trưởng Viện Dệt may - Da giày và Thời trang (thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội) bị phát hiện “đạo văn” đề tài nghiên cứu của người khác. Rồi việc in sách của Phó Hiệu trưởng Trần Văn Tớp sao chép nội dung sách của đồng nghiệp.

Rất cần sự thẩm định, phản biện thực chất

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Để xảy ra những vụ việc đạo văn như vậy chắc chắn cần xem lại khâu thẩm định luận án. Trong thời gian qua, việc thẩm định các luận án tiến sĩ còn chưa đồng đều, chưa đảm bảo chất lượng của hội đồng thẩm định. Rất nhiều Hội đồng chấm luận án tiến sĩ không đủ thành viên đúng chuyên môn, dẫn tới việc chấm luận án không đạt chuẩn. Có những hội đồng chấm mà thành viên hội đồng lại khác ngành với luận án được bảo vệ, có khi trong một hội đồng có tới 3, 4 chuyên môn khác nhau”.

Cũng theo GS.TSKH Phạm Tất Dong, bản thân các quy định thẩm định luận án cũng còn lỗ hổng. Nếu chỉ thẩm định 10% trong tổng số luận án được bảo vệ, thì sẽ rất khó đảm bảo chất lượng cho 90% luận án còn lại.

Không đề cập tới vấn đề chất lượng của toàn bộ hội đồng, nhưng theo GS.TSKH Trần Văn Nhung, Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết: “Với luận văn tiến sĩ, chúng ta cũng nên chọn người phản biện thế nào cho thật khách quan và có giá trị. Với việc “đạo văn”, cần có phần mềm lọc để hỗ trợ trong quá trình thẩm định. Đây là việc làm cần thiết trong thời gian tới để hỗ trợ hội đồng thẩm định, hội đồng phản biện. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là làm sao nhận ra việc ăn cắp ý tưởng. Những người thẩm định cần đủ kiến thức, kỹ năng để nhận biết vấn đề này trong lĩnh vực của mình”.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, thẩm định luận án trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết. Về đối tượng thẩm định, có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng chức danh giáo sư và hội đồng ngành, để giới thiệu chuyên gia. Trong thẩm định, nếu phát hiện luận án có vấn đề “đạo văn”, cần phân tích xem mức độ “đạo văn” thế nào, lỗi ở khâu nào. Với những luận án lợi dụng cả câu trích dẫn, giới thiệu của người khác; người chấm luận án biết mà vẫn cho qua, thì phải phạt cả người chấm.

Như vậy, để ngăn chặn tình trạng đạo văn trong luận án tiến sĩ, thì rất cần trình độ chuyên môn cứng của người phản biện, người thẩm định. Bên cạnh đó, việc thẩm định cần được Bộ triển khai thực hiện 100% chứ không chỉ là “chọn mẫu”. “Trách nhiệm của Hội đồng thẩm định rất quan trọng, do đó, nếu để xảy ra những lùm xùm thì chính Hội đồng sẽ phải chịu trách nhiệm cùng tác giả”, một chuyên gia cho biết.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GD - ĐT cần có biện pháp tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục ở các cấp, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học, chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD - ĐT đang tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế về Đào tạo tiến sĩ với mục tiêu điều chỉnh những quy định bất cập, bổ sung thêm các điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như nâng cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong tổ chức quản lý chất lượng đào tạo tiến sĩ.


Lê Vân
Phản hồi vụ "lò tiến sĩ": Chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ vẫn còn ít!
Phản hồi vụ "lò tiến sĩ": Chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ vẫn còn ít!

Sáng 22/4, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức họp báo, làm rõ những vấn đề liên quan đến thông tin cho rằng Học viện Khoa học xã hội là “lò sản xuất tiến sĩ” đang gây xôn xao dư luận xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN