Năng lực học sinh quyết định một hay nhiều bộ sách giáo khoa

Trước luồng ý kiến khác nhau về việc cần có một hay nhiều bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) cho rằng việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phải có tính kế hoạch, không nóng vội chỉ nhằm đạt được tiến độ về thời gian. Việc quyết định một hay nhiều bộ sách giáo khoa căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là việc xác định rõ năng lực của học sinh.


 

Học sinh chọn mua sách giáo khoa tại cửa hàng của Công ty cổ phần sách - thiết bị trường học tỉnh Bắc Kạn.

 

Trong phiên giải trình với Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cuối năm 2012 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho biết hai năm qua Bộ cũng đã nghiên cứu về khả năng có nhiều bộ SGK nhưng việc đổi mới chương trình, SGK phải có tính kế hoạch, không nóng vội để đạt mục tiêu về thời gian, tiến độ.


Tại Hội thảo Đề án đổi mới sách giáo khoa sau năm 2015 với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý cao cấp Việt Nam và Đan Mạch vừa được Bộ GD - ĐT tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc làm SGK phổ thông sắp tới sẽ theo hướng có chương trình chung với nhiều bộ sách. Hiện nay, sách tiếng Anh đã theo hướng này. Trước khi đưa vào sử dụng, Bộ sẽ cho kiểm tra, đánh giá cụ thể.


Còn theo GS Đinh Quang Báo, Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới sách giáo khoa cho biết, đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015 sẽ theo hướng tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa các môn học với nhau. Việc thiết kế chương trình SGK phải giúp nâng cao năng lực cho học sinh. Điều này là rất cần thiết.


Về chương trình SGK hiện hành, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, hiện nay, chương trình SGK từ lớp 1 đến lớp 12 chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ chương trình cấp học đến chương trình từng môn học và không có tổng chủ biên chương trình, SGK môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Chưa phát huy được hiệu quả của chuẩn kiến thức, kĩ năng trong việc biên soạn SGK. Chưa xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá chương trình, SGK một cách đầy đủ, ngay từ đầu.


Để định hướng đổi mới chương trình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ GD - ĐT sẽ tổ chức nghiên cứu, xây dựng chương trình sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực người học, giảm bớt các môn học, phân hóa cao ở cấp trung học. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho các địa phương trong cả nước nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức, hướng dẫn triển khai chương trình, trong đó tập trung vào những điểm mới, điểm khó của chương trình. Yêu cầu đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học để phát huy tính tích cực của học sinh. Đổi mới cách bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên về chuyên môn và nghiệp vụ theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên.


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, năm tới Bộ tiếp tục rà soát, đánh giá chương trình, SGK, tiếp thu có chọn lọc những ý kiến của các nhà khoa học và các nhà giáo để điều chỉnh những nội dung cần thiết nâng cao chất lượng chương trình. Bộ sẽ chỉ đạo triển khai mở rộng sử dụng chương trình dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 của Trung tâm Công nghệ giáo dục ở các vùng dân tộc; dạy tiếng Anh theo chương trình mới tại các trường có đủ điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất. Đồng thời, Bộ cũng tập trung chỉ đạo đổi mới kiểm tra, đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học trên cơ sở bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông nhằm đánh giá đúng thực chất chất lượng học tập của học sinh, coi đây là một trong các giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng dạy học.


Vì vậy việc đổi mới chương trình, SGK phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, thống nhất giữa các cấp học, bậc học. Đồng thời với việc đổi mới chương trình, SGK thì phải nâng cấp cơ sở vật chất và đổi mới trang thiết bị dạy học nhà trường. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải được chuẩn hóa về chất lượng, việc phân cấp quản lý và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các nhà trường phải được đẩy mạnh.

 

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN