Ông Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận nêu rõ, việc tập huấn này là quan trọng để đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý hiểu rõ và nắm kỹ phương án xử lý các trường hợp F0 và nghi F0 xảy ra ở các trường. Vừa qua, một số trường tổ chức học trực tiếp cũng đã có giáo viên, học sinh có trường hợp là F0 và nhiều trường cũng đã xử lý kịp thời bằng việc cho ngưng học trực tiếp, tổ chức cách ly phòng dịch theo đúng quy định. Tuy nhiên, có một số trường còn lúng túng, khó khăn trong nắm bắt và thực hiện quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp F0.
Ông Nguyễn Đình Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận (CDC Ninh Thuận) cho rằng, việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cán bộ phụ trách y tế học đường hiểu và thực hiện tốt phương án xử lý trường hợp F0 và nghi F0 xảy ra là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, biến chủng mới Omicron lại xảy ra.
Chính vì lẽ đó, để đảm bảo an toàn cho công tác dạy và học, Sở Y tế đã có công văn số 488 ngày 6/2/2022 gửi cho các cơ sở y tế và các trường để thực hiện công tác phòng, chống khi mà có trường hợp F0 xảy ra trong trường học. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận lưu ý các trường khi có học sinh F0 và nghi ngờ F0 (sốt, ho, khó thở) xảy ra thì khuyến cáo, quán triệt cho học sinh không nên đến trường học; thông báo cho y tế địa phương để thực hiện test nhanh, xác định SARS-CoV-2.
Ông Nguyễn Đình Ngọc nhấn mạnh: Khi phát hiện trường hợp F0 tại cơ sở giáo dục, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục phải khẩn trương tổ chức đưa trường hợp F0, nghi ngờ F0 sang phòng cách ly tạm thời; đồng thời thực hiện khám, sàng lọc và báo ngay cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, thông báo ngay đến người giám hộ (phụ huynh biết) để có hướng giải quyết, biết cách tự phòng dịch, tránh lây lan xảy ra.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận cũng như các cơ sở y tế không thể sàng lọc hết được trường hợp nghi mắc, do đó khuyến khích giáo viên, học sinh và phụ huynh tự thực hiện trách nhiệm test nhanh kháng nguyên, tự sàng lọc trước để biết được sức khỏe của bản thân mà phòng dịch hiệu quả.
Việc dạy học trực tiếp cho học sinh được UBND tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch 6717 ngày 9/12/2021 về việc tổ chức các phương án dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch tùy theo cấp độ dịch ở mỗi địa phương.
Ông Nguyễn Anh Linh cho rằng, thời gian vừa qua, các trường, các địa phương đã chấp hành tốt việc phòng dịch. Tuy nhiên, nhiều địa phương lại thận trọng quá mức dẫn đến việc dạy học cho học sinh không được như yêu cầu. Nhiều nơi, nhiều trường, học sinh ở nhà quá lâu, không được đến trường học trực tiếp, làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức, cả về sức khỏe và tinh thần của các học sinh.
Về tình hình dịch COVID-19, đến thời điểm này, Ninh Thuận đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Toàn tỉnh đang ở cấp độ 1 (vùng xanh - bình thường mới). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như công văn số 283 ngày 24/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công văn số 458 ngày 31/2/2022 về tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch 6717 của UBND tỉnh, tức các trường ở vùng cấp độ nào thì thực hiện phương án dạy học theo cấp độ đó. Theo đó, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đã tiêm 2 mũi vaccine được học trực tiếp từ ngày 7/2 (sau nghỉ Tết Nguyên đán) và bắt đầu từ ngày 14/2, học sinh từ cấp mầm non đến lớp 6 tùy theo từng vùng, theo cấp độ dịch thực hiện dạy học trực tiếp.
Trước khi dạy học trực tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục, các trường tăng cường huy động học sinh ra lớp học trực tiếp; đồng thời đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch theo đúng tiêu chí; có phương án cụ thể, kịp thời để xử lý trường hợp F0, nghi F0 xảy ra trong trường học.
Trong những ngày đầu học trực tiếp, các trường phải phổ biến, hướng dẫn các quy định của nhà trường, nhất là tăng cường hướng dẫn phòng, chống dịch cho học sinh; tổ chức các hoạt động tạo sự hứng thú, thoải mái để các em cảm thấy yên tâm đến trường học tập; đồng thời quan tâm tổ chức ôn tập, củng cố và bổ sung kiến thức, đảm bảo các nội dung kiến thức trọng tâm cho cả năm học; tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ, đảm bảo cuối tháng 6 (tức 30/6) hoàn thành chương trình của năm học.