Trải qua thời gian dài chống dịch COVID-19, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã bắt nhịp và có những phương án, kế hoạch chủ động phòng, chống dịch. Các trường học tuyên truyền, vận động, khuyến khích phụ huynh học sinh cho các em đến các cơ sở y tế để test nhanh COVID-19 trước khi nhập học sau dịp Tết Nguyên đán.
Tại Trường Mầm non Đông Thành, thành phố Ninh Bình, nhà trường đã dọn vệ sinh, khử khuẩn, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, khẩu trang, xà phòng rửa tay, đảm bảo các điều kiện trong phòng, chống dịch. Bà Vũ Thị Mai Hương - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường hiện có 28 nhóm lớp với gần 600 học sinh. Trong thời gian nghỉ Tết, nhà trường thường xuyên nắm bắt tình hình sức khỏe của giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh thông qua trao đổi thông tin trên nhóm Zalo, nếu có trường hợp nào liên quan đến ca bệnh hoặc mắc COVID-19 thì kịp thời báo cáo để nhà trường có phương án hỗ trợ. Sau nghỉ Tết đến ngày 10/2, nhà trường ghi nhận 5 trường hợp F0, trong đó có 1 học sinh, 4 giáo viên. Toàn bộ F0 đều phát hiện, cách ly từ nhà, không lây lan trong trường học.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình, hiện thành phố có 47 trường ở 4 cấp học. Trong đó, cấp mầm non được nghỉ học đến hết 13/2; hiện có 6 trường ở 3 cấp Tiểu học, Trung học phổ thông và Trung học cơ sở nằm trong vùng đỏ nên đang dừng việc học trực tiếp để chuyển sang dạy học trực tuyến. Đối với việc đón học sinh trở lại trường, Phòng đã có văn bản chỉ đạo các trường có kế hoạch và triển khai, vệ sinh khử trùng trường lớp; hoàn thiện các kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, diễn biến dịch bệnh tại địa phương; yêu cầu học sinh, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà và thực hiện nghiêm quy định 5K khi đến trường.
Ông Nguyễn Vân Anh - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình cho biết, hiện nay tại thành phố số ca F0 tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Phòng đã chỉ đạo các trường tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh đưa con em đến các cơ sở y tế thực hiện test nhanh COVID-19, tránh lây lan dịch bệnh trong trường học. Qua đó đã phát hiện 557 học sinh và 60 giáo viên có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Thời gian tới, Phòng tiếp tục chỉ đạo các trường không chủ quan, lơ là, tranh thủ tận dụng tốt thời gian để tổ chức dạy và học trực tiếp đảm bảo chất lượng, hiệu quả; xây dựng kịch bản và sẵn sàng thích ứng với mọi tình huống dịch bệnh.
Tỉnh Ninh Bình hiện có 477 cơ sở giáo dục ở 4 cấp học. Hiện nay, đối với cấp Tiểu học chỉ học 1 buổi và không triển khai ăn bán trú; cấp Mầm non được nghỉ học đến hết ngày 13/2. Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình phối hợp chặt chẽ cùng ngành y tế rà soát, cập nhật, nắm bắt tình hình dịch trên địa bàn và tình hình sức khỏe của học sinh. Đến nay, nhóm đối tượng trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm là trên 159 nghìn liều, đạt trên 93%.
Theo ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, sau Tết Nguyên đán, tỉnh Ninh Bình đã ghi nhận nhiều F0 là học sinh và giáo viên. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở đã có nhiều công văn, văn bản chỉ đạo các Phòng Giáo dục và các trường linh hoạt trong việc dạy và học tùy tình hình thực tế và cấp học tại các địa phương. Phương án cụ thể, linh hoạt đã được Sở xây dựng kịch bản từ trước nhằm bảo đảm việc học tập của học sinh và công tác phòng, chống dịch. Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ cùng ngành y tế để rà soát, cập nhật tình hình dịch, đồng thời đẩy nhanh việc tiêm phòng đối với học sinh; tổ chức tập huấn cho 100% đội ngũ y tế tại các trường học về công tác lấy mẫu test nhanh COVID-19.
Các cơ sở giáo dục chủ động rà soát các điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giãn cách theo quy định. Các trường không tổ chức hoạt động tập thể không cần thiết; gắn kết tốt với y tế địa phương; rà soát, cập nhật tình hình dịch ngay khi học sinh trở lại trường sau Tết; không đặt ra các quy định gây áp lực, tốn kém cho gia đình học sinh. Đối với học sinh là F0, F1, tùy theo tình hình thực tế, các trường chủ động triển khai dạy trực tuyến để các em có thể theo kịp chương trình.
Ông Đinh Văn Khâm nhấn mạnh, việc linh hoạt trong công tác dạy học và đưa học sinh trở lại trường học cần đặt vấn đề an toàn sức khỏe lên trên hết. Dù dạy học trực tiếp hay trực tuyến, cùng với việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, các trường duy trì công tác dạy học theo đúng tiến độ, chất lượng, quan tâm tới học sinh có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ tốt nhất cho học sinh cuối cấp.