Nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh - Bài 1: Đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực

Định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nguồn nhân lực quốc gia, góp phần tạo cân đối trong cơ cấu lao động, cung ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy đạt nhiều kết quả song hiện nay, công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh, nhất là học sinh sau Trung học Cơ sở ở nhiều địa phương gặp không ít khó khăn.

Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, ngành chức năng. Đồng thời thay đổi nhận thức, quan niệm của một bộ phận phụ huynh vẫn còn tư tưởng chỉ đơn thuần coi trọng bằng cấp, chưa chú trọng thực lực, mong muốn của con em mình. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phản ánh nội dung này trong hai bài viết chủ đề: Nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh.

Chú thích ảnh
Các thầy cô giáo Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh tại Ngày hội Hướng nghiệp, tuyển sinh lần thứ XI - năm 2023 với chủ đề: “Định hướng bản thân - Chọn nghề phù hợp”. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Bài 1: Đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực

Phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông chính là định hướng phân bổ tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở hoặc Trung học Phổ thông hướng vào học tập, rèn luyện theo các con đường phù hợp, tiếp tục học tập theo chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia thị trường lao động.

Nỗ lực thực hiện

Theo Phó Giáo sư Đỗ Thị Bích Loan,Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, phân luồng nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn hướng đi, phù hợp năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh và đặc điểm tâm sinh lý của bản thân các em, tạo cơ hội cho họ tiếp tục học tập hiệu quả. Đây là giải pháp góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu nhân lực, phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế, được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục và Đào tạo, toàn xã hội quan tâm.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chủ trương phân luồng học sinh, mỗi năm, Thành phố có khoảng 70% học sinh sau Trung học Cơ sở tiếp tục theo học lớp 10 công lập và 30% học sinh có hướng học tập khác. Ngoài thi vào lớp 10 công lập, tùy điều kiện, khả năng, học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở chọn một trong nhiều con đường học tập như, xét tuyển vào lớp 10 ngoài công lập, học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường đào tạo nghề.

Trong từng năm học, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố có kế hoạch cụ thể tổ chức hoạt động tư vấn, gợi mở trường, ngành nghề phù hợp năng lực, tâm lý, sở trường và điều kiện kinh tế gia đình của học sinh. Cán bộ làm công tác tư vấn, giới thiệu, phân tích và cung cấp thông tin cho các em về hệ thống đào tạo sau Trung học Cơ sở hiện nay, chính sách học bổng, miễn giảm học phí để phụ huynh, học sinh cân nhắc, quyết định.

Các trường Trung học Cơ sở trên địa bàn thành phố triển khai Chương trình giáo dục, hướng nghiệp theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp theo lộ trình chương trình Giáo dục phổ thông 2018; lồng ghép, tích hợp trong quá trình giảng dạy bộ môn, hoạt động giáo dục. Trong hoạt động hướng nghiệp có sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ tư vấn, đại diện tổ chức Đoàn Thanh niên, phụ trách Đội Thiếu niên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân…

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, gần 96.000 thí sinh dự thi và trên 17.000 học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở không tham gia thi tuyển lớp 10 công lập. Trong số đó, nhiều em chọn hình thức học phù hợp năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của bản thân và gia đình như: Vào học tại trường dân lập, học hệ giáo dục thường xuyên, học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc đi du học.

Với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 3 năm triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025”, ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức hơn 6.000 đợt tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp cho trên 284 nghìn lượt học sinh, phụ huynh và giáo viên các trường Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông, các trường trên địa bàn triển khai chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp tuy còn rất thấp song đã có sự tăng dần qua các năm. Năm 2019, tỷ lệ này là trên 9,6%, đến năm 2023 đạt 12,27%.

Chú thích ảnh
Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp Vũng Tàu. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Việc thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở đã và đang góp phần thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh trong chọn lựa nghề nghiệp phù hợp khả năng, điều kiện kinh tế, tránh lãng phí thời gian, kinh phí do không chọn đúng nghề, tạo chuyển biến tích cực trong điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước khắc phục tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ”.

Song, theo nhiều chuyên gia và nhà quản lý, thực tế ở hầu hết các địa phương, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh có chuyển biến tích cực song tỷ lệ học sinh vào sơ sở giáo dục nghề nghiệp sau Trung học Cơ sở đều còn rất thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra, chưa đảm bảo cơ cấu hợp lý nguồn nhân lực giữa các ngành, nghề, trình độ. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, tỷ lệ học sinh trên địa bàn đăng ký vào học tại các trường cao đẳng, trung cấp còn rất thấp, đặc biệt là học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở.

Từ góc độ người làm công tác giáo dục, nhiều giáo viên các trường Trung học Cơ sở, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều nhất quán quan điểm, tư vấn, hướng nghiệp là định hướng, gợi mở để học sinh chọn con đường học tập tiếp theo. Việc tư vấn, định hướng cần khéo léo, không định kiến học sinh yếu kém về học lực mới đi học nghề.

Thạc sĩ Võ Văn Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trường có chức năng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề ở lĩnh vực điện, cơ điện tử, điện lạnh, cơ khí chế tạo, hàn, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, may thời trang… quy mô đào tạo hàng năm gần 4.000 học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực tham gia công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh các trường Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở; tổ chức cho học sinh đến tham quan, trải nghiệm thực tế. Từ năm 2019 - 2023, có trên 5.000 học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở đăng ký học nghề trình độ trung cấp tại trường.

Cũng theo Thạc sĩ Võ Văn Thuận, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trung học Phổ thông còn gặp khó khăn, thách thức như: Tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề với một số phụ huynh; kinh phí, cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động, việc làm của nhiều trường còn thiếu, dẫn đến khó khăn trong tư vấn, giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông.

Theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp, học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở học trung cấp từ 1 - 2 năm. Trong quá trình đào tạo các trường gặp khó khăn khi bố trí học sinh đi học thực hành, thực tập tại doanh nghiệp và giải quyết việc làm vì doanh nghiệp không tiếp nhận người chưa đủ 18 tuổi.

Nhiều em sau khi tốt nghiệp Trung cấp muốn học liên thông lên Cao đẳng để nâng cao trình độ, đủ tuổi lao động, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Nhưng khi học liên thông, học sinh phải đóng toàn bộ chi phí đào tạo nên nhiều trường hợp gặp khó khi theo học.

Là phụ huynh, chị Nguyễn Thu Hải ở thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ lý do chưa cho con đi học nghề sau Trung học Cơ sở: Kỳ thi vào lớp 10, năm học 2023 - 2024, con chị không đủ điểm chuẩn vào Trường Trung học Phổ thông Phú Mỹ và Trường Trung học Phổ thông Hắc Dịch cùng ở trên địa bàn thị xã Phú Mỹ. Cháu có nguyện vọng được đi học nghề. Nhưng họ hàng, bạn bè khi biết tin đã phản ứng, khuyên anh chị cho cháu theo học nội trú tại một Trường Trung học Phổ thông dân lập ở Thành phố Hồ Chí Minh, vì cho rằng, vừa học xong lớp 9 đã đi học nghề là “thiệt thòi, không bằng bạn bằng bè”.

Bài cuối: Đồng bộ giải pháp

Thanh Trà (TTXVN)
Nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh - Bài cuối: Đồng bộ giải pháp
Nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh - Bài cuối: Đồng bộ giải pháp

Phân luồng học sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân và xã hội, góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu phù hợp nhu cầu thị trường lao động, từng bước khắc phục tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ”. Do đó, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, rất cần sự triển khai quyết liệt hơn, kết hợp hiệu quả giữa các giải pháp chính sách, điều tiết của Nhà nước, các giải pháp cụ thể, trực tiếp của các cơ sở giáo dục và đơn vị sử dụng nhân lực sau đào tạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN