Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành chip bán dẫn: Nhập cuộc để bứt tốc

Công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất công tơ điện tử đúng tiêu chuẩn. Vấn đề thương hiệu hiện nay được các doanh nghiệp rất chú trọng. Ảnh tư liệu: Ngọc Hà/TTXVN

Tại Việt Nam, công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai từ nhiều năm nay và đạt chất lượng cao,  vào nhóm các ngành nghề xếp hạng cao rên thế giới. Tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất ít so với tiềm năng và nhu cầu phát triển. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, vi mạch. 

Nhiều cơ sở đào tạo lớn có tiềm năng

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có khoảng 11 cơ sở đào tạo có chương trình đào tạo sát với ngành bán dẫn và vi mạch; 35 trường có chương trình đào tạo hoặc chuyển đổi từ những nhóm ngành nghề liên quan đến bán dẫn và vi mạch.

Hiện nay, một số ngành đào tạo nền tảng để phát triển thiết kế vi mạch tại Việt Nam của các đại học lớn như Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã góp mặt trong các bảng xếp hạng của thế giới như: nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Kỹ thuật – Công nghệ; Toán học đều có vị trí xếp hạng từ 301-550 thế giới (theo bảng xếp hạng của Tổ chức QS).

Theo đánh giá của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam đang có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy toán tốt, nhân lực có trình độ cao không ngừng tăng. Các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, đặc biệt lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hoá, điện tử, kỹ thuật máy tính đang dành được sự quan tâm của các thế hệ trẻ. Đây là các lĩnh vực có liên quan đến các công đoạn khác nhau trong ngành công nghiệp bán dẫn. Bởi thế, các cơ sở đào tạo trong nước cần có kế hoạch đào tạo, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực để tận dụng lợi thế này.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Mạnh Hà, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có 4 trường đào tạo liên quan đến thiết kế vi mạch gồm: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Trường Đại học Quốc tế. Quy mô các ngành liên quan chiếm 18,7% và các ngành gần chiếm 5,8% tổng quy mô đào tạo, với trên 3.500 chỉ tiêu/năm; trong đó, quy mô đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch có khoảng 200 sinh viên và 50 học viên sau đại học mỗi năm. Điểm xét tuyển đầu vào các ngành kỹ thuật và công nghệ thường xuyên nằm trong tốp đầu (từ 24-hơn 28 điểm).

Lợi thế của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là có đội ngũ giảng viên và nghiên cứu khá đầy đủ, chất lượng và kinh nghiệm, đặc biệt là các ngành kỹ thuật và công nghệ. Nhiều nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và vài nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Đặc biệt, Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch được thành lập năm 2005, trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết kế và chế tạo các chip vi xử lý 8-bit SG8v1, 32-bit VN1632; thiết kế và chế tạo lõi IP ứng dụng bảo mật dữ liệu.

Mục tiêu của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2023-2030 là đào tạo 1.500 kỹ sư, cử nhân, 500 thạc sỹ và 15.000 chứng chỉ thiết kế vi mạch; xây dựng 4 phòng thí nghiệm đào tạo và 2 phòng thí nghiệm chuyên sâu; thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Mạnh Hà cũng chỉ ra một số khó khăn trong đào tạo đó là chưa có mã ngành thiết kế vi mạch, còn thiếu chương trình đào tạo, các khoá đào tạo và thiếu chính sách hỗ trợ đội ngũ giảng viên, chuyên gia cũng như thu hút sinh viên giỏi. Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu; chưa có trung tâm nghiên cứu thiết kế vi mạch kết nối doanh nghiệp, trường đại học, chuyên gia, thực hành chế tạo, thử nghiệm và kiểm thử.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thanh Tùng, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Đại học Quốc gia Hà Nội có khoảng 20 ngành đào tạo có liên quan đến bán dẫn và vi mạch, với khoảng 1.500 sinh viên/năm. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã phát triển các nhóm nghiên cứu bán dẫn và vi mạch gồm: thiết kế, chế tạo chip, phát triển sản phẩm ứng dụng; đồng thời, đầu tư các trang thiết bị, phòng thí nghiệm như: thiết kế vi mạch SISlab (hơn 40 tỷ từ năm 2006); Phòng sạch, vi chế tạo, vật liệu (hơn 100 tỷ), trong đó có Trung tâm Nano và năng lượng (từ năm 2011) và Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ micro và nano (năm 2016).

Cùng có thế mạnh đào tạo các lĩnh vực khoa học kỹ thuật – công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 7 ngành đào tạo gần và 2 chuyên ngành đào tạo đúng về vi mạch, với hơn 3.000 chỉ tiêu mỗi năm. Đại học Bách khoa Hà Nội đã triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các khâu: thiết kế, sản xuất và phát triển ứng dụng; phòng thí nghiệm đã được đầu tư đầy đủ trang thiết bị phục vụ sản xuất và kiểm chuẩn linh kiện bán dẫn. Cùng với đó, Đại học Bách khoa Hà Nội có chất lượng đầu vào của sinh viên tốt, đội ngũ cựu sinh viên lớn và hiện nhiều người làm việc trong các doanh nghiệp vi mạch.

Song Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng nêu một số thách thức trong đào tạo hiện nay như: cơ sở vật chất chuyên sâu cho chip bán dẫn còn thiếu phần mềm, máy móc đo kiểm, chế tạo thử nghiệm; học liệu và bài thí nghiệm chưa đồng bộ; số lượng giảng viên/sinh viên thấp và số lượng sinh viên học đúng chuyên ngành còn ít; đa phần các sinh viên lựa chọn học ngành phần mềm.

Đại học Đà Nẵng hiện có 7 chương trình đào tạo liên quan đến vi mạch bán dẫn, với khoảng 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Đại học Đà Nẵng dự kiến mở mới 2-3 chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực vi điện tử, thiết kế vi mạch, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024 với khoảng 100-150 chỉ tiêu/năm. Đồng thời, tăng cường đội ngũ nhân lực và hợp tác mời các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế tham gia giảng dạy, nghiên cứu; rà soát, cập nhật các chương trình đào tạo (các ngành gần) để bổ sung các học phần chuyển đổi liên quan đến lĩnh vực vi mạch, bán dẫn; tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn (3-6 tháng) cấp chứng chỉ.

Bước sang giai đoạn 2025-2030, Đại học Đà Nẵng định hướng đẩy mạnh đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm; tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các hội thảo quốc tế uy tín; hợp tác nghiên cứu chế tạo mẫu thử với một số trường đại học, viện nghiên cứu nước ngoài. Bên cạnh đó, Đại học Đà Nẵng sẽ thành lập Trung tâm nghiên cứu vi mạch bán dẫn, kết hợp “nhà quản lý – doanh nghiệp – nhà trường”; thiết lập mạng lưới đào tạo kỹ sư vi mạch bán dẫn quốc tế…

Đề xuất các chính sách thúc đẩy đào tạo

Lĩnh vực chip bán dẫn là một lĩnh vực đặc thù, yêu cầu kiến thức liên ngành và thời gian tích luỹ kinh nghiệm dài, hiện chưa nhận được sự quan tâm đúng mực của người học. Việc đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thiết bị, phần mềm chuyên dụng tốn kém nên chưa được đầu tư đồng bộ. Do vậy, để tăng quy mô đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn trong thời gian tới, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thanh Tùng  cho rằng: Về cơ chế, chính sách, cần mở mã ngành đào tạo thí điểm về bán dẫn và vi mạch, đào tạo chuyển đổi từ các ngành gần, liên quan sang; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, đồng hành với các cơ sở đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và vi mạch; thu hút các nhà nghiên cứu giỏi trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch tham gia giảng dạy tại các trường đại học.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, cần có chiến lược cấp quốc gia về công nghiệp bán dẫn để huy động được các nguồn lực lâu dài. Đồng thời, bổ sung mã ngành cấp 4 cho  thiết kế vi mạch (cả đại học và sau đại học); đẩy nhanh việc mở thí điểm ngành thiết kế vi mạch cho các trường đủ năng lực. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế xác định chỉ tiêu phù hợp cho ngành thiết kế vi mạch; cơ chế phối hợp và chia sẻ phòng thí nghiệm dùng chung do đầu tư phòng thí nghiệm rất tốn kém.

Bên cạnh những kiến nghị chính sách đối với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, Đại học Đà Nẵng cũng kiến nghị các chính sách từ phía địa phương. Cụ thể, thành phố Đà Nẵng cần có chính sách thu hút doanh nghiệp vi mạch bán dẫn; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu tại các trường (hỗ trợ thủ tục hành chính, kinh phí đi lại, lưu trú...). Địa phương cũng cần chủ động xây dựng Trung tâm nghiên cứu vi mạch bán dẫn, với hệ sinh thái là Nhà nước – Doanh nghiệp và trường Đại học; có chính sách hỗ trợ giảng viên thực hiện đề tài khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Chia sẻ tại Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Các trường đại học nếu cách đây 20 năm chưa chắc gánh vác được trách nhiệm này, nhưng với tiềm lực hiện nay của hệ thống đại học cả công, cả tư, với hệ thống doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự quan tâm của Chính phủ, các địa phương… thì “thời cơ đã chín muồi”.

“Nếu phát triển được lĩnh vực công nghệ bán dẫn, chúng ta sẽ  nâng tầm được vị thế của đất nước. Câu chuyện này không phải chỉ là câu chuyện của một lĩnh vực sản xuất bình thường. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ý thức được sâu sắc trách nhiệm, sứ mệnh của ngành và xác định, đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên số một trong các chỉ đạo chuyên môn của phần giáo dục đại học, trước hết trong năm 2024 và các năm sau”- Bộ trưởng cho biết.

Đề cập tới việc “cần có các giải pháp đột phá”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, đây là ngành mới, không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ, mà phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ. Trước hết, những giải pháp về mặt thể chế, cần đề xuất những tầm giải pháp cao hơn như Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện các bước chuẩn bị, trong đó chủ trì xây dựng một kế hoạch phát triển và sẽ có một bộ phận điều hành để điều phối chung. Trong thời gian sớm nhất, Bộ sẽ hoàn thành chuẩn chương trình đào tạo cho các nhóm ngành đào tạo này và các đơn vị tổ chức xây dựng chương trình, phê duyệt chương trình theo cơ chế đặc biệt.

Với các trường đủ quyết tâm chứng minh được khả năng của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng cho các trường tuyển sinh sớm. Bộ sẽ ban hành Thông tư và quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo, sử dụng chương trình của nhau, sử dụng chương trình của nước ngoài… Bộ trưởng mong muốn, các cơ sở đào tạo hướng đến tư duy toàn cầu, phát triển cả nghiên cứu và đào tạo, nghĩ đến tương lai có ngành công nghiệp bán dẫn riêng của Việt Nam và cung cấp nguồn nhân lực cho nước ngoài.

Việt Hà (TTXVN)
Việt Nam tìm hướng cung cấp nhân lực công nghiệp chip bán dẫn
Việt Nam tìm hướng cung cấp nhân lực công nghiệp chip bán dẫn

Ngày 17/10, trao đổi với báo chí về đào tạo nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm về đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu trong ngành này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN