Video ông Nguyễn Phú Hùng chia sẻ về việc phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam:
Ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Việt Nam có nhiều cơ hội trong phát triển công nghiệp chip bán dẫn trong thời gian tới. Tuy nhiên thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực".
Việt Nam có khoảng 5.000 kĩ sư hoạt động trong lĩnh vực chip bán dẫn. Mỗi loại chip đều đỏi hỏi công nghệ rất cao. Ông Nguyễn Phú Hùng cho biết: "Trong 3 khâu: Thiết kế, chế tạo và đóng gói, Việt Nam tập trung vào thiết kế. Đây là khâu đòi hỏi có nguồn nhân lực trình độ cao. Thời gian tới, chúng ta sẽ phải có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm tại Việt Nam. Hoặc đầu tư các phòng thí nghiệm trong các viện trường có lĩnh vực này".
Bộ KH&CN khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài chung tay. Thông qua các chương trình phải đẩy mạnh là chuyển giao công nghệ, hợp tác song phương, đa phương đối với các nước có thế mạnh khoa học công nghệ lĩnh vực chip bán dẫn, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu làm chủ công nghệ.
Để phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn phải xây dựng các chính sách đầu tư và hỗ trợ trang thiết bị đo lường kiểm định các sản phẩm của chip bán dẫn theo đúng chuẩn, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm. Cùng với sự vào cuộc của các bộ ban ngành, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Đỗ Thành Long, Chánh văn phòng Bộ KH&CN cho biết, trong quý IV/2023, Bộ tập trung hoàn thiện một số cơ chế, chính sách pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Bộ tiếp tục rà soát, sắp xếp các đơn vị trực thuộc Bộ theo quy định tại Nghị định 28/2023/NĐ-CP của Chính phủ; tổ chức triển khai các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương về khoa học và công nghệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt chú trọng các nước là đối tác chiến lược, chiến lược toàn diện với Việt Nam; thúc đẩy các hoạt động hợp tác trên cơ sở thế mạnh của đối tác, nhu cầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác về khoa học và công nghệ gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong quý IV-2023, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp tổ chức: Hội nghị giao ban KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đông Nam Bộ; Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới; Techmart Việt Nam 2023; Techfest quốc gia; Khóa họp của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác KH&CN giữa Bộ KH&CN và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBF); Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.