Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết trong vài tuần tới sẽ hợp tác với các ngành sản xuất công nghiệp liên quan để tìm ra giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu hụt trầm trọng chip bán dẫn trong bối cảnh nhu cầu về nguyên liệu này ngày càng cao, cao hơn tới 20% so với năm 2019.
Số liệu khảo sát cho thấy trong năm 2021, những loại chíp bán dẫn chủ chốt dành cho sản xuất công nghiệp chỉ đáp ứng đủ dự trữ trung bình cho khoảng 5 ngày trong khi số lượng dự trữ trung bình hồi năm 2019 là 40 ngày. Theo giới chuyên gia, lượng chíp bán dẫn dự trữ ít như vậy là tình trạng rất đáng lo ngại bởi chỉ cần nguồn này cạn kiệt một lần cũng có thể khiến cả chuỗi cung tê liệt.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã lên tiếng kêu gọi Quốc Hội nước này hãy sớm thông qua dự luật Đổi mới và Cạnh tranh, để chính phủ Mỹ sớm có nguồn ngân sách khoảng 52 tỷ USD đầu tư cho việc đẩy mạnh sản xuất chíp bán dẫn trong nước và giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, vốn đã trở nên rất bấp bênh kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Với việc nguồn chíp bán dẫn dự trữ còn ít như hiện nay, không ít các công ty của Mỹ có thể sẽ đối mặt với tình trạng tê liệt dây chuyền sản xuất các mặt hàng thiết yếu như ô tô, thiết bị y tế hay đồ gia dụng điện tử như máy thu hình (TV), tủ lạnh mà hệ lụy là họ buộc phải cho lao động nghỉ việc.
Hiện một số công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ đã tuyên bố đầu tư khoảng 80 tỷ USD vào sản xuất chíp bán dẫn trong nước từ nay tới 2025 và việc đưa các ngành công nghệ cao, trong đó việc đưa ngành sản xuất chíp điện tử về trong nước cũng là một trong những ưu tiên của chính quyền của Tổng thống Biden.
Từ nhiều năm nay, các hãng sản xuất của Mỹ đã phụ thuộc khá nhiều vào nguồn chíp bán dẫn từ các chuỗi cung ứng đặt tại châu Á. Giới chuyên gia cho rằng nước Mỹ sẽ không thể giải quyết được vấn đề đòi hỏi công nghệ cao này trong ngày một ngày hai, thậm chí trong vòng 6 tháng tới và trước mắt, chính những người dân tiêu dùng sẽ là những người thiệt hại đầu tiên bởi cuộc khủng hoảng thiếu hụt chíp bán dẫn.