Năm học 2020-2021 mở đầu cho sự thay đổi toàn diện giáo dục phổ thông

Nỗ lực và thành công trong năm học vừa qua tạo đà để ngành Giáo dục vững tin thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm học mới 2020 - 2021, năm mở đầu cho sự thay đổi toàn diện khi lần đầu tiên, chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào giảng dạy ở lớp 1.

Chú thích ảnh
Học sinh trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đeo khẩu trang trong lớp học. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Song toàn ngành Giáo dục đã thể hiện nỗ lực và quyết tâm cao nhất, nhanh chóng “bắt nhịp” với diễn biến dịch bệnh để đưa ra quyết sách phù hợp, hoàn thành nhiệm vụ năm học với mục tiêu “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Nỗ lực và thành công trong năm học qua tạo đà để ngành Giáo dục vững tin thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm học mới 2020 - 2021, năm mở đầu cho sự thay đổi toàn diện khi lần đầu tiên, chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào giảng dạy ở lớp 1.

Chủ động thực hiện mục tiêu kép

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành. Theo đó, toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản. Mục tiêu xuyên suốt trong 9 nhóm nhiệm vụ của năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục.

Căn cứ Chỉ thị này và tình hình thực tiễn, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu với UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2020-2021 ở địa phương và tổ chức triển khai kế hoạch, lưu ý các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 sẽ tổ chức dạy và học trực tuyến qua internet, trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn đang phức tạp, việc dạy và học trực tuyến vẫn phải tiếp tục để đảm bảo được sự chủ động trong năm học 2020-2021. Để dạy học trực tuyến tốt, các nhà trường cần có kế hoạch chỉ đạo các tổ chuyên môn thảo luận, xây dựng giáo án dạy học trực tuyến theo các chủ đề. Trong đó, các thầy cô giáo chú ý giao nhiệm vụ cho học sinh trước để nghiên cứu, tìm hiểu, thực hiện các yêu cầu của giáo viên trên các bài học trực tuyến.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy 10 môn học ở cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông. Việc điều chỉnh nội dung dạy học này nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Đồng thời, Bộ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chấn chỉnh việc thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020-2021 và đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh việc xử lý nghiêm tình trạng lạm thu, trong trường hợp tổ chức học trực tuyến thì mức thu học phí không vượt quá khung học phí quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ.

Năm học 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian nghỉ hè ít hơn mọi năm, công tác chuẩn bị cho năm học mới của các trường có phần gấp rút hơn. Đặc biệt, việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho giáo viên, học sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Các trường duy trì thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Sẵn sàng các điều kiện dạy và học chương trình mới

Năm học 2020 - 2021, Hà Nội tiếp tục là địa phương có quy mô lớn nhất cả nước với gần 2.800 trường học và hơn 2,1 triệu học sinh. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2020 - 2021, toàn thành phố tăng thêm 44 trường (25 trường công lập và 19 trường tư thục) và hơn 67.000 học sinh so với năm học trước. Thành phố đã cấp tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị cho các cấp học chuẩn bị năm học mới trên 804,7 tỷ đồng.

Xác định điều kiện quan trọng, có tính chất quyết định đến hiệu quả triển khai chương trình giáo dục phổ thông là đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cơ cấu lại đội ngũ giáo viên các cấp học, trong đó ưu tiên bổ sung đủ giáo viên dạy khối lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, các trường Tiểu học trên địa bàn thành phố đã hoàn thành khâu chọn sách giáo khoa lớp 1, phân bổ tới các trường để sử dụng cho năm học 2020 - 2021.

Chia sẻ về kế hoạch triển khai năm học mới của một tỉnh miền núi, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho biết: Năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục Sơn La thống nhất quan điểm, chủ trương tiếp tục tập trung, kiên trì thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp cải tiến chất lượng giáo dục một cách thực chất, bền vững với lộ trình phù hợp điều kiện thực tiễn. Địa phương phấn đấu tăng tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình, đồng thời tăng cường công tác quản lý, quản trị trường học; tăng cường quản lý dạy học và kiểm tra đánh giá.

Đặc biệt, Sơn La tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo Đề án tăng cường đầu tư cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh sẽ bố trí đủ biên chế giáo viên, nhân viên triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Toàn ngành phấn đấu thi đua với mục tiêu không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa chia sẻ: Trong năm học mới, Đắk Lắk chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tỉnh bảo đảm 100% học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông mới có sách giáo khoa khi đến trường.

Theo thống kê, Đắk Lắk có trên 2.000 học sinh thuộc hộ cận nghèo. Ngành Giáo dục đã vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ các em đủ sách đến trường. Bên cạnh đó, địa phương chỉ đạo các trường dùng kinh phí thường xuyên mua bộ sách mới cho thư viện. Những học sinh không có điều kiện mua sách, nhà trường sẽ cho mượn. Ngành Giáo dục Đắk Lắk đã hoàn thành việc tập huấn cho trên 4.000 cán bộ, giáo viên, lựa chọn, phân bổ sách giáo khoa lớp 1 về cho các trường.

Chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới của lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021- 2022, Đắk Lắk đang chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tỉnh sẽ thành lập một Hội đồng chọn sách giáo khoa riêng trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu  Trần Thị Ngọc Châu cho biết: Năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 1, tỉnh đã hoàn tất công tác chuẩn bị đội ngũ và cơ sở vật chất. Do chương trình mới tổ chức học 2 buổi/ngày, các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh phải tính toán sắp xếp, bố trí, gia tăng phòng học… ưu tiên cho học sinh lớp 1.

Bà Trần Thị Ngọc Châu chia sẻ: Năm học 2019 - 2020 đi qua với khá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, bằng sự cố gắng, đồng lòng của toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, công tác chuẩn bị cho năm học mới, năm bản lề cho sự thay đổi toàn diện của hệ thống giáo dục Việt Nam đã sẵn sàng.

Không chỉ rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho năm học mới, nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được thông qua. Đơn cử, năm học 2020 - 2021, mức hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên nâng từ 30% lên 50%. Kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh. Học sinh từ Mầm non đến Trung học Phổ thông công lập tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền khám sức khỏe chuyên khoa.

Đến thời điểm này, tất cả các địa phương đã sẵn sàng bước vào năm học mới 2020-2021 với tâm thế chủ động, sáng tạo, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo tiền đề thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021-2025 của ngành Giáo dục.

Việt Hà (TTXVN)
75 năm giáo dục Việt Nam: Từ phổ cập giáo dục đến đổi mới căn bản, toàn diện
75 năm giáo dục Việt Nam: Từ phổ cập giáo dục đến đổi mới căn bản, toàn diện

Trong 75 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để cải cách, đổi mới nền giáo dục nước nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN