Ông có thể cho biết lý do ra đời của Trường Cao đẳng Nghề Chu Lai – Trường Hải?
Trước hết là xuất phát từ định hướng chiến lược của Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải đến năm 2018: Phải củng cố năng lực cạnh tranh cốt lõi, tham gia vào các hoạt động ngành công nghiệp ôtô trong khu vực AFTA và thế giới; tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và hội nhập khu vực AFTA với các sản phẩm ôtô và linh kiện phụ tùng có các thế mạnh cạnh tranh, giá trị cao... Muốn làm được điều đó, cần phải xây dựng nguồn nhân lực có năng lực, nhưng ở địa phương nguồn nhân lực có trình độ và năng lực rất ít. Việc thành lập Trường Cao đẳng Nghề Chu Lai – Trường Hải là một thực tế khách quan, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về cung cấp nguồn nhân lực lao động có trình độ kỹ thuật cho Khu công nghiệp cơ khí ôtô Chu Lai - Trường Hải và cả Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung. Đồng thời cũng phù hợp với “Quy hoạch phát triển mạng lưới Trường Cao đẳng nghề, Trường Trung cấp nghề và Trung tâm dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” theo Quyết định 07/2006/QĐ-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Sự khác biệt giữa Trường Cao đẳng Nghề Chu Lai – Trường Hải và các trường dạy nghề khác?
Sự khác biệt đầu tiên mà chúng ta có thể nhìn thấy được là tại Trường Cao đẳng Nghề Chu Lai – Trường Hải, quá trình sản xuất và quá trình học được diễn ra song song và liên tục. Hay nói một cách khác là, “học trong quá trình sản xuất – sản xuất trong quá trình học”. Thứ hai là được ứng dụng tư duy, ứng dụng trực quan công nghệ mới vào sản xuất, việc này thật sự rất hiệu quả. Thứ ba, trang thiết bị máy móc thực hành đều có sẵn tại các nhà máy, không phải mua sắm tốn kém như các trường ngoài doanh nghiệp. Thứ tư, lãnh đạo các khoa chính là giám đốc các nhà máy, họ có trình độ về chuyên môn nghề nghiệp, có kinh nghiệm quản lý thực tế và có cả thực tiễn sản xuất, kể cả việc họ luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ cho nhà trường. Thứ năm, là sự khác biệt về mục tiêu đào tạo. Mục tiêu nhà trường đặt ra là làm cho người công nhân từ “Yêu lao động có kỷ luật đến yêu nghề có kỹ thuật”: Muốn làm được như vậy, nhà trường phải đào tạo người học có kiến thức, kỹ năng thực hành, đạo đức lương tâm nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, sức khỏe và đặc biệt biết ứng dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật vào thực tiễn để giải quyết những yêu cầu cần thiết trong sản xuất. Tất cả những điều này giúp cho người lao động có đủ kỹ năng làm việc, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.
Trong quá trình đào tạo từ sơ cấp nghề, trung cấp nghề đến cao đẳng nghề, nhà trường còn liên kết các trường đại học để đào tạo nâng cao trình độ tay nghề kỹ thuật theo nhu cầu, tạo ra đội ngũ nhân lực vững mạnh đáp ứng chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Khu Công nghiệp cơ khí ôtô Chu Lai - Trường Hải, Khu KTM Chu Lai và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung.
Ngoài ra, khi học tại Trường Cao đẳng Nghề Chu Lai - Trường Hải, học sinh – sinh viên (HSSV) được công ty miễn học phí hoàn toàn và lo cho việc ăn ở, đi lại. Hơn thế nữa, học viên còn được công ty trả lương vào tháng thứ 6, sau đó cứ mỗi tháng tăng thêm 100 ngàn đồng, ra trường sẽ là công nhân chính thức của công ty đã có tay nghề cao, bậc thợ giỏi. Đây là điều khác hẳn mà các Trường đào tạo nghề bên ngoài không thể làm được.
Vậy còn chất lượng đội ngũ giáo viên của nhà trường hiện nay?
Hiện nay, trường có 28 cán bộ, giáo viên, trong đó có 6 cán bộ quản lý và 22 giáo viên cơ hữu. Trong lực lượng cán bộ giảng dạy cơ hữu đã có 2 tiến sỹ, 4 thạc sỹ và 100% đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành và có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm ở các trường đại học hoặc trường kỹ thuật quân đội, luôn đảm bảo cho 4 ngành học hiện có tại trường. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên có 15 giáo viên thỉnh giảng là tiến sỹ, thạc sỹ ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, trường còn có 2 trung tâm đào tạo ngoại ngữ - tin học và giáo dục thường xuyên, nhằm đào tạo tin học - ngoại ngữ và kiến thức cho lực lượng CB,CNV của công ty.
Kế hoạch tuyển sinh cho năm học mới và chiến lược phát triển sắp tới của trường?
Rút kinh nghiệm từ năm học đầu, năm học thứ hai này nhà trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Về công tác tuyển sinh, ngoài việc tuyển chọn lực lượng công nhân tại các nhà máy của công ty, thì theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Trần Bá Dương, để tỏ lòng tri ân với người dân quê hương Núi Thành nói riêng, Quảng Nam nói chung đã giúp THACO phát triển đến ngày hôm nay, việc tuyển sinh phải ưu tiên con em của địa phương có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường sẽ tuyển các em vào học, chăm lo cho các em theo chính sách của nhà trường. Trong năm học này, trường đã phát triển thêm 9 ngành học, số lượng CBGV và NV cũng tăng lên 50 người.
Trong tháng 10/2011, nhà trường đã hợp tác với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khai giảng đào tạo khóa kỹ sư thực hành đầu tiên, lực lượng được chọn đào tạo là quản đốc, phó quản đốc, chuyền trưởng, chuyền phó ở các phân xưởng, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 400 kỹ sư thực hành cộng với 400 kỹ sư đại học và cao đẳng hiện có, để đạt con số 25% trên tổng số CBCNV toàn Khu Công nghiệp Cơ khí Ôtô Chu Lai - Trường Hải. Về lực lượng giáo viên, nhà trường sẽ gửi đi đào tạo thạc sỹ tại Hà Nội, Đà Nẵng, mục tiêu đến năm 2015 sẽ có đội ngũ giáo viên mạnh, đạt trình độ 50 - 60% là thạc sỹ trở lên. Đặc biệt, theo chỉ đạo của lãnh đạo Thaco, đến năm 2015 Trường Cao đẳng Nghề Chu Lai – Trường Hải sẽ trở thành Trường Đại học Chu Lai - Trường Hải, đào tạo kỹ sư thực hành hệ 4 năm.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này !
Thực hiện: Trần Thế Vinh - Phạm Đăng Giới