Phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực
Mở đầu câu chuyện về điểm 10 môn Lịch sử, Hảo chia sẻ: Em đến với môn Sử như một cái duyên. Em không đam mê Sử ngay từ đầu nhưng càng học, em lại càng yêu thích, càng có thêm ý chí phấn đấu, nỗ lực.
Năm học lớp 8, Hảo tham gia thi học sinh giỏi môn Lịch sử và kể từ đó đến nay em vẫn gắn bó với môn học này và ngày càng đam mê. Phương pháp học Lịch sử hiệu quả đối với Hảo chính là nắm chắc kiến thức cơ bản cộng với việc tìm hiểu, liên hệ đến các vấn đề thực tiễn, quan tâm đến tin tức thời sự, rèn luyện tư duy logic.
“Học bất kỳ bộ môn nào cũng cần sự quyết tâm và có phương pháp học đúng đắn. Với môn Sử, không thể học tốt bằng cách học thuộc một cách rập khuôn, máy móc”, Hảo cho biết.
Là thành viên Đội tuyển học sinh giỏi Lịch sử của trường liên tục từ lớp 10 đến lớp 12 nên Hảo bước vào Kỳ thi THPT quốc gia với lợi thế có nền tảng kiến thức chắc chắn, tuy vậy em không hề chủ quan. Hảo đã nghiêm túc ôn thi và đặc biệt, luyện cho mình tư duy phản biện. Ở từng câu hỏi, nếu thấy mình làm chưa đúng thì nhất quyết phải chỉ ra được sai ở điểm nào.
Việc giải trí cũng được Hảo chọn lọc, thay vì xem các kênh giải trí thông thường thì em có thói quen tìm xem các phim tài liệu về lịch sử hoặc đọc những bài báo về lịch sử qua kênh Youtube hay các trang mạng uy tín. Bởi em cho rằng điều này vừa giúp mình mở rộng kiến thức vừa trau dồi tinh thần yêu nước, giúp mình yêu thích môn học hơn, tiếp thêm động lực để đạt được những mục tiêu học tập đã đề ra. Bên cạnh đó, em cũng tham gia diễn đàn Câu lạc bộ học sinh giỏi, nơi giúp em làm quen với nhiều bạn học giỏi để trao đổi kinh nghiệm học tập, tham gia các cuộc thi do diễn đàn tổ chức.
“Hảo thông minh, chăm chỉ, ngoan ngoãn, có đam mê với môn Sử, có chí tiến thủ, luôn góp mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi”, cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm của em, nhận xét. Ba năm liên tiếp Hảo giành giải nhì kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, đoạt một huy chương vàng và một huy chương bạc kỳ thi chọn học sinh giỏi các tỉnh duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, năm học lớp 12 em giành giải nhất môn Lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Không chỉ đạt điểm cao môn Sử, điểm môn Địa lý và Ngữ văn của Hảo cũng cao: 9,5 điểm và 8,25 điểm. Trong quá trình học và ôn tập các môn xét tuyể vào đại học em không tập trung vào một môn mà chia đều thời gian học cho cả ba môn để tiếp thu kiến thức tốt nhất. Sáng dậy sớm học Lịch sử, chiều và tối học Ngữ Văn và Địa lý. Kết quả, tổng điểm khối C của Hảo là 27,75 điểm, cao nhất trong số những học sinh thi khối C.
Hai nguyện vọng chính của Hảo là Học viện Cảnh sát và Đại học Luật Hà Nội.
Còn với Nguyễn Thị Thảo Duyên, để có được điểm tuyệt đối môn Lịch sử thì đó là kết quả của cả quá trình bền bỉ không ngừng. Theo cô Nguyễn Thị Nga, Duyên là học sinh ngoan, chăm chỉ, nghiêm túc, có nỗ lực vượt bậc trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia.
Duyên đã kiên trì theo đuổi phương pháp học chắc kiến thức cơ bản, sau đó hệ thống lại theo cách tư duy và diễn đạt của mình để nhớ kiến thức được lâu hơn. Bên cạnh kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và tiếp thu từ bài giảng của cô giáo, Duyên tự tìm tòi mở rộng kiến thức qua sách báo, tham khảo các đề thi để làm và củng cố kiến thức môn học.
Lớp 9, Duyên đã đoạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Lên cấp phổ thông trung học, trở thành học sinh chuyên Lịch sử của Trường Chuyên Nguyễn Trãi, Duyên tiếp tục giành thêm nhiều giải thưởng. Ba năm liền em là học sinh giỏi. Lớp 10, Duyên đoạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi tỉnh và vào năm lớp 12 đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi tỉnh.
Nói về dự định trong tương lai, Duyên cho biết em mong muốn sau này sẽ trở thành luật sư. Hiện em đã đăng ký ba nguyện vọng đều vào trường Đại học Luật Hà Nội.
"Truyền lửa" cho học trò
Duyên và Hảo là hai học sinh đạt điểm 10 trong tổng số 80 điểm 10 môn Lịch sử toàn quốc ở Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019. Là giáo viên chủ nhiệm và cùng giảng dạy bộ môn Lịch sử với cô giáo Nguyễn Lan Phương, cô Nguyễn Thị Nga xúc động: Tôi rất tự hào về các em.
Niềm vui của cô Nga càng được nhân lên khi lớp có sĩ số 32 học sinh thì 24 học sinh đạt điểm 9 và 10 môn Lịch sử. Được biết, mùa tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 lớp chuyên Sử có điểm “đầu vào” gần như thấp nhất khối. Nhưng trong ba năm học các em đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt là giai đoạn nước rút ôn thi Trung học phổ thông.
“Môn Lịch sử là môn nhiều sự kiện, khó học, khó nhớ, nếu không có đam mê, yêu thích thì khó mà học tốt được. Vì thế tôi và các giáo viên cùng bộ môn luôn xác định truyền lửa cho học sinh là nhiệm vụ hàng đầu. Trước khi truyền đạt kiến thức, giúp học sinh tự hào về lịch sử dân tộc, về những đóng góp của môn học trong thực tiễn cuộc sống, từ đó, dần hình thành sự yêu thích đối với môn học”, cô Nga cho biết. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nhờ đó, học sinh không còn cảm thấy môn Lịch sử khô khan và nặng nề.
Trong câu chuyện về điểm thi và thành tích học tập của mình, Hảo và Duyên đều thổ lộ, một trong những điều các em cảm thấy biết ơn nhất là trong suốt ba năm học trung học thì tình yêu với môn Lịch sử ở các em được bồi đắp và lớn lên từng ngày.
Hảo chia sẻ: “Em cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được là học sinh trường Nguyễn Trãi. Ở trường em, giữa cô và trò có mối liên hệ chặt chẽ. Không chỉ tiếp thêm đam mê cho chúng em mà thầy cô, bạn bè giúp em giải đáp nhiều thắc mắc, động viên em vượt qua những lúc áp lực trong học hành, thi cử”.
Cùng chung suy nghĩ ấy, Duyên cho biết: “Các thầy cô truyền đạt kiến thức dễ hiểu và kể nhiều câu chuyện thú vị về lịch sử ngoài sách giáo khoa. Trong những giờ học ngoại khóa hoặc sau mỗi kỳ thi, được xem những bộ phim tài liệu về lịch sử khiến chúng em hứng thú với môn học hơn”.
Duyên cũng đặc biệt thích phương pháp giao bài tập về nhà cho học sinh dưới hình thức làm việc nhóm và thuyết trình trước lớp bởi qua việc chủ động nghiên cứu, tìm tài liệu em và các bạn tích lũy và nhớ kiến thức lâu hơn mà không phải học thuộc nhiều.
Bằng cách dạy học sáng tạo, các giáo viên Lịch sử đã tạo sự lôi cuốn, khơi dậy cảm xúc để nhen nhóm và nuôi dưỡng niềm say mê học tập cho học trò. Những dẫn dắt và gợi mở của người thầy là chất xúc tác quan trọng thôi thúc các em tìm hiểu, nghiên cứu và từng bước đạt được những mục tiêu học tập của chính mình.