Mỗi người một cách để yêu

Với sơ mi trắng, chân váy công sở, quần âu, áo vest, cặp tài liệu chi chít tiếng Anh… hai cô cậu sinh viên chuyên ngành Luật Quốc tế Mai Ngân Hà và Nguyễn Thế Hoàng bước vào cuộc chơi “Thưa quý tòa” trong mùa Diễn án Luật Nhân đạo Quốc tế 2015.


Ban giám khảo và các đội chơi trong ngày khai mạc 7/11.

Cuộc thi Diễn án Luật nhân đạo Quốc tế, vòng thi quốc gia năm nay do Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ (ICRC) phối hợp cùng khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại Giao (DAV) tổ chức, quy tụ 8 đội chơi, là những sinh viên yêu thích ngành Luật Quốc tế đến từ các trường DAV, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội Nhân văn Hà Nội và Đại học Cần Thơ, trong hành trình chọn ra đội chơi xuất sắc nhất đại diện Việt Nam tham gia vòng thi quốc tế tại Hong Kong (Trung Quốc).

Theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Lan Dung, trưởng Khoa Luật Quốc tế (DAV), đây là một cuộc thi mang tính trí tuệ, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu trong một mảng hẹp của Luật Quốc tế, và tương tự các cuộc thi khác, cũng đòi hỏi những người có đam mê và năng khiếu.

Sức hút khó cưỡng của cuộc thi này xuất phát từ tính chất đối đầu, đối kháng, thậm chí là “cân não” bằng lí lẽ và lập luận trước sự chứng kiến của các thẩm phán khách mời trong một phiên tòa giả định. Điều này tạo nên màu sắc thể thao của cuộc thi diễn án này. Và khi rất nhiều trí lực và tâm huyết được đổ ra, nước mắt cũng lăn dài trong hai ngày cuối tuần diễn ra cuộc thi, vì phải dừng lại, và vì được đi tiếp.

Là một sân chơi nhưng tính “để học” của cuộc thi diễn án lại được đánh giá cao khi sinh viên được trải qua một quá trình tập dượt thiết thực để lĩnh hội kiến thức từ các đội thi, giám khảo, tự rèn luyện tâm lý… từ đó xây dựng kĩ năng tranh tụng quốc tế.

Dù tất cả các kì thi diễn án luật đều có tính chuyên môn, học thuật rất cao nhưng không vì thế tính mở bị giới hạn. Nền tảng


kiến thức về luật hay luật quốc tế sẽ là lợi thế, song theo Tiến sĩ Phạm Lan Dung, “nếu có niềm đam mê và mục tiêu, mọi sinh viên đều có thể tham gia những cuộc thi này, để học hỏi và hoàn thiện dần”.

Một điểm lý thú khác là dù được biết trước đề thi, song các đội chơi không thể lường trước tất cả tình huống, câu hỏi xảy ra trong các phiên tranh tụng giả định, và vì vậy phải luôn sẵn sàng phản ứng bằng việc áp dụng các án lệ, thực tiễn, quy định luật...

Đi đôi với việc số lượng đội chơi ngày càng tăng, số lượng ban giám khảo cũng tăng lên tương ứng và được lựa chọn từ nhiều cơ quan tổ chức đơn vị học thuật, gồm các chuyên gia về Luật Quốc tế ở các vụ của Bộ Ngoại giao, luật sư ở các công ty luật, hãng luật nước ngoài và Việt Nam, giảng viên các trường đại học, các nhà ngoại giao tại các đại sứ quán và chính các chuyên gia của ICRC.

Trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình cũng như tích cực tham gia các tổ chức của LHQ, việc sinh viên tham gia cuộc thi diễn án Luật Nhân đạo Quốc tế liên quan đến lĩnh vực gìn giữ hòa bình có tính thực tiễn cao. Tiến sĩ Phạm Lan Dung đánh giá, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì tổ chức và tham gia các cuộc thi diễn án như vậy để nâng cao chất lượng sinh viên Luật Quốc tế, khả năng đào tạo ra một thế hệ các luật gia trẻ thực lực, có kinh nghiệm, có kĩ năng phản xạ, thuyết phục, đáp ứng nhu cầu xã hội… là điều đầy hứa hẹn.

Niềm vui của hai nhà vô địch.

Đối với hai sinh viên Mai Ngân Hà và Nguyễn Thế Hoàng (Luật Quốc tế 40C, Khoa Luật Quốc tế, DAV), cuộc thi năm nay càng thêm phần ý nghĩa khi cả hai đã giành cúp vô địch, thành quả của hơn hai tháng tập trung khổ luyện. Với Hoàng, tình yêu với Luật Quốc tế đến từ việc “luật rất nhiều lí lẽ” và chính bản thân cậu “là người thích dùng lí lẽ để tranh luận các vấn đề”. Còn cô sinh viên nhỏ nhắn Hà lại chia sẻ, xuất phát từ mong muốn mọi việc phải “công bằng”, nên việc học luật mang lại cho cô cảm giác “bảo vệ chính nghĩa”.

Cuộc trò chuyện ngắn với “the justice girl” (cô gái công lý) và “the argue boy” (anh chàng lí lẽ) khiến tôi nghĩ tới câu nói, mỗi hành trình dài đều bắt đầu bằng những bước đi nhỏ nhất. Khi đam mê được gọi tên là lí do cho hành động, thì tình yêu hoàn toàn có thể nảy mầm ngay từ những điều, khoản, quy định thủ tục pháp lý trên nhiều trang giấy.

"Với những sinh viên tìm thấy sự thú vị từ ngành thường
bị cho là khô khan

này, chắc chắn là tôi sẽ khuyến khích các em tiếp tục. Vì nói đến luật là nói đến công lý, điều mà tôi tin rằng tất cả mọi người đều trông đợi... Việc theo đuổi ngành Luật Quốc tế không hề dễ dàng, nhưng điều này là cần thiết vì đó là thành tố quan trọng trong xã hội con người".

Bà Cherine Polini, đại diện ICRC tại Việt Nam


"Luật Quốc tế là một ngành khó, mang tính kĩ thuật, liên quan đến chính trị quốc tế, quan hệ quốc tế. Nhưng nếu đam mê, yêu thích, tôi tin sinh viên có thể thành công".

Tiến sĩ Phạm Lan Dung, trưởng khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam.


Anh Tiếu
Quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển
Quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển

Cuộc tọa đàm “Quy chế pháp lý của các cấu trúc trên biển” đã diễn ra tại Học viện Ngoại giao Việt Nam để đưa lại cái nhìn rõ nét hơn về những tranh chấp đang diễn ra trên Biển Đông, nơi các cấu trúc địa chất rất phong phú và đa dạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN