Mối lo học sinh thiếu kỹ năng sống

Quỹ thời gian của một bộ phận không nhỏ học sinh là học ở trường, đi học thêm… mà ít tham gia hoạt động ngoại khóa. Những việc trong gia đình như dọn nhà, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo… cũng lại do cha mẹ làm. Những “ưu tiên” này làm cho rất nhiều thanh, thiếu niên dù mỗi năm học mỗi cao nhưng lại vẫn ABC về… vốn sống.

Thiếu sự kết nối với cuộc sống

Chia sẻ với báo Tin Tức, một CEO trong lĩnh vực kinh doanh cho biết: “Trong số những người mới đến tập sự tại công ty, có một thạc sĩ từ Australia về. Cô ấy còn khá trẻ, 26 tuổi. Trong buổi tiếp khách của công ty, tôi đã để cho cô pha trà mời một khách hàng nước ngoài. Khi cô ấy đưa khay trà cho vị khách, ông ta thoáng nhíu mày và đã không uống tách trà đó. Hóa ra, cô gái đã cho luôn cả gói giữ ẩm vào tách trà. Khi được hỏi về điều này, cô thản nhiên trả lời: Từ nhỏ tới giờ, em chỉ việc học, không phải làm bất cứ việc gì cả. Vì cha mẹ em bảo chỉ cần học đỗ đạt cao, sẽ có việc làm như ý. Từ đó sẽ có tiền và thuê người làm giúp những việc nhà”.

Vị CEO này chia sẻ thêm, những tình huống tương tự rất dễ gặp ở thanh niên Việt Nam hiện nay. “Đây thực sự là “vấn nạn” do học sinh thiếu kết nối với cuộc sống xung quanh. Có một số thanh thiếu niên rất giỏi toán, giỏi văn trong trường học, nhưng tôi thấy các em luôn mệt mỏi và nhút nhát. Trong khi ở độ tuổi này cần đến sự hoạt bát, nhanh nhạy và tràn sức sống”, vị giám đốc nhận định.

Gần đây, mạng xã hội “dậy sóng” từ khảo sát của thầy giáo dạy toán trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh). Đây là điều tra về một lớp chọn 12 của trường: “Có 41/45 em, thường đi qua sông suối. Trong đó, chỉ có 4 em biết bơi, kiểu bơi "chó ngoi nác lụt" (Chó ngoi nước lụt - PV).

Kỹ năng sống chỉ có được khi có sự kết nối với cuộc sống bên ngoài trường học. Ảnh: dgsmart.com.vn.


Số còn lại, chỉ biết lặn, kiểu lặn "xuống nước, ba ngày sau mới nổi". Có 45/45 em thường xuyên ăn cơm. Trong đó chỉ có 15 em biết nấu cơm, nhưng trong 15 em biết nấu thì chỉ có 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình. Có 17/45 em thỉnh thoảng có rửa bát. Có 45/45 em đọc sách (nhưng là đọc các sách giáo khoa). Trong đó có 5 em có đọc sách truyện, nhưng lại bị bố mẹ cấm đoán, phải đọc lén. Có 2 em đã đăng kí mượn sách thường xuyên tại tủ sách miễn phí của thầy giáo, nhưng sau khi bị bố mẹ phát hiện, lại xin thôi…”.

Từ khảo sát này, có thể thấy, giáo dục đang quá coi trọng kiến thức hàn lâm mà nhẹ về kỹ năng sống trong trường học. Nhiều bậc phụ huynh thừa nhận, áp lực có một tấm bằng đại học khiến họ luôn thúc giục các con học. Học ở trường chưa đủ, phải tới nhà riêng của thầy cô, thuê gia sư về dạy.

Cô Phạm Hiền, giáo viên trường THPT Ngô Thì Nhậm (Ninh Bình) cho biết: “Nhiều phụ huynh tâm sự rằng xã hội bây giờ có quá nhiều cám dỗ: Các quán game, shop quần áo, nhà hàng, khu vui chơi, thậm chí nhà nghỉ; nên để đảm bảo con đi học “đến nơi về đến chốn”, phụ huynh phải đưa đón, dù con học lớp 12. Học sinh ngoài học chính buổi sáng, ôn tập theo khối thi vào buổi chiều; sau đó, tham gia các lớp học thêm, luyện thi theo ca. Có những em tôi biết, về đến nhà đã là 10 giờ đêm, lại tiếp tục học. Như vậy làm gì có thời gian mà vui chơi, giải trí, đá bóng… hoặc giúp bố mẹ việc nhà”.

Cần một chương trình quốc gia


Phân tích về thực trạng dạy kỹ năng sống trong trường học, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý học Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nói: “Dạy kỹ năng mềm cho học sinh phổ thông phải khác hoàn toàn với cách dạy các bộ môn văn hoá trong chương trình phổ thông hiện nay. Thế mà nhiều trường dạy học sinh kỹ năng sống lại vẫn mở tài liệu rồi “đọc chép” cho học sinh. Vì giáo viên không được đào tạo để thay đổi nhận thức và quan trọng là không có được năng lực, kỹ năng truyền đạt đúng với đặc trưng của dạy kỹ năng sống”.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, hiện nay, một số nhà trường đã mời chuyên gia đến dạy, nhưng chuyên gia đi rồi thì sự học của các em lại “nguội tắt” theo. Đây là công việc cần được giáo viên phổ thông uốn nắn, giúp đỡ, rèn giũa hàng ngày trong các giờ lên lớp, giờ sinh hoạt. Thực tế, dạy kỹ năng sống cho học sinh phổ thông hiện nay vẫn 3 không: Không có cơ chế, không có biên chế nhân lực, không có cả thời gian để triển khai. Vì vậy, để có chuyển biến trong giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, phải cần một chương trình quốc gia.

Nhìn nhận ở góc độ tâm lý, TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, kỹ năng sống đối với trẻ là điều tối quan trọng. Kỹ năng sống bao gồm: Kỹ năng thoát hiểm; ứng phó, ứng biến; Kỹ năng sử dụng các vật dụng (mọi vật dụng, đặc biệt là vật dụng nguy hiểm); khám phá cuộc sống một cách an toàn và hiệu quả; kỹ năng thể hiện trước người khác.

“Khi tai nạn hay tình huống nguy hiểm xảy ra, nếu giỏi văn, giỏi toán mà không biết cách thoát hiểm thì mọi việc giỏi kia trở nên công cốc. Lúc bấy giờ, việc cần làm là phải biết cách thoát ra khỏi nơi nguy hiểm một cách an toàn và hiệu quả”, TS Vũ Thu Phương khẳng định.


Lê Vân
Hội thảo “Nâng cao kỹ năng sống”

Nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”, hội thảo chuyên sâu “Nâng cao kỹ năng sống” với chủ đề “Làm thế nào để bản thân giới trẻ sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực?” sẽ diễn ra ngày 11/3/2014, tại Tòa nhà Trung tâm Thông tấn Quốc Gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN