Kỹ năng sống - cả nhà cùng học

Mô hình gia đình hiện đại, cha mẹ chỉ gặp con vài tiếng vào buổi tối, dẫn đến sự xa cách cũng như nảy sinh mâu thuẫn do không hiểu nhau giữa cha mẹ và con cái. Do đó, việc được tham gia các lớp học kỹ năng sống sẽ giúp trẻ vừa được chơi và vừa được học những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống và giúp cho cha mẹ hiểu hơn về tâm sinh lý của con mình.

 

Bài 1: “Vào mùa” học kỹ năng sống

 

Các khóa học kỹ năng sống cho các em, đặc biệt là những em ở độ tuổi tiểu học được mở ra nhiều và ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội.

 

Cùng nấu bữa sáng tại học kỳ sinh tồn. Ảnh: Tâm Việt Group

 

Chị Bích Thuận (Giảng Võ - Hà Nội) tâm sự: "Năm ngoái, tôi cho con gái theo học Học kỳ quân đội kéo dài 10 ngày ở Sơn Tây. Mặc dù, khi đó cháu đã chuẩn bị bước vào lớp 9 nhưng cháu không biết làm việc nhà, thậm chí không muốn học khi mẹ ngỏ ý dạy. Sau khi tham gia lớp học đó, tôi thấy cháu phần nào thay đổi được suy nghĩ, mặc dù không nhiều nhưng ít nhất cháu cũng nhận thức được rõ ràng rằng ở tuổi của cháu thì cần phải làm được nhiều việc nhà hơn để giúp đỡ bố mẹ thay vì cứ ngồi lỳ trên sofa theo dõi mấy chương trình TV cả ngày không biết chán".


Còn với anh Quang Tiến (Khâm Thiên - Hà Nội), phụ huynh của hai cháu trai, cháu lớn 15 tuổi, cháu nhỏ 9 tuổi, thì niềm vui lại là thấy con "biết trò chuyện" hơn sau khi tham gia lớp học kỹ năng sống. Anh Tiến kể: "Hai cháu nhà tôi rất ngại giao tiếp với mọi người. Trong năm học, cứ đi học thì không sao, hễ về đến nhà là chui tọt vào phòng đóng cửa, chẳng trò chuyện với bố mẹ. Bước vào kỳ nghỉ hè, cả hai cháu được nghỉ ở nhà và cũng đóng trái cửa trong phòng tranh giành nhau cái Ipad, chán chê lại quay sang điều khiển TV. Cả ngày ngồi lỳ trong phòng chẳng giao lưu, tiếp xúc với ai. Khi có ông bà hay họ hàng đến chơi, bố mẹ gọi ra chúng chỉ thò đầu ra chào rồi lại quay vào khóa trái cửa". Sau khi biết về lớp kỹ năng sống, anh Tiến đã quyết định đăng ký cho con theo học. "Điều đáng mừng là chỉ sau vài buổi học, các cháu đã thay đổi rõ rệt. Thậm chí, ngày đầu tiên trở về nhà sau khóa học, các cháu thi nhau kể về lớp học thế nào, được học những gì, bạn A, bạn B có những hành động xấu bị bạn bè và các thầy cô phê bình, chê cười… và rút ra được rất nhiều bài học ý nghĩa cho mình. Vợ tôi đã mừng tới phát khóc", anh Tuấn chia sẻ.


Sự thay đổi tích cực của trẻ sau khi tham gia các lớp học kỹ năng sống là điều cha mẹ nào cũng thừa nhận. Chính vì vậy, không ít phụ huynh từ các tỉnh, thành lân cận, cũng đã lặn lội về Hà Nội để cho con theo học. Chị Đoàn Ngọc Hà (Lạng Sơn) cho biết: “Tôi đưa con xuống Hà Nội thuê nhà trọ để cho con theo học lớp kỹ năng sống 5 ngày tại Trung tâm Tâm Việt (Hà Nội). Bé ở nhà rất nhút nhát, không dám giao tiếp với người lạ, tôi hy vọng sau khi tham gia lớp học này bé sẽ thay đổi”.


Khi chúng tôi tìm tới Trung tâm Tâm Việt Group (Hà Nội), cũng là lúc giờ lớp học viên của "Học kỳ sinh tồn" vừa trở về từ Hải Dương. Em Nguyễn Thanh Thủy (SN 1997 - Hà Nội), một học viên của lớp, chia sẻ: "Khóa học kéo dài 10 ngày, đã mang lại cho em rất nhiều điều bổ ích. Em thấy bản thân trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn và biết chăm lo cho các em nhỏ tuổi hơn mình”.


Không chỉ giúp nâng cao nhận thức, các em tham gia các lớp học kỹ năng sống còn được rèn luyện về thể chất, học cách tự thân vận động trong cuộc sống hằng ngày, giúp trẻ phát triển khả năng quan sát, tập trung, tính kiên trì, sự tự tin, độc lập và sáng tạo. Đỗ Nhật Linh (Lớp 5 - Tiểu học Quang Trung), cũng là một thành viên vừa tham gia “Học kỳ sinh tồn” tâm sự: “Sau thời gian tham gia khóa học, con rút ra được bài học là khi có lỗi thì phải nhận lỗi, không đổ lỗi cho người khác và mỗi khi có khó khăn gì cũng phải cố gắng vượt qua. Chúng con còn học nấu cơm, rửa bát và biết nấu món tôm chiên, trứng rán nữa”.


Chị Nguyễn Thu Hương (Trần Hưng Đạo - Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mới cho cả hai cháu, cháu trai 4 tuổi và cháu gái 5 tuổi tham gia Học kỳ sinh tồn của Tâm Việt. Lúc đầu tôi cũng cảm thấy khá lo lắng vì cả hai cháu còn nhỏ tuổi, nhưng về sau cũng cảm thấy yên tâm vì các thầy cô rất tận tình, chu đáo. Con gái tôi đi đến ngày thứ ba thì có biểu hiện sốt, cô giáo ở trung tâm đã liên hệ ngay về gia đình và theo dõi tình hình của con rất sát sao. Ngày hôm sau, thầy cô chụp ảnh hoạt động của con nhiều hơn và đưa lên trang cá nhân của trung tâm nên bố mẹ ở nhà rất yên tâm vì thấy con đã khỏi và đã tham gia hoạt động cùng các bạn rồi”.


Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ, phụ huynh nào cho con cái theo học lớp học kỹ năng sống cũng nhằm mục đích thay đổi điều này hay điều khác mà việc “cho con theo học chỉ đơn thuần là để con được giao lưu, va chạm và tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa” như anh Quang Huy (Hai Bà Trưng - Hà Nội) chia sẻ.

 

Kỹ năng sống là lớp học giúp cho trẻ có thêm môi trường giao tiếp, tăng khả năng tự tin, hòa đồng và sống có trách nhiệm hơn. Thông qua lớp học, trẻ được làm quen, tiếp xúc, tương tác với các bạn, học kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin một cách rõ ràng, rành mạch. Không chỉ dừng lại ở đó, trẻ còn được rèn luyện cách tư duy logic, buộc trẻ tư duy, diễn đạt bằng ngôn ngữ, quan sát hình ảnh trực quan, sử dụng các thiết bị giáo dục giúp trẻ tiếp thu tốt hơn. Giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ biến nhận thức thành hành động, nghĩa là trẻ không chỉ hiểu biết mà còn phải làm được điều mình hiểu, nhằm ứng phó với những yêu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày. Hiện tại Hà Nội có những trung tâm dạy kỹ năng sống như Superkids, SmartFastKids, Tâm Việt Group… dành cho trẻ từ độ tuổi mẫu giáo đến các em học sinh cấp 2 trong dịp hè.



Quỳnh Như - Thu Trang

Bài 2: Dạy con không roi vọt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN