Nhà văn Hồ Thị Hải Âu:

Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu

Nhà văn Hồ Thị Hải Âu đã có những chia sẻ về hành trình nuôi dạy con với khái niệm được lý giải bằng khoa học như: “trung tâm giáo dục”, “mẹ thiên nhiên” “tạo niềm tin”… nhận được nhiều quân tâm của cộng đồng. Với chị, cuốn sách sẽ là sự gợi ý nào đó đối với những người mẹ trẻ.


Nhà văn Hồ Thị Hải Âu.

Thưa nhà văn Hải Âu, lý do gì thôi thúc chị viết cuốn sách “Mẹ Việt – Dạy con bước cùng toàn cầu”?


Khi lần đầu chia tay với con gái Minh Khuê ở sân bay Nội Bài, tôi rất buồn. Lúc đó, tôi có cảm giác tương tự như bao bà mẹ khác khi chia tay con cái vào tuổi chúng trưởng thành. Bản thân những trải nghiệm của tôi cho thấy, con cái sẽ cảm giác tự do khi “thoát khỏi những nguyên tắc, luật lệ do cha mẹ đặt ra, vì thế nó bắt đầu lãng quên mình. Tâm lý học gọi đó là trạng thái phủ nhận, đó là biểu hiện của khát khao khẳng định tính cá nhân của bản thân.


Trong cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” tôi đã viết về trạng thái này. Tôi là một cá nhân cũng giống nhiều thế hệ người Việt, từng được nuôi dạy theo quan điểm giáo dục gia đình có màu sắc nghiêm khắc – hà khắc, kiểu “yêu cho roi cho vọt” thì dường như phải mất gần 20 năm sau khi trưởng thành, tôi mới hiểu hết mẹ và yêu thương mẹ với những gì mẹ dành cho mình. 


Hồi tưởng và có chút suy diễn “Biết đâu, Minh Khuê cũng cần nhiều thời gian để hiểu những gì tôi đã dành cho con suốt 18 năm qua” tôi đã khóc khi lần đầu tạm biệt con gái, khi chuyến phi cơ chở Minh Khuê sang đại học Harvard cất cánh khỏi đường băng Nội Bài… Và, khi trở về nhà tôi viết lại chặng đường nuôi con như thế nào.


Những bài viết trên mạng xã hội Facebook với mục đích dành cho con gái, gửi gắm tâm hồn tôi vào đó, như một lời tâm sự, hồi ký của mẹ viết cho con, để dần dần con sẽ hiểu và cảm nhận trọn vẹn hơn tình yêu của tôi dành cho con. Nhưng rất bất ngờ, nhiều người cảm thấy có sự gợi ý nào đó về con đường tuệ giác để nuôi dạy những đứa con được khỏe mạnh, lành mạnh và hoan hỷ. Và mọi người khích lệ tôi hãy viết một cuốn sách chia sẻ về con đường “làm mẹ” 18 năm mà tôi vừa đi qua.


Tôi rất suy nghĩ về điều này. Đây là một thách thức lớn đối với tôi về mặt cảm xúc và quyền riêng tư. Sau khi trao đổi rất kỹ với con gái, tôi đã nhận được những lời khích lệ sâu sắc như thế này của con gái:


“Mẹ là một người đam mê sự nghiệp giáo dục con người, mẹ đã dành trọn 18 năm và con biết còn hơn thế nữa để tìm ra một triết lý soi sáng con đường mẹ đi, mẹ hãy viết hết ra, mẹ ạ.


Mẹ hãy viết để mọi người mẹ Việt Nam đều thấy họ có trong đó, rằng họ đang làm những việc cho đứa trẻ của họ như cách mẹ đã làm cho con, chỉ có điều họ chưa gọi được tên, chưa hệ thống tất cả thành một triết lý tường minh, mạch lạc như mẹ.


Mẹ hãy can đảm viết tất cả những gì chúng ta đã trải, thẳng thắn và chân thành như là vốn thế và đó là giá trị riêng có của mẹ!”.


Những cảm nhận sâu sắc, ấm áp của Minh Khuê cho thấy không phải đợi đến khi “Lên non mới biết non cao/Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”; không cần đến 20 năm nữa, mà ngay lúc này Minh Khuê đã tràn đầy hoan hỷ và lòng biết ơn sự giáo dục của mẹ một cách chân thành kính yêu. Điều đó, khiến tôi thêm vững tâm, thêm chứng ngộ vào con đường giáo dục con của tôi là đẹp đẽ và hữu ích cho con. Tôi vô cùng hạnh ngộ vì thấu đạt này.


Từ khoảnh khắc đọc thư con gái, tôi nhận thấy rằng, để tỏ lòng hàm ơn cuộc đời, hàm ơn đức tin bền vững đã cho tôi có nguồn năng lượng mãnh liệt để đồng hành cùng con gái 18 năm, cùng con bước đến thành tựu đó là vào được ngôi trường đại học mà con mơ ước - một “bậc thang quan trọng” khi con vào tuổi thành niên – do đó, tôi đã can đảm viết hết, viết những trải nghiệm thực tế quý báu, những nhận thức hiểu biết từ gan – ruột. Tất cả được trình bày trong cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” mà bạn đang cầm trên tay.


Được biết, cuốn sách ra đời như một lời viết thay cho tất cả những bà mẹ Việt. Chị có thể chia sẻ một vài những nét chính mà chị đã gửi gắm trong cuốn sách được ra đời sắp tới, được xem như một hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng của chị và con gái?


Trong xã hội và tâm lý xã hội nói chung đang mơ hồ giữa dạy con thành công, hay dạy con hạnh phúc? Nếu nhắc đi nhắc lại nhiều, hai khái niệm này, hai phẩm chất cuộc sống này dường như đang bị đối lập nhau theo cách suy diễn: “đã thành công thì khó hạnh phúc và ngược lại. Cuốn sách là một nỗ lực không mệt mỏi của tôi để giúp bạn đọc nhận thấy, có thể hoàn toàn tự tin rằng, những đứa trẻ được hưởng một nền giáo dục gia đình trọn vẹn sẽ đạt tới thành công trong hạnh phúc bền vững!


Với nỗ lực để tường minh điều này, với nhiều tình huống thực tế, cuốn sách được thiết kế nội dung mạch lạc để bạn đọc dễ hiểu và thực hành yêu thương với đứa con của mình.


“Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” gồm 7 chương: Học cách tư duy toàn vẹn; Quy luật sinh tồn tự nhiên – hệ xương sống của triết lý dạy con sáng suốt; 18 năm kim cương; Học để tăng cường tố chất chứ không vì có tố chất mới học; Giáo dục giới tính bắt đầu từ 0 tuổi; Thực dưỡng và câu chuyện ước mơ bay xa và phần cuối: “Ngày nào cũng là ngày của mẹ”.


Cuốn sách là những gợi ý cho các bậc bố mẹ con đường nhận thức về khoa học, tâm lý học thực hành một cách toàn vẹn, không cực đoan, phiến diện trong cách giáo dục con cái, vì bản thân đứa trẻ là một tiểu vũ trụ, là sự tổng hòa của mọi mối quan hệ tự nhiên và xã hội… Do đó, một cái nhìn tỉnh táo, khoa học toàn vẹn, lòng từ ái rộng lớn là cốt lõi của quá trình dạy con mang tới nhiều lợi lạc cho cả đứa trẻ và cha mẹ.


Tinh thần của đạo Phật được chị thể nghiệm xuyên suốt cuốn sách này là gì, thưa chị?


Triết học Đức Phật như cách chúng ta thường gọi, thực chất là khoa học tâm lý hướng nội: khám phá nội tâm, nội lực của bản thân. Triết học Đức Phật không cổ vũ một lối sống, lối nghĩ thụ động, ngược lại, triết học Đức Phật gợi mở cho ta cách thức để tự thắp sáng ánh sáng nội tâm, tự khai sáng nội lực… Điều đó thật tuyệt vời để giúp bạn cùng lúc đạt được hai mục tiêu: dẫn dắt đứa trẻ của bạn đi trên một con đường thảnh thơi, phúc lạc để đến được thành tựu vững chắc mà không vướng vào tật đố, ganh ghét, đố kỵ, sân hận. Đó được gọi là con đường của tuệ giác đẹp đẽ, từ ái; là lợi lạc cho bản thân đứa trẻ, lợi lạc cho gia đình và nhìn rộng ra, đó là phúc lạc thường hằng của cộng đồng – xã hội.


Ngay khi viết cuốn sách này, tôi hiểu rằng, tôi đang làm một việc chia sẻ thiện nguyện cho cộng đồng, một giá trị, nhưng điều đó cũng có nghĩa là tôi đang tác động nhất định đến cộng đồng. Có nhiều người khích lệ, hưởng ứng khiến tôi vô cùng cảm kích xúc động. Có nhiều bà mẹ trẻ đã gửi thư cho tôi, thốt lên những câu tương tự thế này “Em hàm ơn chị và cảm ơn số phận đã gặp được những bài viết của chị. Em học hỏi được từ đó rất nhiều và cuộc đời của em đang có nhiều thay đổi tích cực. Thực lòng em hiểu rằng, em đang mang một món nợ với chị!”. Nhiều vô cùng, và những tình cảm đó, chính là một phần quan trọng đã giúp tôi trở nên mạnh mẽ và vững tâm để hoàn tất cuốn sách một cách chí tình – trí tuệ nhất có thể.


Đức tin của tôi là thế này: Một người thầy thuốc tồi, có thể đoạt mạng sống của vài bệnh nhân. Một vị tướng tồi, có thể lấy đi sinh mạng của nhiều binh lính. Nhưng, nếu viết một cuốn sách tồi có thể làm sai lệch cả một cộng đồng! Do đó, viết cuốn sách này là một áp lực lớn đối với tôi về lòng can đảm, trung thực và trí tuệ. Đến lúc này, tôi có thể thở phào nhẹ nhõm vì tôi đã sống, đã làm việc nỗ lực như thế nào để hoàn tất cuốn sách.


Khi con còn nhỏ tình yêu của người mẹ dành cho con nó cụ thể hóa trong muôn mọi hoạt động thường ngày: cho con ăn, làm sao cho con có một bát cháo con, kiếm tiền nuôi con ăn học, thức đêm hôm trong bệnh viện với con, có thể chục ngày không ngủ, vân vân, đây là những nỗ lực mà mọi người đều dễ nhìn thấy. Khi con đã lớn, tình yêu dành cho con lại được thể hiệnở một trạng thái khác, đó là chăm sóc tâm hồn, tâm linh cho con cái. Điều đó không dễ chút nào. Người mẹ luôn nỗ lực để tu tập một tâm từ ái thiện ý. Giống như bạn trồng một cái cây, bạn tưới vào gốc nhiều quá, cây úng và chết. Nhưng nếu bạn biến thành cơn mưa, tưới tắm mát lành cả môi sinh rộng lớn, thì đó là bạn đang tạo một môi trường thuận lợi để cây được tươi tốt vững rễ bền gốc. Yêu con là yêu theo nghĩa rộng lớn – dự án thiện nguyện với cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” đó là cách để tôi yêu con như cơn mưa rào bất tận.


Tôi có niềm tin rằng, tình yêu dành cho con là hướng cho con tới cộng đồng nơi có nhiều người gieo trồng những mầm hạt thiện nguyện, thiện tâm, trong đó có tôi. Cha mẹ cứ bền lòng thực hành điều đó, thì con cái đi đâu cũng có bóng mát của sự thiện lành.


Người mẹ có vai trò quan trọng và quyết định hình thành nên một đứa trẻ. Nhưng thực tế, công việc này đang được san sẻ sang ông bà, người giúp việc… Đối với nhiều người, đặc biệt những thành phố lớn, đó là lựa chọn phù hợp khi người phụ nữ vừa phải duy trì một công việc để có một chỗ đứng trong xã hội, vừa phải chu toàn việc nhà, chăm con. Tâm lý này cũng khá phổ biến. Có thể thấy, những vấn đề chị đặt ra trong việc chăm sóc cho đứa trẻ có thực sự là thử thách với nhiều mẹ không? Và chị có thể đưa một hướng đi cho họ?


Cuộc sống rất mềm dẻo, dạy con đó đồng thời là việc bạn thực hành sống tràn đầy, dấn thân và thành thực. Đứa trẻ nào cũng có bản năng sinh tồn mãnh liệt.


Khi còn bé, người mà đứa trẻ tin cậy nhất chính là mẹ nó, dù ai tác động bao nhiêu thì người mẹ vẫn là người đứa con tin cậy nhất. Nhưng nhiều người mẹ đánh mất niềm tin ấy khi đứa trẻ lên 10. Đứa trẻ sẽ tham chiếu những giá trị kiến thức của người mẹ với những giá trị thực tiễn cuộc sống trả lời. Nếu lời dạy, dẫn dắt, kỹ năng của người mẹ có vấn đề sẽ khiến đứa trẻ hoài nghi và đánh mất niềm tin cậy.


Tôi luôn thành thật với con từ bé, không nói dối con, không trả lời qua chuyện, tôi cố gắng để những lời nói và hành động của bản thân không xung đột nhau, từng chút, từng chút một… từ những việc làm nho nhỏ để gây dựng niềm tin thực tiễn bền vững đối với con cái.


Bạn luôn bồi đắp niềm tin bằng chính cuộc sống, hành động và trí tuệ của mình cho con, để rồi, sự dẫn dắt của bạn giúp đứa trẻ có được thành quả, khiến nó vui vẻ hạnh phúc thì có nghĩa là bạn đã trở thành người dẫn dắt đáng tin cậy của đứa trẻ. Đây là bước thành công vô cùng quan trọng để bạn và đứa trẻ có được những thành công khác: Làm bạn với con trong niềm tin cậy hoàn toàn!


Niềm tin vào cha mẹ cảm nhận trọn vẹn tình yêu của cha mẹ dành cho đứa trẻ, đó chính là hệ miễn dịch có khả năng đề kháng tuyệt vời với ngoại cảnh. Đó mới là cái thành công của đứa trẻ. Nguyên tắc của tôi là trong mọi tình huống, đều đặt đứa trẻ và lợi lạc thiết thân của nó vào trung tâm giáo dục, điều đó đã đưa đến hiệu quả tuyệt vời trong hành trình dẫn dắt con gái của tôi đi tới thành tựu quan trọng ở tuổi trưởng thành.


Trong những trạng thái chị chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, chị lấy “mẹ thiên nhiên” là sợi chỉ đỏ cho những chăm sóc, quyết định trong việc nuôi dạy con. Để làm được điều này, cho thấy cần thực sự dụng công và thấu hiểu một cách khoa học. Trong khi, lứa làm cha mẹ hiện nay ở độ tuổi 8x, 9x, đa phần lựa chọn ngành công nghiệp sữa của phương Tây, bỉm, xe đẩy... hay nếu con ốm thì “tương luôn kháng sinh” và vội vã “đến ngay viện” được xem như giảm bớt “gánh nặng” và những hoang mang. Chị chia sẻ ra sao về thực tế này?


Hãy tư duy toàn vẹn, muốn như vậy bạn cần có một sự chủ động học hỏi từ sớm để hiểu rất nhiều thứ về con đường làm mẹ của mình, trong cuốn sách, tôi đã viết về điều này rất chi tiết và tường minh.


Khi bạn hiểu bản chất của sự sống trên trái đất là tính phụ thuộc lẫn nhau, thì bạn sẽ hiểu nuôi dạy trẻ dựa trên những am hiểu về quy luật sinh tồn chính là cách thức sáng suốt và hiệu quả nhất. Giống như để con cá trả lời nó là loài gì? Bạn phải cho nó xuống nước, nó sẽ thở bằng mang, sẽ bơi và nó biết nó là loài gì? Sự chia cắt cuộc sống của con người trong đời sống đô thị văn minh với phần còn lại của thế giới tự nhiên, là một sai sót lớn, giống như chúng ta bắt cá lên bờ vậy, việc ấy đánh mất môi sinh cần thiết, yếu tố giúp cho thể lý cũng như tâm lý của đứa trẻ được lớn lên lành mạnh.


Bất kể loài giống nào cũng cần kết nối với tự nhiên. Môi trường sống của chúng ta tách rời cuộc sống tự nhiên tới 90%: ipad, iphone, tivi, xem hoạt hình… thì tâm hồn cằn cỗi, thân thể cũng mất đi sức đề kháng mãnh liệt vốn có.


Hệ miễn dịch giống như một cơ quan trực chiến lại không bao giờ luyện tập được ở những đứa trẻ được bao bọc. Khi đứa trẻ sinh ra môi trường vô trùng, nghĩa là khi ra khỏi bụng mẹ lìa ra khỏi kết nối. Ngay cả cách chúng ta yêu thương, chúng ta có thể sẵn sàng chi trả 35 – 40 triệu mua một cái ipad cho con chơi game hoặc xem phim, nhưng chúng ta không thể để cho đứa bé rước về một con vịt chạy lạch bạch trên sàn đá hoa sáng bóng. Đứa trẻ được lớn lên trong thế giới đồ vật, dư thừa đồ vật… nhưng nó bị tách rời khỏi đời sống tự nhiên với muôn vàn trạng thái sinh diệt nhiệm mầu, cảm xúc, lay động, hữu tình, bạn sẽ dạy cho con điều gì về cuộc sống.


Có câu, khi quá thừa thãi một thứ gì đó thì bạn sẽ thiếu hụt điều khác ở mức độ trầm trọng. Trong một thời đại dư thừa vật chất, tiện nghi, dịch vụ làm thay, vân vân, thì có thể dẫn đến sự thiếu vắng năng lực sống, thiếu nỗ lực sống theo cách của Mẹ Thiên nhiên dẫn lối. Điều này là một thực tế, do đó, tôi chỉ làm một việc đơn giản là mô tả lại quá trình làm mẹ theo cách chỉ dẫn của Mẹ Thiên Nhiên mà tôi trải nghiệm cùng con, mà chúng tôi cảm nhận được sự hoan hỷ và thành tựu. Tôi chỉ chia sẻ, việc của bạn là nhận thấy trong câu chuyện của tôi những gợi ý thiện tâm, tuệ giác nào đó cho hành trình của bạn. Với tôi, như thế là rất nhiều rồi.


"Khi bạn tin tưởng vào điều tốt đẹp nào đó, trên con đường bạn đi sẽ có chỉ dẫn để bạn đến với niềm tin mà bạn mang theo" – cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” sẽ mang tới cho bạn những tấm biển chỉ dẫn rất ân cần, cụ thể.


Xin cảm ơn chị!

Lê Vân (Thực hiện)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN