Loay hoay chọn trường đầu cấp - Bài cuối

“Các trường công lập có ưu điểm là học phí thấp, Nhà nước có đầu tư đồng bộ. Nhưng chính vì sự quản lý đôi khi còn cứng nhắc mà các trường công lập chưa có tính chủ động cao, thường thực hiện kế hoạch được chỉ đạo. Đôi khi chưa cập nhật các phương pháp giáo dục tiên tiến có tính đột phá.

PHỤ HUYNH CẦN CÓ KIẾN THỨC ĐA CHIỀU 

Theo các chuyên gia giáo dục, với học sinh lớp 1, các bậc phụ huynh nên nỗ lực tìm hiểu thực tế và tham vấn thầy cô để lựa chọn cho trẻ một trường học tối ưu. Còn ở lứa tuổi lớn như lớp 9 thì bố mẹ cần tôn trọng lựa chọn của con, tránh áp đặt.

Trường điểm không phải lựa chọn tối ưu

TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, bất kể trường học nào của Việt Nam đều học cùng một bộ sách và theo một chương trình. Nên không có chuyện học trường có điều kiện cơ sở vật chất kém hơn thì học sinh sẽ kém hiểu biết. Hơn nữa, các trường đều được phòng, sở GD - ĐT quản rất chặt chẽ về việc thực hiện chương trình.

Cha mẹ cần trang bị kiến thức trong việc chọn trường cho con. Ảnh: TTXVN

“Hiện nay, bệnh thành tích bủa vây khắp nơi, từ phía phụ huynh, phía ban giám hiệu, phòng, sở GD - ĐT. Các trường điểm, tiếng tăm, đông học sinh đôi khi sẽ làm cô giáo mất khả năng kiểm soát tình hình và con trẻ còn có thể bị sức ép bệnh thành tích. Do đó, vào trường điểm hoàn toàn không phải là sự lựa chọn tối ưu”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Phân tích chung về loại hình trường công lập và ngoài công lập, bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thực nghiệm, Hà Nội, cho biết: “Các trường công lập có ưu điểm là học phí thấp, Nhà nước có đầu tư đồng bộ. Nhưng chính vì sự quản lý đôi khi còn cứng nhắc mà các trường công lập chưa có tính chủ động cao, thường thực hiện kế hoạch được chỉ đạo. Đôi khi chưa cập nhật các phương pháp giáo dục tiên tiến có tính đột phá. Hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục chưa linh hoạt. Các nhà quản lý ở trường công lập chưa trao quyền nhiều cho giáo viên trong việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và quan trọng nhất là tạo dựng hứng thú học tập, phát huy năng lực người học”.

Trong khi đó, trường ngoài công lập có lợi thế về việc đầu tư cơ sở vật chất. Nhưng có một áp lực lớn giữa vấn đề tài chính và vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục. Vì thế trong những năm gần đây, một số các trường ngoài công lập đã nỗ lực tìm tòi để áp dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Họ khá cởi mở trong việc tiếp thu cái mới và sẵn sàng cho việc thay đổi. Tuy nhiên, chất lượng giáo viên vẫn luôn là khó khăn của các trường ngoài công lập.

Theo một cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chất lượng dạy và học tại trường quốc tế cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Đến nay, chưa có một nghiên cứu chính thức nào về khu vực này. Bởi để triển khai nghiên cứu thì cần nhiều tiêu chí khác nhau, trong khi chính đội ngũ nghiên cứu cũng chưa thể đi sâu vào thực tế những trường quốc tế. Trong khi, các điều kiện về mở trường có yếu tố nước ngoài mà Bộ, Sở GD - ĐT đặt ra thì các trường quốc tế đều đáp ứng. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh bằng kinh nghiệm của mình (có thể là đi du học, sinh sống ở nước ngoài nhiều) tự mày mò trải nghiệm mới đưa ra nhận xét đúng và quyết định chọn trường hiệu quả. Còn lại, một bộ phận phụ huynh “sính” trường quốc tế nhưng không sát sao tìm hiểu thì thường mang lại những hiệu quả không như mong muốn.

Tránh áp lực cho trẻ

Đối với những học sinh lớp 9 thi vào lớp 10, bà Lê Thị Mai Hương cho rằng, phụ huynh nên tôn trọng ý kiến nguyện vọng của học sinh. Trao cho học sinh quyền lựa chọn nhưng dạy các em có trách nhiệm với quyết định của mình. Tốt nhất, cùng con tìm hiểu về các trường mà con mong muốn vào học, giúp con đánh giá đúng khả năng của mình để có lựa chọn hợp lý. Không ép con ôn tập, học để thi những trường và lớp chuyên mà con không thực sự yêu thích và có khả năng. Không tạo thêm áp lực cho con.

Còn ở bậc tiểu học, theo TS Vũ Thu Hương, cha mẹ cần nhận thức được mục tiêu học tập của con trẻ là vô cùng đơn giản. Đó là, các con chỉ cần đọc thông viết thạo, làm tính cộng trừ nhân chia và vài phép đổi đơn giản là có thể đã hoàn thành mục tiêu rồi. Những bài toán khó, những bài được đặt dấu sao đều có nghĩa là không bắt buộc, con không làm được cũng chẳng sao. Các cha mẹ đừng quá sốt ruột và nghĩ là con phải làm được mọi bài tập. Vì thế, việc chọn lựa trường lớp cầu kì cũng không tốt.

“Việc giáo dục đạo đức rất quan trọng. Nếu đạo đức tốt thì việc gì cũng ổn. Phụ huynh hãy quan sát những học sinh ở trường định xin học cho con xem học sinh có lễ phép hay không. Đó cũng là tiêu chí khi gửi con vào lớp 1 của cá nhân tôi”, TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

Khi tư vấn với các bậc phụ huynh, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội cũng khuyến cáo: “Với cấp 1, gia đình nên cân nhắc chọn trường gần nhà, có giáo viên gần gũi học sinh. Bởi lứa tuổi này các em đang cần được chăm sóc nhiều hơn. Lên cấp 2, gia đình mới nên tính chuyện chọn trường học nghiêng về kiến thức”. 
Lê Vân
 Loay hoay chọn trường đầu cấp - Bài 1
Loay hoay chọn trường đầu cấp - Bài 1

Trường công lập không đáp ứng được hết nhu cầu, trong khi các trường ngoài công lập, tư thục và quốc tế mang lại cho phụ huynh nhiều chọn lựa hơn. Nhưng để chọn được một môi trường học tập phù hợp với con trẻ và điều kiện kinh tế của gia đình là điều không hề dễ dàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN