Linh hoạt các giải pháp triển khai kế hoạch năm học mới

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hà Tĩnh, Sóc Trăng đã xây dựng nhiều phương án, giải pháp triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 để bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất.

Chú thích ảnh
Nhân viên nhà sách Thiết bị giáo dục Cần Thơ soạn đơn hàng cho khách đặt trực tuyến. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đầu năm học 2021 - 2022 trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tối 1/9, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố kiêm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ đã ban hành công văn đề nghị phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, đơn vị trực thuộc Sở, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận, huyện (gọi tắt là đơn vị) về việc triển khai một số nhiệm vụ năm học mới.

Trong công văn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ đề nghị các cơ sở giáo dục rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ giáo dục, để tính toán xác định mức thu hợp lý trên cơ sở thực tế theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh trong tình hình dịch bệnh và thực hiện công khai minh bạch; thực hiện thu học phí năm học 2021 - 2022 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân thành phố ban hành quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2021 - 2022.

Bên cạnh các chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập theo các quy định của Nhà nước, đề nghị các cơ sở giáo dục kêu gọi và huy động các nguồn lực của xã hội để có các chính sách hỗ trợ cho trẻ em và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2021 - 2022.

Ông Dương Tấn Hiển cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động liên hệ cha mẹ học sinh, học sinh để tìm hiểu, hướng dẫn và hỗ trợ học sinh chuẩn bị sách giáo khoa, các vật dụng cần thiết cho học tập. Các trường học tổng hợp nhu cầu trang bị sách giáo khoa và mua hộ sách giáo khoa cho học sinh trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh; liên hệ với các công ty, nhà xuất bản trên địa bàn thành phố cung ứng sách giáo khoa, văn phòng phẩm phục vụ học tập đến học sinh. Trường hợp cha mẹ học sinh không có khả năng mua sách giáo khoa do gia đình nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường sử dụng tủ sách dùng chung cho học sinh mượn để học tập. Ở cấp tiểu học, các cơ sở giáo dục giới thiệu nền tảng sách giáo khoa điện tử miễn phí đến cha mẹ học sinh tại https://hanhtrangso.nxbgd.vn. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Cha mẹ học sinh, học sinh tự mua theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, tuyệt đối không bắt buộc. 

Chú thích ảnh
Nhân viên nhà sách soạn đơn hàng sách giáo khoa cho khách. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Công văn cũng hướng dẫn các đơn vị triển khai khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo Quyết định số 1880/QĐ-UBND.

Theo đó, đối với bậc mầm non, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non đăng tải các video clip hướng dẫn cha mẹ trẻ thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại website, facebook, fanpage, zalo… của đơn vị và gửi đến cha mẹ trẻ thông qua email hoặc mạng xã hội; hướng dẫn cha mẹ trẻ chuẩn bị đồ dùng cá nhân để trẻ sử dụng khi đến trường; xây dựng kịch bản cụ thể phù hợp với từng độ tuổi trẻ khi trẻ đến trường nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ và giáo viên; tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh và huy động trẻ ra lớp.

Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện chỉ đạo cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn triển khai xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học theo hướng chủ động linh hoạt, tinh giản; dạy học những nội dung cốt lõi, phù hợp với điều kiện của từng địa phương trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Cùng với đó, tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, kể cả học sinh của các địa phương khác vì dịch bệnh không thể trở về nơi có đăng ký hộ khẩu thường trú; đảm bảo 100% học sinh 6 tuổi vào học lớp 1, kể cả học sinh không có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Trong thời gian chuẩn bị cho học sinh đến trường, nhà trường phân công giáo viên giữ mối liên hệ thường xuyên với cha mẹ học sinh và học sinh để chuẩn bị tâm thế, dụng cụ, phương tiện sẵn sàng đi học; hỗ trợ các đối tượng học sinh thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em đảm bảo “3 đủ" (đủ ăn, đủ mặc và đủ dụng cụ học tập); tuyệt đối không để tình trạng học sinh không đến trường do hoàn cảnh khó khăn.

Các cơ sở giáo dục tiểu học cũng sắp xếp, biên chế lớp học; đảm bảo số học sinh/lớp theo quy định (đặc biệt đối với lớp 1, lớp 2); 100% học sinh lớp 1, lớp 2 được học 2 buổi/ngày; phân công giáo viên dạy lớp đảm bảo phù hợp năng lực, trình độ chuyên môn (yêu cầu giáo viên phải được tập huấn chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đã tham gia bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa và kiểm tra sau bồi dưỡng có kết quả đạt).

Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị giáo dục sắp xếp, bố trí, xây dựng biên chế lớp học bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa nhà trường và gia đình; xây dựng và quản lý lớp học trên không gian mạng; phân công nhiệm vụ giáo viên, nhân viên trong nhà trường; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến; xây dựng phương án hỗ trợ học sinh không đủ điều kiện, thiết bị tham gia học trực tuyến.

Song song đó, các đơn vị giáo dục rà soát, thống kê số học sinh đã tập trung, học tạm ở tỉnh/thành phố khác; có phương án, giải pháp vận động học sinh ra lớp đầy đủ; phối hợp cha mẹ học sinh vận động xã hội hóa để giúp đỡ, hỗ trợ những học sinh hoàn cảnh khó khăn có đủ điều kiện đến trường.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông hoàn chỉnh, ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục, phân phối chương trình các môn học, hoạt động giáo dục năm học 2021 - 2022 làm cơ sở để các tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng các kế hoạch tổ chức dạy học theo quy định; tổ chức tuyên truyền kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục, phân phối chương trình các môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau; chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6.

Ông Dương Tấn Hiển cũng lưu ý các đơn vị giáo dục sau thời gian giãn cách xã hội, các đơn vị đẩy nhanh tiến độ sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp, bảo đảm an toàn để đón học sinh đi học trở lại khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục thực hiện vệ sinh môi trường; thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường lớp theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế; tiến hành rà soát, trang bị, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; tiếp tục theo dõi, tiếp nhận thông tin chính thức từ các cơ quan chuyên môn để đánh giá đúng sự ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, bảo đảm thông tin chính xác...; quán triệt trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh không kỳ thị phân biệt đối xử với những học sinh, giáo viên đã và đang là F0, F1, F2.

* Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và kéo dài, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã linh hoạt các phương án cho năm học 2021-2022. Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh chưa tổ chức dạy học đối với học sinh mầm non, tiểu học; khắc phục khó khăn triển khai dạy học trực tuyến với bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Ngày 1/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh có văn bản mới nhất chỉ đạo các trường học trên địa bàn toàn tỉnh về việc tổ chức tựu trường, khai giảng và triển khai nhiệm vụ năm học mới.

Theo đó, các trường không tổ chức tựu trường tập trung mà chỉ thông báo những nội dung cần thiết bằng hình thức trực tuyến, qua các trang mạng xã hội và các hình thức khác. Lễ khai giảng năm học mới cấp tỉnh được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Trường Trung học cơ sở Lê Văn Thiêm (thành phố Hà Tĩnh) và được phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, tạm thời chưa tổ chức dạy học cho đến khi có thông báo mới. Các trường học từ bậc Trung học cơ sở đến Trung học phổ thông, tổ chức hình thức dạy học trực tuyến. Nhà trường nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh, từ đó phân thành 3 nhóm để có giải pháp tổ chức dạy học phù hợp, đạt hiệu quả, không để học sinh nào không được học tập.

Theo đó, nhóm có phương tiện học tập, các trường học chủ động xác định các môn học, nội dung dạy học trực tuyến phù hợp; hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập. Thời lượng mỗi tiết dạy học khoảng 40 - 45 phút; mỗi buổi dạy không quá 4 tiết. Thời gian học được thực hiện hằng ngày (từ thứ Hai đến thứ Bảy), trong đó cấp Trung học phổ thông học từ 7 giờ đến 11 giờ, cấp Trung học cơ sở học từ 14 giờ đến 17 giờ hằng ngày.

Đối với học sinh không thể học được trực tuyến nhưng phụ huynh kèm cặp được, hiệu trưởng các trường chỉ đạo giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm chuyển giao nhiệm vụ học tập cho các em thông qua tin nhắn SMS, Vnedu, qua Zalo, Facebook hoặc gửi tài liệu đến học sinh.

Học sinh không học được trực tuyến và phụ huynh không kèm cặp được, nhà trường sẽ tham mưu với chính quyền địa phương để huy động sự giúp đỡ của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Ban công tác Mặt trận thôn... và phân công giáo viên kèm cặp; phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến” để giúp đỡ các em học tập.

Sau khi học sinh trở lại học trực tiếp, nhà trường sẽ tổ chức đánh giá chất lượng học sinh, bổ sung, ôn tập kiến thức cho các em chưa đạt yêu cầu. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cũng giao hiệu trưởng các trường hướng dẫn và hỗ trợ giáo viên xây dựng, phát triển kho video bài dạy minh họa, kho học liệu điện tử; xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy học trực tuyến, tổ chức dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy học trực tuyến; tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.

* Thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng của Chủ tịch UBND Sóc Trăng, đến cuối tháng 8, việc sắp xếp các trường, lớp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng để chuẩn bị năm học 2021 - 2022 đã cơ bản ổn định, sẵn sàng cho năm học mới. Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 490 trường; trong đó có 470 trường công lập, 20 trường ngoài công lập, với số lượng 8.600 lớp, dự kiến học sinh khoảng 275.000 em, tăng khoảng 3.000 em và 200 lớp, đạt khoảng 99% chỉ tiêu theo kế hoạch.

Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trên cơ sở phân loại cấp độ nguy cơ của các vùng, ngành Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng đã xây dựng nhiều phương án để đảm bảo cho năm học mới đạt hiệu quả cao nhất. Đối với các cơ sở giáo dục đang được trưng dụng làm khu cách ly sẽ tạm dừng tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, chỉ tổ chức dạy học trực tuyến và các hình thức phù hợp khác, tùy theo tình hình thực tế và điều kiện của từng đơn vị.

Thành phố Sóc Trăng hiện có 48 trường từ mầm non đến Trung học phổ thông, 27 cơ sở, nhóm lớp mầm non ngoài công lập. Ðể bảo đảm trường, lớp cho năm học mới, việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập được các đơn vị trường trên địa bàn triển khai thực hiện ngay từ sau khi kết thúc năm học 2020-2021. Theo kế hoạch chung, năm học mới sẽ bắt đầu từ 15/9, tuy nhiên, tùy tình hình dịch bệnh mà ngành giáo dục sẽ có phương án triển khai linh động, phù hợp với từng địa bàn.

Ghi nhận tại một số điểm trường trên địa bàn thành phố Sóc Trăng cho thấy, hiện hầu hết các trường đã cơ bản hoàn tất các khâu chuẩn bị từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học đến việc ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; huy động học sinh, sẵn sàng bước vào năm học mới, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu học tập của học sinh, cũng như trang bị, bố trí đầy đủ bàn ghế, phòng học (kể cả các điểm học tạm cho các đơn vị trường học sử dụng làm khu cách ly tập trung).

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của tỉnh, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, địa phương các cấp, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chuẩn bị cơ bản đẩy đủ về cơ sở vật chất, đáp ứng tốt nhu cầu cho năm học 2021-2022. Cụ thể, kinh phí mua sắm thiết bị dạy học lớp 2, lớp 6 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt là 94,5 tỷ.

Kinh phí mua sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 là 5,8 tỷ đồng. Tỉnh cũng đầu tư, cải tạo, nâng cấp các điểm trường đảm bảo cơ sở vật chất, vệ sinh, nước sạch, sân chơi, môi trường, đồng bộ hóa các điểm trường đạt chuẩn quốc gia. Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất năm 2022 trên 503 tỷ đồng. Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng huy động các nguồn lực đóng góp của xã hội, đảm bảo điều kiện cho giáo dục có đủ nguồn lực phát triển... 

* Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn, chiều 1/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam đã có Công văn số 809/SGDĐT-VP về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 và công tác tổ chức khai giảng trong điều kiện mới.

Theo đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Nam thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, giáo viên, trẻ mầm non, học sinh và cha mẹ học sinh không được đi ra khỏi địa bàn tỉnh Hà Nam, không đi đến các vùng có dịch. Trong trường hợp thật cần thiết cán bộ, giáo viên phải đi ra khỏi địa bàn phải báo cáo lãnh đạo đơn vị và thực hiện khai báo y tế. Nếu đi qua các tỉnh, vùng có dịch yêu cầu phải thực hiện cách ly y tế theo đúng khuyến cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; giáo viên, học sinh không tiếp xúc gần với những người đến từ vùng dịch, người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19, người ngoài gia đình.

Cán bộ, giáo viên, học sinh trước mỗi buổi đi học, đi làm chủ động tự theo dõi sức khỏe và đo thân nhiệt thường xuyên. Nếu có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… thì chủ động ở nhà, khai báo y tế ngay với lãnh đạo đơn vị để có biện pháp xử lý.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam yêu cầu các nhà trường, cơ sở giáo dục, phòng giáo dục các huyện, thị xã, thành phố kết hợp với các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tiến hành vệ sinh khử khuẩn trường, lớp theo đúng quy định sau mỗi buổi học, kiểm tra và bổ sung dung dịch sát khuẩn, xà phòng và các vật dụng y tế cần thiết khác để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo. Ngoài ra, lãnh đạo các đơn vị, các cơ sở giáo dục phải cập nhật thông tin lên "Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19" tại trang ww.antoancovid.vn và thực hiện khai báo y tế điện tử và cập nhật số liệu giáo viên, học sinh liên quan đến dịch COVID-19 tại địa chỉ: https://forms.gle/7VfumtK24TVLAbtZA (hoặc truy cập biểu mẫu qua trang hanam.edu.vn) hằng ngày.

Cũng theo công văn trên, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục, các trường nâng cao thực hiện nghiêm thông điệp "5K" và chấp hành tốt Công điện số 848/CĐ-BGDDT về tổ chức khai giảng và chuẩn bị cho năm học mới trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Qua đó, Sở yêu cầu các trường tổ chức lễ khai giảng sẽ ngắn gọn, trang trọng với đại diện học sinh tham dự tối đa không quá 30 em. Học sinh tiểu học chỉ học một buổi/ngày.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam cho biết, do tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nam có chiều hướng phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh lân cận dịch đang bùng phát mạnh nên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam đã yêu cầu các cơ sở giáo dục, các phòng giáo dục theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của học sinh, của giáo viên liên quan, nhất là những trường hợp tiếp xúc hoặc F1, F2 là học sinh, giáo viên thì sẽ phải có báo cáo hằng ngày về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tỉnh để nắm rõ tình hình.

Thu Hiền - Hoàng Ngà - Trung Hiếu - Đại Nghĩa (TTXVN)
Vận chuyển kịp thời sách giáo khoa tới học sinh trước thềm năm học
Vận chuyển kịp thời sách giáo khoa tới học sinh trước thềm năm học

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều học sinh hiện nay vẫn chưa được trang bị sách giáo khoa cho năm học 2021 - 2022. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với các đơn vị bưu chính, chuyển phát nhanh trong việc vận chuyển, cung ứng sách giáo khoa tới nhà trường, học sinh và phụ huynh để kịp thời chuẩn bị cho năm học mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN