Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức khẳng định, sự đóng góp không ngừng nghỉ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp góp phần vào thành công, phát triển giáo dục của Thành phố hôm nay và tương lai. Giáo dục nghề nghiệp là đào tạo nhân lực trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; là nơi cung cấp nguồn nhân lực có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.
Chúc mừng các cán bộ quản lý, nhà giáo tiêu biểu được vinh danh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố mong muốn, mỗi nhà giáo phải là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp, về năng lực chuyên môn cho người học noi theo; là cán bộ truyền thông góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị, lãnh đạo các cơ quan chủ quản, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Các ngành liên quan có kế hoạch rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo trong thời kỳ hội nhập và phát triển; tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội cho người học về vai trò, vị trí của học nghề; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Vinh dự lần đầu được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, thầy Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thầy rất hạnh phúc khi sự đóng góp tích cực của bản thân cho sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp được ghi nhận. Thầy Tuân mong rằng, giải thưởng tiếp tục phát triển, phát huy, tìm ra được nhiều nhân tố tích cực, tấm gương điển hình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Chia sẻ về hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới, thầy Bùi Mạnh Tuân nhấn mạnh về việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại và vai trò của thầy, cô giáo trong việc truyền lửa, truyền nghề. Mỗi thầy, cô giáo cần giúp sinh viên thấy được tầm quan trọng của việc học ở trường cũng như ý thức tự học để vững kiến thức, giỏi tay nghề, nắm bắt nhiều vấn đề trong xã hội.
Là giảng viên trẻ nhất nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ I, thầy Lê Thanh Phong, Trưởng Khoa Điện lạnh, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thủ Đức cho rằng, nhà giáo trẻ hôm nay cần chủ động nghiên cứu, học tập trau dồi các kiến thức mới, kinh nghiệm của người đi trước; gắn học tập với thực hành tại các doanh nghiệp để đúc kết thêm kinh nghiệm thực tiễn.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 371 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hàng năm cung ứng cho thị trường lao động trên 125.000 người. Tỷ lệ người học có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 80% (trình độ Cao đẳng đạt 88,6%, Trung cấp đạt 82,56%). Chất lượng đào tạo các ngành nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã đáp ứng nhu cầu của người học và nhà tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động của Thành phố và cả nước.